ClockThứ Ba, 12/06/2018 06:15

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho dầu tràm Huế

TTH - Cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh và sự đồng thuận từ đại diện các cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế, sắp tới Thừa Thiên Huế sẽ thành lập hội nghề và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Trà, dầu tràm và ...Phú Lộc xây dựng vùng nguyên liệu tràmBảo vệ thương hiệu dầu tràm HuếKhẳng định chất lượng dầu tràm HuếNỗi niềm từ “thủ phủ” dầu tràmCông phu nghề nấu dầu trầm

Chuẩn bị nguyên liệu chưng dầu tràm. Ảnh: Tuyết Khoa

Xây dựng chỉ dẫn địa lý

Đến cuối năm 2017, trong số 65 đặc sản gắn với các địa danh của Thừa Thiên Huế đã có 31 đặc sản được hỗ trợ nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và chỉ mới nón lá Huế là sản phẩm duy nhất có chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, chỉ dẫn địa lý đang là một trong những công cụ quản lý có hiệu quả để người tiêu dùng biết nguồn gốc xuất xứ và tính đặc trương của sản phẩm. Những lợi ích mà chỉ dẫn địa lý mang lại cho một sản phẩm vô cùng lớn.

Dầu tràm Huế là một trong hai đặc sản được UBND tỉnh xác định để thực hiện xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý trong năm 2018 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Trước đó, năm 2017, Sở KH&CN phối hợp với UBND huyện Phú Lộc công bố chuẩn kỹ thuật địa phương đối với tinh dầu tràm Huế. Theo đó, sau thời điểm này các cá nhân tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu tràm đảm bảo những quy chuẩn đã công bố về mùi, vị, màu sắc và các chỉ tiêu về vật lý, hóa học.

Hỗ trợ Thừa Thiên Huế xây dựng chỉ dẫn địa lý cho dầu tràm, Bộ KH&CN đã mời Công ty TNHH Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (CONCETTI) phối hợp với địa phương thực hiện những thủ tục liên quan. Theo ông Nguyễn Bá Hội, đại diện CONCETTI, hạn chế của ngành hàng dầu tràm Huế hiện nay là không có vùng tập trung, khai thác chủ yếu dựa vào tự nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều và quan trọng hơn là chưa có tổ chức thống nhất quản lý chung để cùng hoạt động vì lợi ích của cộng đồng.

Sản phẩm dầu tràm được chiết suất thủ công tại làng Ưu Điềm (Phong Điền). Ảnh: Tuyết Khoa

Nếu được xây dựng chỉ dẫn địa lý, dầu tràm Huế có rất nhiều cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển thị trường. Quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm sẽ được Nhà nước quản lý trực tiếp. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tâm lý yên tâm chọn lựa cho khách hàng. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế cũng sẽ có thêm cơ hội để được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn trong việc quảng bá sản phẩn cũng như giải quyết những khó khăn, hạn chế về cùng nguyên liệu.

Thành lập hội nghề, chia sẻ lợi ích

Một trong những điều kiện cần thiết để có thể sử dụng và phát huy thương hiệu dầu tràm Huế một cách bền vững là thành lập hội nghề nghiệp về sản xuất và kinh doanh ngành hàng này. Mục tiêu là tập hợp những thành viên là các doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh dầu tràm. Họ sẽ sử dụng chung thương hiệu của ngành hàng, đồng thời chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm bằng cách giám sát, hỗ trợ nhau phát triển để bảo hộ dầu tràm Huế trước những sản phẩm hàng nhái, hàng giả. Nhiều đại diện nhãn hàng dầu tràm đồng thuận thành lập hiệp hội nghề nghiệp, như: Kim Vui, Bé Thơ, Hoa Nén, Hồng Vân… Họ nhận thấy, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp kinh doanh và chủ cơ sở sản xuất liên kết và bảo vệ thương hiệu sản phẩm tốt hơn khi ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương, với mục tiêu xây dựng dầu tràm Huế thành sản phẩm có giá trị gia tăng và hướng đến xuất khẩu, việc thành lập hội nghề nghiệp là điều cần thiết. Đây sẽ là cơ hội tốt để sản phẩm có những bước đi bền vững hơn. “Chúng tôi sẵn sàng chung tay với các doanh nghiệp, nhất là những hoạt động liên quan đến công tác quản lý thị trường”, ông Thành nói.

Hiện nay, một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dầu tràm quan tâm nhiều nhất là giải quyết bài toán về vùng nguyên liệu cho sản phẩm. Ông Trương Văn Bắc, đại diện nhãn hàng dầu tràm Hoa Nén lo lắng, nếu Nhà nước không sớm có những quyết sách hỗ trợ về vùng trồng tràm, chẳng bao lâu nữa ngành hàng này phải đối mặt với nguy cơ không có nguyên liệu để sản xuất. Bà Lê Thị Vân, chủ cơ sở sản xuất dầu tràm Hồng Vân cũng bày tỏ những khó khăn để xoay xở nguyên liệu đầu vào.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Dực cho rằng, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho dầu tràm Huế hết sức cần thiết. Đây là giải pháp để Thừa Thiên Huế quản lý thống nhất những sản phẩm đạt quy chuẩn chất lượng. Khó khăn về vùng nguyên liệu, vấn đề này đã được bàn nhiều. Tuy nhiên, quan trọng là các chủ cơ sở sản xuất nên chủ động phối hợp với các địa phương, tìm kiếm nguồn đất phù hợp với cây tràm để mở rộng vùng nguyên liệu chứ không nên chỉ chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top