ClockThứ Tư, 25/01/2017 05:41

9X & “Dr sạch”

TTH - Với mong muốn mang đến cho người dân mô hình trồng rau an toàn tại nhà, nhóm bạn trẻ 9X đến từ Trường đại học Nông lâm Huế đã ấp ủ và thực hiện thành công mô hình trồng rau sạch tại nhà.

Không tốn nhiều diện tích

Tôi gặp đội trưởng Nguyễn Huy Phúc của nhóm “Dr sạch” từ những ngày đầu em tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016”. Phúc thu hút người đối diện bởi gương mặt sáng, hoạt bát, vui vẻ. Em cho hay, vừa tốt nghiệp ngành bảo vệ thực vật ở Trường ĐH Nông lâm Huế, trong lúc chờ lấy bằng tốt nghiệp để tiếp tục học lên cao học, em và một số bạn cùng khóa, đam mê nghiên cứu, tìm tòi thực hiện mô hình “Dr sạch”, có thể hiểu là trồng rau sạch tại nhà để khởi nghiệp.

Giới thiệu quy trình chăm sóc rau sạch

Trước khi đến với cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016”, đội của Phúc đã thực hiện thành công một số mô hình trồng rau sạch tại Trường mầm non Hoa Mai, Thủy Xuân và tại nhiều gia đình trên địa bàn TP. Huế. Mục tiêu thực hiện mô hình này theo cách giải thích của Phúc là giúp người dân có kỹ năng trồng, chăm sóc và quan trọng hơn là có nguồn rau an toàn cho bữa cơm hàng ngày.

Các nguyên vật liệu để thực hiện một mô hình trồng rau an toàn tại nhà không quá cầu kỳ, cũng không tốn nhiều thời gian để thực hiện. Thông thường mất khoảng nửa tháng sau khi ký hợp đồng với khách hàng, đội của Phúc sẽ hoàn thành các công đoạn từ làm giàn, đến làm đất, bón phân, gieo hạt… rồi bàn giao cho khách hàng theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Trong quá trình chăm sóc, nếu có trục trặc, cây chậm phát triển, chết… sẽ có kỹ thuật viên đến “bảo hành” bằng việc hướng dẫn hoặc xới đất trồng lại, đảm bảo cây, rau tươi tốt. Riêng đất được mua từ TP. Hồ Chí Minh sau đó được xử lý để đảm bảo an toàn. Giá thành mỗi bao đất cũng không nhiều, chỉ vài chục ngàn đồng nên người dân dễ dàng mua thay thế khi trồng vụ mới.

Phúc cho hay, với mô hình “Dr sạch”, khách hàng nào cũng có thể trồng rau, quả tại nhà. Với những gia đình không có diện tích trống, có thể thực hiện mô hình treo và một vài mô hình đã được triển khai theo phương pháp này.

Không sợ thất bại

Sau hai năm đeo đuổi con đường khởi nghiệp, mô hình “Dr sạch” dần được mọi người biết đến, song đơn đặt hàng chưa nhiều, giá trị hợp đồng chưa cao. Tuy thế, các bạn trẻ vẫn lạc quan, bởi theo Hải Phượng, một thành viên trong nhóm, thì “khởi nghiệp mà chưa phá sản, chưa trắng tay đã là may mắn”. Trong khi đơn đặt hàng chưa nhiều, thu nhập từ mô hình rau sạch chưa đủ trang trải chi phí sinh hoạt, học tập nên hầu hết các thành viên của nhóm đều phải kiếm việc làm thêm.

Mô hình “Dr sạch”

Nói về kinh phí để khởi nghiệp, Phúc tự tin: “Quan điểm của nhóm là nguồn vốn từ khách hàng. Bằng mô hình của mình, chúng em thu lại một khoản kinh phí, lấy nó để nuôi chính nó”. Nói một cách dễ hiểu hơn là ban đầu, mỗi thành viên trong nhóm đều tự trồng một mô hình ở gia đình, sau đó giới thiệu cho người thân bằng việc bán sản phẩm. Hàng xóm, người quen sau khi dùng rau sạch do các bạn trẻ trồng đã đặt hàng trồng rau sạch. Từ nguồn vốn ban đầu này, nhóm đầu tư mua sắm một số vật dụng, thiết bị cần thiết và chi trả các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động.

Thuận lợi cho nhóm của Phúc là nhờ có sự hỗ trợ hợp tác từ Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Giống cây trồng vật nuôi nên nguồn cung giống khá thuận lợi. Riêng phân bón gần như do nhóm của Phúc sản xuất, trong đó, Phúc được giải thưởng do UBND tỉnh trao tặng về việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh chuyên phục vụ cho việc trồng rau an toàn, giá thành khá phù hợp, là điều kiện tốt để mở rộng mô hình. Sắp tới, nhóm của Phúc còn sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ trấu để cung cấp cho người dân trồng rau, củ, quả.

Nguyễn Huy Phúc (thứ 3, bên trái) tại lễ trao giải chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế 2016”

Ngoài trồng rau, hướng sắp tới của nhóm là trồng các loại cây thuốc, dược liệu có thể chữa trị một số bệnh thường gặp như ho, cảm cúm,...khi khách hàng có nhu cầu. Trước mắt, nhóm sẽ ưu tiên nhân rộng mô hình rau, củ quả bởi đang có nhu cầu từ khách hàng và việc trồng cây ăn trái khá dễ. Một cây xoài, ổi chỉ mất vài tháng là cho quả, riêng cà chua chỉ trong vòng 1-2 tháng là ra hoa, kết trái.

Trở ngại của “Dr sạch” hiện vẫn là đầu ra, do thông tin chỉ từ người này truyền đến người khác, chưa có nhiều kênh quảng bá. “Sắp tới, chúng em sẽ tăng cường việc quảng bá mô hình trên các trang thông tin, mạng xã hội. Thị trường hướng tới không chỉ trên địa bàn tỉnh mà vươn rộng ra ngoại tỉnh”, Phúc và Phượng tự tin.

“Dr sạch” hiện có 10 thành viên, chủ yếu là sinh viên Trường ĐH Nông lâm Huế. Mô hình “Dr sạch” sau khi vào chung kết cuộc thi “Khởi ngiệp sáng tạo Huế 2016” đã nhận được sự hỗ trợ khởi nghiệp từ doanh nhân Nguyễn Trung Trực, là em rể của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Xuyên lễ” phục vụ người dân

Lễ 30/4 và 1/5 năm nay được nghỉ 5 ngày, trong khi ai cũng đi chơi, nghỉ ngơi, thì các chiến sĩ công an huyện Phong Điền làm việc “xuyên lễ” để cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân (CCCD) và tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT)cho người dân.

“Xuyên lễ” phục vụ người dân
Đảm bảo an ninh, an toàn dịp lễ

Những ngày qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) để cơ động xử lý tình huống khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp lễ.

Đảm bảo an ninh, an toàn dịp lễ
Return to top