ClockThứ Ba, 05/05/2015 15:30

Doanh nghiệp còn ngại ngần

TTH - Hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền chưa mặn mà chuyển đến cụm công nghiệp Bắc An Gia (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền).

Các cơ sở đầu tư hạ tầng tại cụm công nghiệp Bắc An Gia

Cách đây gần 4 năm, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp Bắc An Gia với quy mô 25 ha. Mục tiêu đặt ra là ưu tiên phục vụ phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: cơ khí chế tạo, sản xuất và sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ xuất khẩu, công nghiệp chế biến; xay xát; may mặc, thêu,…Trong giai đoạn 1, cụm công nghiệp tiếp nhận những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; giai đoạn 2 sẽ kêu gọi các cơ sở sản xuất trong và ngoại tỉnh đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn 1 đang vấp phải nhiều khó khăn khi các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư không mặn mà với việc vào cụm công nghiệp với lý do cơ sở hạ tầng yếu và thiếu.

Theo ông Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Ban đầu tư và Xây dựng huyện Quảng Điền, giai đoạn 1 sẽ quy hoạch tập trung vào 7 ha với kinh phí bố trí từ năm 2013 đến nay là 3 tỷ đồng. Ban Đầu tư và Xây dựng huyện đã tiến hành giải phóng mặt bằng trên diện tích 22.000m² trong đó, 12.000m² thực hiện phân lô, diện tích còn lại bố trí xây dựng đường giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, cụm công nghiệp Bắc An Gia chỉ mới được đầu tư 2 tuyến đường giao thông. Vào tháng 10/2014 đầu tư thêm hệ thống điện, nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu của các hộ sản xuất. Các cơ sở khi tập trung vào cụm công nghiệp được hỗ trợ về tài chính với mức từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng gồm: kinh phí di chuyển, miễn 5 năm phí hạ tầng… Song mới chỉ có 5 cơ sở di chuyển cụm công nghiệp gồm: cơ sở nước đá Lê Phước Ngọc, cơ sở gỗ Công Thiệp, doanh nghiệp cơ khí Bạch Lai, doanh nghiệp cơ khí Lợi Sịa và cơ sở xay sát Hoàng Lĩnh.

Mặc dù huyện đã ban hành các văn bản quy định về hỗ trợ tháo dỡ di dời nhà xưởng, hỗ trợ thời gian nghỉ sản xuất và lãi suất đầu tư cho các cơ sở, giá cho thuê đất, giá cho thuê hạ tầng được điều chỉnh hợp lý nhưng nhiều hộ vẫn không muốn vào sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền: “Sẽ đầu tư từng bước một”
 
Địa phương đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chuyển vào sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp như: những hộ đến sớm được chọn vị trí theo đúng quy hoạch phát triển, hỗ trợ tiền trả lương lao động trong quá trình ngưng hoạt động và chính sách ưu đãi về vay vốn... Sau khi các cơ sở đi vào hoạt động và ổn định sản xuất, huyện sẽ xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cần nguồn vốn lớn, trong khi nguồn ngân sách huyện vẫn rất hạn chế. Vì thế, huyện sẽ đầu tư dần từng bước một để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường cụm công nghiệp về sau. 

Tiếp xúc với các chủ cơ sở chưa vào cụm công nghiệp, nhiều người cho biết mối lo lớn nhất khi chuyển đến cụm công nghiệp chính là hạ tầng. Chủ cơ sở xay sát Hoàng Thị Năm cho hay: “Khu vực này chưa có trạm biến áp riêng nên khi cơ sở đi vào hoạt động sẽ không đủ nguồn điện cho quá trình sản xuất. Hệ thống giao thông ở đây cũng chưa đảm bảo, chỉ có 2 tuyến đường được bê tông còn những tuyến khác vẫn là đường đất đỏ, vào mùa mưa bão việc vận chuyển hàng hoá ra vào rất khó khăn. Đó là chưa nói vùng này thiếu hệ thống cây xanh, sẽ rất bức bí trong quá trình sản xuất và sinh hoạt”.

Ngay cả những cơ sở đã vào cụm công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Theo chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Lê Công Thiệp, dù đã chuyển lên gần 1 năm nhưng cơ sở vẫn chưa thể ổn định sản xuất. Lý do, điện nước mới được đầu tư, đường giao thông dẫn vào cơ sở vẫn là đường đất đỏ, hễ có mưa là lầy lội không thể di chuyển được. Địa thế cũng không mấy thuận lợi cho việc giao thương.

Lý giải thêm về nguyên nhân các cơ sở sản xuất không muốn vào cụm công nghiệp, ông Nguyễn Đình Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa cho biết: “Ngoài hạ tầng chưa đảm bảo còn có nguyên nhân các cơ sở đã quen với phương thức hoạt động, địa điểm kinh doanh ở trong khu dân cư nên khi được yêu cầu di chuyển, đa số tỏ ra dè dặt. Họ lo ngại khi chuyển đến địa điểm mới sẽ mất đi những mối làm ăn lâu nay”.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời khuyến khích các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vào sản xuất tập trung. Theo ông Thành, việc cần làm trước tiên cần tiến hành là huyện cần đầu tư hoàn thiện 2 tuyến đường giao thông số 7 và số 2 vào cụm công nghiệp. Chi nhánh Điện lực Quảng Điền cần cam kết với người dân sẽ đầu tư hạ tầng ngành nếu các cơ sở đồng ý di chuyển. Còn vấn đề xây dựng hệ thống xử lý nước thải cần nguồn vốn lớn nên kiến nghị tỉnh quan tâm. Ngoài ra, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cần phối hợp xử lý hành chính đối với những hộ sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, yêu cầu những cơ sở này di chuyển tập trung về cụm công nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Return to top