Tiến sĩ Lê Nguyên Phương (phải) chia sẻ với các bậc phụ huynh trong buổi ra mắt sách “Dạy con trong hoang mang” tại Huế
Như một sự đồng cảm, buổi ra mắt tập sách “Dạy con trong hoang mang” đầu tháng 7 vừa qua tại Huế thu hút rất nhiều bậc làm cha, mẹ tham dự, đặt câu hỏi liên quan đến chuyên gia tâm lý học đường gốc Huế có 20 năm kinh nghiệm lâm sàng từ khối mầm non đến đại học tại Mỹ.
TS Lê Nguyên Phương tâm sự, quá trình biên soạn cuốn sách không khác gì quay về với tuổi thơ, tự độc thoại với chính bản thân mình. Ông kể về tuổi thơ, sinh ra và lớn lên trong gia đình gốc Huế, cha mẹ luôn nghiêm khắc, áp đặt ước vọng lên con cái. Rồi những lúc tức giận, bố mẹ vô tình bạo hành ông bằng… ngôn ngữ. “Họ như những người khổng lồ, cao to trợn mắt nhìn xuống một đứa con nít để mắng mỏ. Lúc đó, tôi giật mình. Để rồi về sau tôi mới hiểu, những dư chấn ấy rất ghê sợ. Những lúc buồn tủi, thất bại, những hồi ức đó ùa về sẽ khiến chúng ta phải giật mình”. Ông nhớ lại tuổi thơ.
Lời khuyên trên hết của tập sách dành cho các phụ huynh là “hãy chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Đừng biến con thành phương tiện. Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta.
Chúng ta có thể mong con không phải khổ cực trong mưu sinh như cha mẹ chúng, nhưng không nên biến chúng thành những đền bù cho những gì chúng ta chưa làm được. Hãy ngưng suy nghĩ: “Thời xưa ba thèm là bác sĩ nên nay con phải đi học bác sĩ”, “Mẹ sợ nghèo đói nên con đừng bao giờ trở thành nghệ sĩ”, hay “Ba là nông dân cho nên con phải là luật sư để gia đình nở mày, nở mặt”.
TS Lê Nguyên Phương cũng nói về vai trò của người mẹ và ông cho rằng, đó là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa con. Quá trình mang thai nếu người mẹ căng thẳng thì không khác gì truyền một chất hóa học vào người con. Ông khuyên, dù ở hoàn cảnh nào cũng hãy để tâm bình yên. Trước những chia sẻ của TS Lê Nguyên Phương, nhiều ông bố, bà mẹ tham gia buổi ra mặt đã phải giật mình. Họ thừa nhận, giữa bộn bề cuộc sống lo toan mà bỏ quên đi nhiều điều nhỏ nhoi như vậy trong cuộc sống. “Nhiều lần tôi ngồi với con nhưng tâm trí không biết bỏ đi đâu. Thậm chí, "thả" cho cháu cái Ipad là xong…”, một phụ huynh chia sẻ.
Đi sâu vào tập sách “Dạy con trong hoang mang”, các bậc phụ huynh dễ dàng nhận ra cách thức có thể tự chuyển hóa mình. Thậm chí, tự điều hòa cảm xúc của mình để thương yêu con hơn. Tất cả những bài viết phần nào giải đáp được những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của bậc làm cha mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn và thần kinh.
Với lối hành văn tự sự nhưng sắc sảo, có khi lý luận khúc chiết, khi tâm sự tình cảm, khi tra vấn thách đố, khi châm biếm nhẹ nhàng, cuốn sách gần như thuyết phục được người đọc là các bậc phụ huynh ở độ tuổi có con trẻ. Sách được trình bày theo từng nhóm vấn đề, như: Những ngộ nhận về tri thức; Khen thưởng trong dạy con; Quân bình giữa thành đạt và hạnh phúc; Vai trò của mẹ trong dạy con... đề cập đến nhiều nội dung thiết thực với cách diễn đạt từ tốn mà sôi nổi, không bảo ban lên gân nhưng chân thành và thuyết phục.
TS Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý học đường người gốc Huế. Ông nhận bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý học đường tại Đại học California State Long Beach (CSULB) và bằng TS lãnh đạo giáo dục chuyên ngành tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC); đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp Chánh niệm nhận thức và chứng chỉ cao cấp liệu pháp Thân nghiệm. Hiện, ông là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường tại Đại học Chapman. Ông cũng là chuyên gia Fubright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam. |
Bài, ảnh: NHẬT MINH