Giới thiệu sản phẩm dầu tràm Kim Vui đến khách hàng
Không chỉ dành cho “bà đẻ”
Từ loại dược liệu phổ biến dành cho khi nhức đầu sổ mũi, đặc biệt là dành cho các sản phụ khi sinh nở, dầu tràm Huế lọt mắt xanh các doanh nhân và dần trở thành sản phẩm thương mại, bây giờ còn được biết đến như một trong những đặc sản của vùng đất cố đô, không những được người trong nước tin dùng mà cả nhiều du khách quốc tế cũng rất ưa chuộng.
Tên gọi dầu tràm là bởi nguyên liệu chính để chiết xuất ra nó là cây tràm gió (ở Thừa Thiên Huế thường thấy là loại cây bụi thân gỗ nhỏ, thường mọc hoang rải rác hoặc thành từng quần thể). Và chỉ có được chiết xuất từ cây tràm gió thì loại dầu đó mới quý, mới công hiệu vượt trội. Bởi lẽ, người ta nghiên cứu thấy, trong cây tràm gió có chứa hoạt chất α-Terpineol, là hoạt chất rất quý trong bào chế nhiều loại thuốc sát trùng (diệt khuẩn, nấm và siêu vi...). Đây là chất riêng có ở cây tràm gió mà những loài thảo dược dùng chiết xuất những loại dầu khác lại không có. Thế cho nên dầu tràm công hiệu, quý và được yêu chuộng là vậy.
Để lấy đất làm lăng mộ, vô số cây tràm gió đã bị phá bỏ như thế này (chụp ở vùng rú cát Phong Điền)
Xưa kia, do thường dùng cho sản phụ nên nhiều người “ngại” dùng dầu tràm. Sau này, không chỉ có các “bà đẻ” mà nhiều người khác cũng dùng. Dầu không quá nóng, mùi nhẹ nhàng tự nhiên, và rất công hiệu. Côn trùng đốt, dầu tràm. Nhức đầu sổ mũi, dầu tràm. Đau bụng hay bầm tím chân tay, dầu tràm... Thảy đều đáp ứng. Bà già con nít cho chí phụ nữ thanh niên đều dùng được, có người dùng sinh “ghiền”. Người lao động chân tay mỏi mệt, hay cánh phóng viên nhỡ có ngày nào đó phải cuốc bộ lủi rừng làm phóng sự, cơ thể ê ẩm, tối về tắm rửa sạch sẽ, dùng dầu tràm xoa bóp một lượt, ngủ một giấc sáng ra thấy giãn gân giãn cốt, sảng khoái cả người. Anh Tám Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng một lần ra Huế được biếu chai dầu tràm làm quà, về dùng mấy lượt thấy “hạp” quá, gặp chúng tôi cứ tấm tắc mãi. Một vòng Sài Gòn, cũng thấy đã xuất hiện một vài điểm đại lý dầu tràm Huế...
Bài trừ sản phẩm “dổm”, giữ gìn vùng nguyên liệu
Năm ngoái, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện Phú Lộc tổ chức công bố quy chuẩn kỹ thuật địa phương sản phẩm tinh dầu tràm Huế; nhãn hiệu tập thể “Dầu tràm Lộc Thủy” cũng đã được công bố bảo hộ... Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho hướng phát triển chuyên nghiệp của thương hiệu dầu tràm. Cùng với việc đăng ký nhãn hiệu, tuân thủ nghiêm quy chuẩn kỹ thuật, việc kiểm tra và kêu gọi người sản xuất, buôn bán cùng chung tay bài trừ sản phẩm dầu tràm dổm ra khỏi thị trường cũng là việc làm rất cần thiết để bảo vệ uy tín, đảm bảo sự phát triển bền vững cho một đặc sản quý của Huế. Bên cạnh đó cần quan tâm bảo vệ và phát triển vùng nguyên liệu. Bởi có một thực tế là trong lúc vùng nguyên liệu chưa phát triển thì diện tích cây tràm gió tự nhiên lại đang ngày càng bị thu hẹp do nhu cầu đất sản xuất, làm nhà, xây lăng mộ, sưu tầm cây cảnh... Nếu không có ý thức bảo vệ, đến khi nguyên liệu thiếu hụt lại mang cây chổi, bạc hà để chiết xuất “dầu tràm” thì không còn ý nghĩa và hệ lụy sẽ rất tai hại.
Tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị của cây tràm gió, tổ chức thu mua tốt thì khi đó người dân sẽ tự bảo vệ cây tràm như bảo vệ nguồn sống của mình. Như ở vùng Thủy Phương, Thủy Dương (Hương Thủy), trước đây có thể dễ dàng hỏi mua củ hà thủ ô, nay bà con chủ yếu chỉ bán dây, lá... Họ trả lời khách hỏi mua rất tự nhiên, nếu đào củ họ chỉ bán được có mỗi lần, năm sau họ sẽ không còn hà thủ ô mà hái nữa.
Bài, ảnh: Hiền An