ClockThứ Ba, 01/10/2019 14:35

Cái chợ đầu ngõ lạ ghê!

Người ta bảo bước ra khỏi cánh cửa nhà, mọi thứ sẽ trở nên thật khác và phức tạp.

Người ta bảo ngoài gia đình, mọi thứ sẽ thật khó để tin và tuyệt nhiên đừng quá tin tưởng. Tôi nghe mãi, rồi cũng vì tự thấy cuộc đời nhiễu sự nên đâm ra ngại ngần. Vậy mà lắm lúc cũng ngỡ ngàng, khi trong những mối quan hệ mà mọi người đang dần biết nhiều hơn về nhau, niềm tin về một ai đó, cái gì đó đôi khi có phần xa xỉ. Rồi lại có lúc, chẳng quen biết gì, lại dễ nhắm mắt tin tưởng lạ kỳ.

Trong “hành trình” xách giỏ đi chợ mỗi ngày, tôi gặp điều này mãi, nên tuy với nhiều người đó chỉ là chuỗi những hành động lặp lại giản đơn, với mình lại cứ đầy lên những “ố, á” phong phú từng ngày. Dù không phải là điều gì to tát, lớn lao nhưng trong một khoảng không nhất định, lời dặn về niềm tin và đừng dễ tin tưởng cứ chơi vơi, chơi vơi...!

Ngoại lúc này yếu hẳn nên đã thôi không là đầu bếp chính. Ba mẹ cũng bận rộn liên miên, thế là cũng phải đến 3 năm tôi gắn mình với cái làn xanh đi chợ mỗi sáng. Sau ngần ấy năm đóng vai gái đảm, ra ra vào vào và gặp chừng đó người, tôi tự thấy mình “bị cái” chẳng quen thân với ai bao giờ. Những cuộc trò chuyện nếu không phải là hỏi cá này cá gì? Tôm bao tiền một lạng? Lấy cho con khúc này dì nghen… thì sẽ chỉ còn tiếng sột soạt của mấy đồng bạc. Dì bán thịt trong tiềm thức vẫn mãi là dì bán thịt diện bộ phíp rộng thùng thình ngồi ở cổng chợ hướng nam, chứ chẳng rõ dì ấy là Hoa, Cúc, Hồng hay Lựu. Tôi chẳng nhớ người ta, họ cũng chẳng buồn biết mình, cái dịch vụ sale này dù cùng chung mục đích, nhưng khác hẳn so với những gì tôi thấy ở phòng Gym mình hay lui tới, khi nhân viên PT quan tâm đủ rõ nhà ở đâu, làm gì, tính tình ra sao, anh chị em bạn bè như thế nào để tiện bề chia sẻ…

Ở điểm này, tôi thấy hai cha con mình ở nhà hẳn đã khác. Ba chắc không đi chợ thường xuyên, nhưng cứ ra đến đầu ngõ là mấy dì gục gặc đặng biết ba tìm cái gì mà mời mọc "Anh lấy cá này đi", "hôm nay tôm sú còn tươi nguyên" và ba thì chưa bao giờ trả giá. Tôi, thiệt mà nói không biết thế nào cho phải; lại lắm lúc cũng ngại, thành ra lại kệ. Mà cũng vì chữ kệ này mà cái sự tin tưởng từ một, hay nhiều người lạ hoắc khi “đập” vào người, đã trở nên ấn tượng.

Tôi cũng không rõ mặt mình đáng tin hơn người khác ở điểm gì và ngày đi chợ nào cũng chỉ ăn vận áo quần cọc cạch trông phải đến mấy phần luộm thuộm… Vậy mà không dưới 2 lần, mấy dì bán hàng dõng dạc cho khất, rồi bảo cứ thong thả lựa 1 vòng rồi đem tiền lẻ về trả. “Dì không có tiền thối mô con ơi, xí quay lại trả sau cũng được”. Tôi hơi ngỡ ngàng, vì giờ đi chợ của mình thường vào khoảng gần trưa, cũng là lúc ngăn kéo đựng tiền dưới chân các bà chủ cũng theo tiếng tích tắc của đồng hồ mà “nhốn nháo” với các đồng 2.000, 5.000, 10.000 hay 100.000 nằm lộn xộn.

Sau những cái tin nhau trao vội vàng, tôi cũng cầm tiền và hàng quay đi. Có thể hôm nay là bó rau 3.000 lẻ, mai sẽ là lạng cá bống 12.000, hoặc nửa ký tôm “năm lăm, sáu chục”. Những lần như vậy, bản thân bất giác không kiềm nổi tò mò ngoảnh lại vài lần vì hiếu kỳ xem mấy dì có trông ngóng hay theo dõi bước đi của “con nợ” hay không. Mà ngộ thiệt, trong lúc người mua hàng – là mình hay một vài người nữa lại như thể lén lút nhìn dọc, ngó ngang, các bà chủ lại không vì vài chục mà ngửa đầu tìm kiếm.

Đã nhiều hơn một lần, tôi nghĩ bụng cái chợ ở đầu ngõ mình “ép mua nợ mãi” thật kỳ cục. Vì chẳng có cơ sở để giải thích, nên sau cả một quá trình dài, tôi vẫn không rõ người ta tin nhau bằng cách nào. Nhưng có lẽ niềm tin và sự vô tư ấy lại khiến chúng tôi – phần lớn những người mua hàng chưa bao giờ quên quay lại gửi trả những thứ không thuộc về mình.

Trong cuộc đi chợ của những người phụ nữ, hẳn sẽ có lúc được “ép nợ”, được tặng thêm, hay nghe “tính bán nải chuối này rồi mà thôi lấy lại vì có quả này bị dập”. Đây chắc có thể là một cách sale hút khách mới, hay kỳ thực là mấy bà chủ này bị làm sao, đố ai mà biết được.

Cái chợ đầu ngõ gần nơi tôi ở lạ ghê. Cứ ép mua nợ mãi, không trả giá là được thêm hàng vào giỏ mãi. Cái chợ mình lạ ghê, không quen biết mà cứ tin nhau hoài.... lạ ghê!

Hạnh An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Return to top