ClockThứ Tư, 09/12/2015 17:00

Độc đáo bản sắc Thái

TTH - Được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng từ ngày 5 đến 11/12, triển lãm "Phía chân trời" của các nghệ sĩ Thái Lan mang đến cho công chúng những cảm xúc mới lạ.

Nghệ sĩ và công chúng xem tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Santisuk Lengsanam

“Phía chân trời” là một trong những triển lãm tạo được sức hút với công chúng yêu nghệ thuật ở Huế. Chất liệu đa dạng, mới mẻ, màu sắc được hòa trộn tinh tế, kỹ thuật chuyên nghiệp... mỗi tác phẩm đều toát lên vẻ sống động, đậm triết lý nhân sinh. 22 tác phẩm trong phòng tranh tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng với người yêu nghệ thuật. 

Lấy ý tưởng từ chính vũ trụ bất tận, 3 họa sĩ: Adool Booncham, Prasit Wichaya và Santisuk Lengsanam đến từ Khoa Điêu khắc, Trường đại học Mahasarakham - Thái Lan đã sáng tác những tác phẩm mang đậm phong cách Thái và cá tính riêng của mình. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cảm nhận: “Xem tranh, người xem nhìn thấy tác giả ngay tức khắc. Họ thể hiện được bản sắc của dân tộc mình, văn hóa tín ngưỡng, triết lý nhân sinh qua những biểu tượng, motip được thể hiện một cách ẩn dụ cùng những mảng màu tối sáng mãnh liệt”.
Với tác phẩm của nghệ sĩ Adool Booncham là những vòng xoáy bất tận của vũ trụ. Cùng những vết xước màu sắc nhấn nhá các mảng tối đầy sự liên tưởng. Với nghệ sĩ Prasit Wichaya là sự kết hợp các mảng rộng của ánh sáng được gắn liền với các ngôi sao băng ở đâu đó tận cùng của vũ trụ. Nghệ sĩ Prasit Wichaya cho biết: “Tác phẩm của tôi được tạo ra từ sự mô phỏng hình dáng một cái thân cây như thể là địa hình khúc khuỷu của vùng I-San ở Thái. Tác phẩm nhấn mạnh sự nỗ lực của cuộc sống và sự bảo tồn nhân loại trong những điều kiện khó khăn”.
Tác phẩm điêu khắc bằng composite và thép của nghệ sĩ Santisuk Lengsanam làm người xem ngạc nhiên với sự “lênh khênh” mà vẫn trống vắng với góc nhìn đa chiều đầy gai góc của các khối bên trong chúng. Nghệ thuật điêu khắc có tính sắp đặt và ám thị dẫn dắt người xem khám phá chính mình trong hành trình dài và đầy trắc ẩn của cuộc sống. Hoặc như hình ảnh hoa sen tỏa ánh hào quang trong tác phẩm “Nhuệ khí” tượng trưng cho sự giác ngộ, viên mãn và thánh thiện. Santisuk Lengsanam bộc bạch: “Trong tác phẩm điêu khắc của mình, tôi đã tạo hình dáng con người xen lẫn kim loại sắt để ví với các yếu tố của cuộc sống: lối sống, nguồn cội và linh hồn”.
Với triển lãm “Phía chân trời”, người xem khám phá thêm những điều mới lạ, độc đáo và huyền bí về vũ trụ, cuộc sống cũng như chính con người. Theo TS. Phan Thanh Bình, thưởng lãm những tác phẩm này, người xem liên tưởng đến câu nói của nhà triết học Hegel (Đức): “Nó là nó nhưng không phải là nó mà lại chính là nó”. Với những nghệ sĩ này, họ vẫn thấy những gì người khác nhìn thấy nhưng không sáng tạo lại một cách nguyên vẹn mà nhào nặn bằng con mắt khám phá và biến nó thành những loại hình sáng tạo khác. Họ không nhìn sự vật, hiện thực ở bề mặt mà đi sâu vào khám phá bên trong rồi thể hiện một cách ẩn dụ. Đó là điều chúng ta phải học hỏi.
Đây là lần đầu tiên một triển lãm thể hiện quan hệ hợp tác quốc tế giữa Trường đại học Nghệ thuật Huế với Trường đại học Nghệ thuật Mahasharakham - Thái Lan được công chúng Huế biết đến rộng rãi hơn. TS. Phan Thanh Bình kể lại: “Khi duyệt phòng tranh này, chúng tôi ngồi yên khá lâu mà không hề nói gì, chỉ để cảm nhận. Bởi loạt tranh này giống như thơ ẩn dụ, tượng trưng, không nói thẳng vào vấn đề nhưng lại khiến người xem rung động”.
Bài, ảnh: Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top