ClockThứ Ba, 28/04/2020 07:34

Doanh nghiệp và ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn

TTH - Nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước là nội dung chính của buổi làm việc giữa Hiệp hội Doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước và các NHTM, TCTD trên địa bàn chiều ngày 27/4.

Tín dụng tiếp sức cho doanh nghiệpPhối hợp với ngành ngân hàng nắm bắt mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh

Các ngân hàng đều có chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn

Doanh nghiệp kêu khó

Theo phản ảnh của các doanh nghiệp (DN), tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1/2020 của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19, doanh thu của phần lớn DN trong quý 1/2020 giảm từ 20-50%. Nếu dịch kéo dài hơn 6 tháng, doanh thu sẽ giảm trên 50% hoặc có nguy cơ phá sản. Ngoài giảm doanh thu, các DN còn phải tăng chi phí dự phòng trong lúc vẫn phải trả lãi ngân hàng, trả nợ thuế, đóng BHXH, trả lương nhân viên, chi phí điện nước và nhiều chi phí khác mà không có doanh thu mới… dự ước thiệt hại trong quý I khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN chia sẻ, Chính phủ có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, mới nhất là gói tín dụng 600.000 tỷ đồng, dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và khách hàng cá nhân; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, những quy định kèm theo đối với TCTD quá chặt chẽ nên các NHTM rất thận trọng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Đại diện ngân hàng giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp

Đại diện các thành viên Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn quy trình chuẩn về việc thẩm định, đánh giá thiệt hại và xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ do mỗi ngân hàng đều có quy trình thủ tục riêng gây khó khăn cho DN. Đối với các yêu cầu vay mới của doanh nghiệp trong thời gian này, Hiệp hội đề nghị xem xét, nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay có lãi suất thấp, dễ tiếp cận để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn. Chẳng hạn như, doanh nghiệp không có thế chấp nhưng ngân hàng có thể căn cứ vào các tiêu chí khác của doanh nghiệp như có uy tín với khách hàng, doanh thu trước COVID-19 hoặc 1 năm gần đây rất tốt, mô hình sản xuất kinh doanh đảm bảo... để có thể vay tiếp.

Doanh nghiệp phải cùng chia sẻ

Trước phản ánh một số doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, các ngân hàng, TCTD cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng phương án khôi phục sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch, lành mạnh báo cáo tài chính, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đồng thời nhấn mạnh, các ngân hàng đang rất quyết liệt, tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch nhưng không nới lỏng (hạ chuẩn) các điều kiện cấp tín dụng. Các ngân hàng cho rằng, họ hàng đang chủ động liên hệ với khách hàng yêu cầu hỗ trợ, tuy nhiên một số chi nhánh TCTD chưa nhận được văn bản của khách hàng yêu cầu hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng khẳng định sự vào cuộc của các ngân hàng, khi đến 23/4/2020, toàn tỉnh có 320 khách hàng (trong đó có 63 DN) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dư nợ được cơ cấu là 523,4 tỷ đồng; 330 khách hàng (trong đó có 139 DN) được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm là 1.894,3 tỷ đồng; 304 khách hàng (trong đó có 133 DN) được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến 23/4/2020 là 1.231,9 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 300 khách hàng (trong đó có 56 DN) đang được các chi nhánh TCTD trình cấp có thẩm quyền xem xét cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi và cho vay mới với dư nợ 1.057,1 tỷ đồng; 67 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được giãn nợ với dư nợ là 1,38 tỷ đồng.

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh chia sẻ, TCTD cũng là doanh nghiệp, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phải cắt giảm lương, thưởng, tiết giảm tối đa chi phí, không chia cổ tức bằng tiền mặt… để có thêm nguồn hỗ trợ khách hàng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng với DN của các TCTD. Nguồn hỗ trợ khách hàng chính của TCTD là từ tiền gửi của người dân nên ngân hàng rất thận trọng để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trả được lãi cho người dân gửi tiền, do đó doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ với ngân hàng.

Ngoài việc chỉ ra những khó khăn cụ thể, yêu cầu, đề xuất cụ thể gửi đến TCTD, NHTM, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phục hồi sau dịch có tính khả thi có như thế mới đảm bảo cho quá trình vay vốn. Bởi nếu hỗ trợ khách hàng không chuẩn thì sau vài năm nữa, các cơ quan Nhà nước về kiểm tra, chỉ ra sai phạm, xử lý ảnh hưởng đến các TCTD về sau.

Phó Giám đốc NHNN tỉnh cũng yêu cầu các chi nhánh TCTD khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp (bất kể nguồn nào) cũng phải xử lý khẩn trương, kịp thời. Đồng thời công khai minh bạch kết quả xử lý, trường hợp từ chối xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp thì có văn bản nêu rõ lý do. NHNN tỉnh đã thành lập Tổ thường trực và đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp và người dân liên quan đến COVID-19 nên doanh nghiệp, Hiệp hội cùng chia sẻ khó khăn, kịp thời tháo gỡ để chính sách được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch nhất.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top