ClockThứ Bảy, 04/03/2017 11:36

Đời xóm

TTH - Hồi trước những xóm nhỏ thường không có tên, chỉ là những tên gọi gắn liền với một nghề, cây cổ thụ hay một điều gì đó có phần khác biệt, như là một sự đánh dấu, nên ngoài những cái tên xóm Cây Đa, Cây Thị, xóm Gióng, xóm Thợ Mã (làm hàng giấy), còn có xóm Mả Ông Trạng, xóm Hai Am, xóm Am Bà, xóm Mả Tây…

Dù ở sâu nhưng kiệt 25 Hai Bà Trưng vẫn có nhiều quán ăn thu hút đông thực khách

Ký ức

Đường xóm trong tuổi thơ tôi là con đường nhỏ, uốn lượn đầy bí ẩn được che mát suốt cả mùa hè bởi những hàng tre hay cây nhãn ở các khu vườn hai bên đường. Con đường đất mát rượi dưới chân, mùa hè như đi trong bản hòa ca của hàng ngàn con ve… Thi thoảng trên mặt đường lấp lóa vài ô nắng nhảy nhót theo từng cơn gió. Tuổi nhỏ, đạp nắng là một trò chơi ưa thích của chúng tôi, cả bọn chọn mốc rồi thi nhau chạy xem ai giẫm vào ô nắng trước tiên. Chỉ đơn giản vậy thôi mà chơi cũng hết buổi trưa. Có khi gió đến, bóng nắng lay động, thế là phải đạp mấy lần mới trúng ô nắng nhỏ nhoi trên nền đường đất mát rượi.

Nhà tôi ở vùng ven thành phố, ngoài con đường cái duy nhất về Thuận An thời ấy có tên là đường Thuận An (nay là đường Nguyễn Sinh Cung) thì tất tật những đường xương cá đi vào các nhóm dân cư đều được gọi là xóm. Còn nhớ mạ tôi hay nói “Đi vô xóm mụ Hội mua cho mạ mớ bún tươi…”.

Mụ Hội là người làm bún nổi tiếng của thôn Tây Thượng tôi ở lúc đó. Bà dáng người cao lớn, da trắng hồng hào, rất đẹp. Bún mụ Hội làm hồi ấy là sợi bún to kiểu Huế, không phải sợi bún nhỏ “lai” Sài Gòn, Đà Nẵng như bây giờ. Mụ Hội thường làm bún vào đầu giờ chiều, bà con trong xóm đến mua về ăn bữa lỡ, ai mua thì mua, còn bao nhiêu mụ đem ra chợ Mai bán chiều. Trên cái trẹt tre, mụ lót một miếng lá chuối tươi, những con bún láng mướt, mềm mại nằm trên chiếc lá chuối xanh non trông mát mắt và ngon lành. Mỗi lần đi mua bún cho mạ, tôi thường bị la vì ngồi say sưa xem mụ Hội làm bún nên khi nào cũng đi lâu. Bàn tay mụ to, bao gần gọn cả tay vải bột, mụ vừa nặn bún vừa rê một vòng tròn trên nồi nước đang sôi bốc hơi nghi ngút điệu nghệ như người nghệ sĩ xiếc đang làm ảo thuật. Bún nóng như thế ăn với nước nước mắm ruốc Thuận An xắt thêm vài lát ớt đỏ, thiệt là món ngon tuyệt vời thời đó (mà tôi chắc bây giờ cũng vậy). Thế mà cũng có ngày mụ Hội bán ế, đi mời quanh cả xóm. Lúc đó tôi cứ thắc mắc, bún ngon rứa răng không có ai ăn, mà đâu có biết, chỉ những nhà khá giả mới ăn bữa lỡ - dù chỉ là món bún nước mắm….

Xóm - nghĩa là giá rẻ

Nếu chịu khó “lùng sục” thì xóm chính là nơi cung cấp các loại dịch vụ không bảng hiệu nhưng chất lượng tốt mà giá cả lại “mềm”. Tôi có người bạn là một con “ma xóm”. Muốn mua hay muốn ăn món gì, nó nhất quyết đi vào “xóm”. Nó thường “dạy đời” tôi: “Bán buôn ở xóm, không tốn tiền thuê mặt bằng, không thuế này thuế nọ, không nhân công, nhân viên, người bán hàng thân thiện, thật thà, chỉ lấy công làm lãi nên chắc chắn giá cả phải rẻ hơn ngoài chợ hay các cửa hàng mặt tiền”. Theo  nó vài lần, tôi bỗng nghiện đi vào xóm như nó, bởi lẽ sức hấp dẫn không chỉ đến từ giá cả, mà vào xóm như đi một vòng thăm quê. Trên con đường lát gạch Bát Tràng dẫn đến những ngôi nhà vườn cổ trên dưới 200 tuổi ở Kim Long, thỉnh thoảng thấy một tấm biển viết nguệch ngoạc “bánh bèo, nậm, lọc cách 50 mét”, “bánh trái cây, bánh su sê, bánh ít đen cách 30 mét”, “bánh bao chay và các món chay Huế”…

Dịp Festival Huế vừa rồi, tôi nở mày nở mặt khi dẫn cả đoàn khách Sài Gòn đi ăn bánh bèo, nậm, lọc của mệ Lé ở Kim Long (đó là tên chồng mệ, còn tên mệ là Kim Thị Hương). Đường ngoằn ngoèo mấy lần rẽ trái, rẽ phải mới đến nhà mệ. Ăn xong, khách khen quá trời, vừa ngon, vừa rẻ. Mệ Lé bán bánh lọc đã 50 năm nay, kinh nghiệm đến nỗi, ngửi mùi nước nồi hấp bánh sôi là mệ biết bánh đã chín chưa. Mệ nói mệ nghèo, không vốn, lại chậm chạp, ra buôn bán sợ hết vốn, bán ở nhà trong xóm nhỏ nhưng bây giờ tiếng bay ra đến nước ngoài. Nhiều Việt kiều về đặt bánh đưa đi Mỹ, Úc….

Thời du lịch phát triển, không chỉ ẩm thực Huế mà ẩm thực Âu, Á chất lượng cao cũng ở trong xóm nhỏ. Khách Tây ba lô cũng biết đường tìm quán ở trong kiệt. Kiệt 25 đường Hai Bà Trưng nào là bánh Bloom cakes, pizza, mỳ Ý, trà sữa, bánh gạo cay… hay qua hai lần “xuyệt” của đường Duy Tân có Pizza Vườn Chuối. Cô Thúy, chủ quán Pizza Vườn Chuối - người đã không “chịu nóng” nổi giá thuê quán ở đường Phạm Ngũ Lão, đã đem hương thơm và chất lượng tuyệt hảo của món Pizza Ý về làm sang trọng cho xóm nhỏ. Bây giờ cô Thúy đã theo chồng về Hà Nội nhưng địa chỉ Pizza Vườn Chuối vẫn còn trên trang mạng tìm thức ăn vặt ngon, rẻ ở Huế.   

Xóm, kiệt cũng là nơi may áo quần vừa đẹp, vừa rẻ. Bao nhiêu bộ cánh thời trang theo mẫu Catalogue “made in xóm” đã làm đẹp lòng nhiều nam thanh, nữ tú. Xóm dân cư đông đúc phía sau đường Phan Đăng Lưu có quán may Ty, đã tồn tại gần 40 năm nay. Ông Ty có biệt tài là vừa đo vừa nói chuyện tào lao đủ thứ, đo xong mới ghi sổ, làm người may cứ sợ ông quên, thế mà luôn chính xác, không nhầm lẫn một số đo nào. Và đương nhiên, giá cũng rẻ hơn ngoài tiệm vài chục ngàn/chiếc. 

“Start up” từ xóm

Lê Đoàn Tấn Phát - Giám đốc Văn phòng tổng đại lý Prudential tại Huế - một CEO thành đạt, hiện đang quản lý 1.500 tư vấn viên và nhân viên, cho biết anh khởi nghiệp từ xóm nên bây giờ anh thương xóm lắm. Tốt nghiệp ĐHSP Ngoại ngữ và ĐH Kinh tế, từng đi làm ở Công ty Dệt may, rồi Trường cao đẳng Du lịch Huế nhưng bước khởi nghiệp của anh chính thức là từ khi mở quán cà phê Queen Park ở xóm/kiệt 41 Nguyễn Thái Học. Đó là một trong những quán cà phê hẻm xuất hiện đầu tiên ở Huế. Queen Park nhanh chóng nổi tiếng nhờ vào phong cách phục vụ tận tình, chu đáo, thức uống ngon, không gian đẹp, giá lại “mềm”...

Bây giờ thì Tấn Phát đi nước ngoài thường xuyên, nói tiếng Anh như gió, tự tin và đầy bản lĩnh. Nhắc về thời khởi nghiệp, Lê Đoàn Tấn Phát chia sẻ: “Mỗi khi về thăm kiệt 41 Nguyễn Thái Học, tôi đi bộ từ đầu hẻm đến cuối hẻm với những xúc động khó tả, đây là nơi tôi khởi nghiệp, nơi chắp cánh cho giấc mơ của tôi thành hiện thực”.

Với Trần Chí Quân - tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và hai người bạn tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế cũng vậy. Quán Kim Crawfish ở kiệt 64 Nguyễn Công Trứ hiện đang là địa chỉ nổi tiếng với món gà nướng phô mai cay và nhiều món ăn  tuổi teen hấp dẫn khác. Chọn trong xóm nhỏ để khởi nghiệp, Quân và hai người bạn của mình tự lượng sức ban đầu vốn ít, xây dựng thương hiệu để tiến xa hơn sau này. 15 nhân viên của quán cho thấy lượng khách đến đây cũng khá đông. “Em ước mơ sẽ mở một chuỗi cửa hàng thức ăn vặt”, Quân nói nhỏ khi chia tay tôi.

Vọng âm

Viết về xóm Ngự Viên những năm 1940 - khu vực dân cư ở quanh gần chùa Diệu Đế, nơi có nhiều thiếu nữ đẹp, Nguyễn Bính từng mơ màng “Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo/Dân thường qua lại lối đi quen”. Lang thang trên đường Ngự Viên hôm nay, có khi tôi như gặp lại người đẹp xưa của Nguyễn Bính: “Hôm nay có một người du khách/Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”. Cũng có khi gặp những sắc màu rực rỡ cùng tiếng trống của xóm lồng đèn ở đường Chi Lăng, xóm đầu lân sau đường Phan Đăng Lưu. Cuộc sống trong những con xóm nhỏ đó chảy bình lặng trong cuộc mưu sinh, không che đậy sự nghèo khó và cũng vô cùng lương thiện. Từng giai điệu cuộc sống vang lên trong xóm vắng, có tiếng hát Bolero từ chiếc máy nào đó, có tiếng gà trưa, có tiếng bước chân với gánh hàng rong lặng lẽ, thỉnh thoảng tiếng xe máy chạy qua là âm thanh của đời sống hiện đại nhắc nhở tôi rằng đang ở thế kỷ 21!

Đời xóm cũng là đời của bao người. Tôi thương xóm, làng hay phố cũng đều có xóm, mà ngày xưa phố cũng là làng!

Bài: XUÂN AN - Ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một mảnh trời trong veo

Những lần về quê, khi ráng chiều buông dài trên xóm nhỏ, tôi thường len lỏi dưới những tán cây quanh nhà, nâng niu hái từng chiếc lá sả, lá chanh.

Một mảnh trời trong veo
Những miền xanh lấp lánh

Một tối tình cờ xem những thông tin về Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, tôi liền rủ ngay cô bạn thân đặt hẹn cuối tháng sẽ đi trekking.

Những miền xanh lấp lánh
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Điểm qua khác biệt về thiết kế giữa iPhone 15 và iPhone 15 Pro

iPhone 15 và iPhone 15 Pro là hai phiên bản được những iFans yêu thích sự nhỏ gọn vô cùng mong ngóng. Vậy ngoại trừ sự tương đồng về kích thước thì thiết kế của iPhone 15 khác gì iPhone 15 Pro? Hãy cùng tham khảo một số thông tin sau được cập nhật từ newphone15.com.

Điểm qua khác biệt về thiết kế giữa iPhone 15 và iPhone 15 Pro
Return to top