ClockChủ Nhật, 07/04/2024 13:54

Bình yên ngồi xuống

TTH - Tôi ân cần dẫn bạn đến những quán cà phê vườn thoáng đãng giữa lòng Cố đô. Thương hiệu của Huế là thành phố xanh, là thành phố sống chậm nên thiếu gì nơi chốn để bạn trải nghiệm một nếp sống thong dong.

Mùa hoa bình yênNhớ Huế là nhớ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa

 Không gian quán cà phê Đò Cồn. Ảnh: Trung Phan

Một người bạn từ thành phố khác ra Huế hẹn hò rồi thủ thỉ với tôi: “Khu mình sống mỗi ngày càng có thêm nhiều địa chỉ bán cà phê. Đa số các nơi này đều na ná nhau. Là những chiếc xe, chiếc tủ mini có cà phê đen, cà phê muối, ca cao, cà phê sữa bán mang đi cho người đi đường. Người đi, kẻ đến, mỗi lượt khách chỉ tranh thủ được tầm năm, mười phút để gọi cho mình một cốc nước uống theo nhu cầu. Ngay sau đó, ai nấy đều cuống quýt lao đi, hòa vào vòng xoáy một ngày vội vã”.

Tôi bảo bạn, không phải chỉ thành phố của bạn mà ngay ở Huế bây giờ, mô hình cà phê nhanh cũng mọc lên như nấm sau mưa. Nói là nói vậy, nhưng trong mấy ngày bạn ở lại Huế, tôi vẫn ân cần đưa bạn đến những quán cà phê vườn rộng rãi giữa lòng Cố đô. Những quán cà phê mà tôi đưa bạn đến có khi là những không gian yên tĩnh, thoáng đãng, nhiều vòm xanh, khi khác là nơi có nhiều lối đi quanh co, lướt qua những hòn non bộ, ao cá mini, khu tiểu cảnh hấp dẫn, cuốn hút. Ngoài cảnh đẹp, nhạc hay thì điều khiến bạn tôi thích nhất ở những quán này còn là những bộ bàn ghế rộng rãi, vững chãi, có tay vịn, lưng tựa kiểu dáng cổ xưa. Bạn bảo, những lần bình yên ngồi xuống cũng chính là những “liều thuốc” cần thiết phải có trong đời.

Một đêm, tôi dẫn bạn tìm đến một quán cà phê được vận hành theo chu kỳ cách quãng độc đáo, một ngày bán - hai ngày nghỉ. Bù lại, vào những đêm thứ Bảy hàng tuần, quán sẽ tổ chức chương trình nhạc sống mà ở đó các vị khách được tùy ý hát cho nhau nghe.

Sau khi dừng xe, bước qua tấm biển đặt ở cổng để đi vào sâu bên trong, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là một cảm xúc trìu mến đầy thân quen. Khu vực pha chế, phục vụ được thiết kế vừa phải, diện tích còn lại đặt một chiếc bục làm sân khấu ngoài trời, những chiếc ghế gỗ đặt trên khoảng sân lát sỏi lạo xạo cạnh giàn mướp, bụi chuối và lác đác mấy loài cây nhỏ mà tôi thường thấy mọc dại ở  vườn quê.

Để chuẩn bị cho đêm nhạc, ngoài loa, micro, bàn điều chỉnh âm thanh và dàn nhạc cụ khá đầy đủ bao gồm kèn, guitar, trống cajon,… còn có một bếp lửa đặt ngay trước bục sân khấu. Dưới trời đêm mùa xuân, những gộc củi liên tục được đốt cháy, chúng vươn ngọn lên cao, có khi dịu xuống bắn ra đám bụi lửa lập lòe.

Trước khi bắt đầu đêm nhạc, chủ nhân của quán là một cô gái trẻ có mái tóc xù bước lên sân khấu, cô từ tốn nói: “Trong rất nhiều định nghĩa về từ “quán” mà tôi có dịp tìm hiểu trước đây, tôi ấn tượng mãi với một chia sẻ mà mình từng đọc được trong một tư liệu cũ: “Quán” - là một căn chòi hoặc là một ngôi nhà nhỏ đơn sơ thường được đặt dưới gốc cây cổ thụ trên đê làng, đường làng. Khách qua đường tùy vào nhu cầu của mình mà sẽ tạt vào để mua bì muối, bao thuốc lá hay ngồi xuống ăn một chiếc bánh, uống một vài ngụm nước chè rồi cùng nhau xôn xao về nắng mưa, đồng áng, nhà này đang có người ốm, nhà nọ có con chuẩn bị lên đường làm ăn xa… Theo thời gian, thời tiết, cái quán có thể sụm xuống, mất đi nhưng khoảng đất hay gốc cây cổ thụ nơi cái quán từng neo lại vẫn còn”.

Cô nói thêm, cô không đặt tên cơ sở của mình là tiệm, cô chọn gắn trước tên riêng hẳn hoi một từ “quán”. Tiệm thì nhanh mà quán thì chậm, cô muốn mọi người đến với quán không chỉ là để uống nước, nghe nhạc mà còn là để thưởng thức, khởi chạm một bầu không khí đầy yêu thương.

Đêm nhạc hôm ấy kết thúc khá muộn, sương phủ xuống khá dày, thế mà chẳng có ai đứng dậy, bỏ về giữa chừng. Vẻ mặt của bạn tôi bừng lên một vẻ mơ màng, bình yên rất khó tả. Bạn hẹn, mùa xuân năm sau, hoặc sớm hơn, có thể là giữa mùa hè, mùa thu năm nay bạn sẽ trở lại, Huế vẫn còn quá nhiều nơi quyến luyến khiến bạn không rời.

Diệu Thông
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình yên nơi làng An Truyền

Người Huế có niềm vui nho nhỏ tụ tập gia đình, họ hàng vào dịp cuối tuần, thể hiện được nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình thân. Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vừa gần với trung tâm thành phố vừa gìn giữ được chất “làng quê yên bình”, không khí của phá Tam Giang trong lành là chọn lựa phù hợp cho một ngày nắng đẹp.

Bình yên nơi làng An Truyền
Bình yên cho môi trường mạng

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nạn lừa đảo trên không gian mạng còn gây bất an cho xã hội, làm xói mòn lòng tin trong cuộc sống…

Bình yên cho môi trường mạng
Để cuộc sống thêm ý nghĩa và bình yên

Tùy theo chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS )trong toàn lực lượng Công an tỉnh ai cũng ý thức được rằng, góp một phần công sức, việc làm nhỏ bé của mình để cuộc sống thêm ý nghĩa, vì sự bình yên cuộc sống người dân.

Để cuộc sống thêm ý nghĩa và bình yên
KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/2/1979 - 17/2/2024)
Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên

Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhắc lại cuộc chiến là cách tri ân những thế hệ cha anh đã đổ xương máu để biên cương bình yên và cũng là thêm một lần nhắc nhớ về một Việt Nam có chủ quyền và luôn hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển.

Không thể quên những người đã vì biên cương bình yên
Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba

Là một khu chợ sầm uất, đông người qua lại, Đội Trật tự bảo vệ ngày (TTBVN) của chợ Đông Ba cũng đối mặt với nhiều tình huống người dân, tiểu thương bị mất cắp khi tham gia mua sắm ở chợ. Tuy vậy, các đối tượng trộm cắp, lừa đảo tại chợ đều bị Đội TTBVN tóm gọn.

Chuyện bắt trộm tại chợ Đông Ba

TIN MỚI

Return to top