ClockThứ Hai, 21/02/2022 13:35

Đôi bạn đam mê nghiên cứu khoa học

TTH - Từ việc nghiên cứu các thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây xuyến chi ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đôi bạn Hồ Thị Diệu Na (11 Chuyên tin 1) và Lê Thị Như Ý (11A), Trường THPT Chuyên đại học Khoa học, ĐH Huế đã chiết xuất ra những sản phẩm hữu dụng trong đời sống hằng ngày.

Những “nhà khoa học” tương laiTuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh năm 2021

Hai bạn trẻ Diệu Na và Như Ý đam mê nghiên cứu khoa học

Tình cờ tham gia lớp học ngoại khóa trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học… do nhà trường tổ chức, Diệu Na và Như Ý đã có duyên cùng trao đổi và làm thí nghiệm về những đề tài khoa học thú vị. Thông qua buổi học đó, hai nữ sinh tìm thấy điểm chung là đam mê nghiên cứu khoa học và bắt đầu bắt tay tìm tòi, học hỏi để theo đuổi đam mê.

Nhận thấy cây xuyến chi - một loài cây mọc hoang với số lượng lớn và có thể thu hái quanh năm cùng với niềm trăn trở về số ca tử vong vì ung thư ngày càng cao và các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, Diệu Na cùng Như Ý đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu các thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây xuyến chi ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống, Diệu Na và Như Ý đã phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc nghiên cứu điều kiện chiết xuất cao toàn phần từ cây xuyến chi, thử nghiệm một số hoạt tính sinh học của cao chiết toàn phần và nghiên cứu các thành phần hóa học có trong cao xuyến chi để tìm ra phương pháp điều chế sản phẩm từ loài cây xuyến chi này.

Sau 1 năm nghiên cứu và thực nghiệm, nhóm bạn trẻ đã tạo ra những sản phẩm từ cây xuyến chi, như: cốm hòa tan có tác dụng phòng ngừa ung thư, chống oxy hóa tốt; kem đánh răng thảo dược ngừa sâu răng, khử mùi hôi miệng và dung dịch vệ sinh phụ nữ…

“Vì đề tài chúng em nghiên cứu là đề tài mới nên cần đọc và tìm hiểu rất nhiều tài liệu tham khảo để tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, nhóm chúng em đã không ngừng học hỏi, thực nghiệm, trao đổi cùng thầy cô và các anh chị khóa trên để thực hiện thành công đề tài này”, Hồ Thị Diệu Na cho biết.

Trong thời gian tới, hai nữ sinh vẫn luôn nỗ lực học tập và ấp ủ dự định nghiên cứu phát triển nguồn dược liệu, đưa khả năng ứng dụng của cây xuyến chi lên tầm cao hơn, rộng rãi hơn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hàm lượng các hợp chất có hoạt tính trong cao xuyến chi để giải thích hoạt tính chống oxy hóa, độc tế bào ung thư và nghiên cứu thêm về thời gian sử dụng của các sản phẩm này.

TS. Lê Trung Hiếu, Trưởng bộ môn Hóa Vô cơ - Hữu cơ, Khoa Hóa, Trường đại học Khoa học, người trực tiếp hướng dẫn hai học trò thực hiện đề tài khoa học – kỹ thuật nhận xét: “Diệu Na và Như Ý là hai học sinh chăm chỉ và ham học hỏi. Tuy dịch COVID-19 kéo dài cùng với thời gian học tập ở trên lớp khá nhiều, thời gian để tiến hành thực nghiệm ngắn, nhưng các em đã tự đọc tài liệu, đặt câu hỏi và thường xuyên trao đổi với cán bộ hướng dẫn cũng như các anh chị khóa trên trong suốt quá trình tiến hành đề tài. Ngoài ra, Trong quá trình làm nghiên cứu, các em thể hiện được lối suy nghĩ độc lập, sáng tạo, chịu khó. Tôi đánh giá rất cao tinh thần và thái độ làm việc của các em”.

Với những nỗ lực, cố gắng cùng niềm đam mê, tìm tòi không ngừng nghỉ, đề tài “Nghiên cứu các thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây xuyến chi ở tỉnh Thừa Thiên Huế” của hai nữ sinh Diệu Na và Như Ý đã đạt giải nhất của cuộc thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2021 - 2022.

Bài: THÁI CHÂU - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top