Gánh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào độ cong, nan, kiếu, kiệt...
Được ngư dân trọng
Gia đình ông Nguyễn L. ở xã Quảng Công (Quảng Điền) có truyền thống đóng thuyền nan ba thế hệ, ông L. năm nay ngoài 60 tuổi là thế hệ thứ ba. Các con của ông dù theo cha học lỏm nghề đóng thuyền từ nhỏ nhưng đến nay chưa ai “tốt nghiệp”, vì một thời NLHS cạn kiệt, nhiều ngư dân bỏ nghề biển nên ai cũng “ngó lơ” nghề đóng thuyền. Giờ đây NLHS phục hồi, ông L. mong muốn khi hết đời mình, các con phải học “thành nghề”, không để nghề truyền thống cha ông bị mai một.
Trong ký ức của ông L. nghề đóng thuyền nan không chỉ để mưu sinh, ổn định cuộc sống mà còn là niềm đam mê. Cách đây chừng 15 năm về trước, khi nghề đánh bắt gần bờ “đang thịnh” cũng là lúc những người thợ đóng thuyền nan sống được với nghề. Hầu như ngày nào các “tay thợ” đóng thuyền cũng có việc làm, hết đóng mới họ chuyển sang sửa chữa các thuyền hư hỏng, xuống cấp.
Ông L. kể: Hồi đó ở các vùng bãi ngang ven biển có hai nghề luôn được ngư dân trọng dụng là sửa chữa máy nổ và đóng thuyền. Tiền công đóng hoặc sửa chữa thuyền được thợ “hô giá” bao nhiêu ngư dân trả bấy nhiêu, không kỳ kèo. Dù vậy các thợ vì lương tâm nghề nghiệp, nên tiền công cũng “phải chăng”, một số sửa chữa nhỏ còn được “hữu nghị”.
Một thời kinh tế của người dân vùng biển khó khăn, thiếu thốn, riêng đời sống các thợ đóng thuyền nan luôn ổn định, thậm chí khá giả. Những người thợ giỏi như ông Trần X., Nguyễn G. ở xã Quảng Công, hay Nguyễn A., Võ L., Nguyễn H… ở xã Phong Hải (Phong Điền) nổi tiếng khá giả nhờ nghề đóng thuyền. Con cháu sau này nối nghiệp cha ông cũng có cuộc sống ổn định.
Đóng chiếc thuyền thường chỉ duy nhất một người thợ, còn lại gia chủ và các bạn thuyền phụ thêm các công đoạn cưa, xẻ gỗ, lắp ráp nan, kiếu, kiệt, trét dầu… “Mỗi năm tui có thể đóng đến 10 chiếc thuyền, sửa chữa hàng chục chiếc. Tính theo giá hiện tại, đóng mới mỗi chiếc thuyền tui bỏ túi 6-7 triệu đồng, còn tiền công sửa chữa mỗi ngày cũng vài trăm ngàn đồng”, ông Nguyễn A. ở xã Phong Hải xởi lởi.
Thợ sửa thuyền bây giờ có thu nhập ổn định
Các “tay thợ” giỏi như các ng Nguyễn A., Nguyễn L. … còn được ngư dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình tìm đến tận nhà thuê đóng thuyền. Những chuyến đóng thuyền xa nhà kéo dài tháng rưỡi đến 2 tháng, dù vất vả, nhớ vợ con nhưng các thợ thường được ngư dân nơi đây đối đãi từ nhu cầu ăn, nghỉ rất chu đáo. Ngoài tiền công họ còn được thưởng nếu đóng thuyền đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ như ý chủ thuyền, vượt tiến độ. Tiền công đóng một chiếc thuyền ngoại tỉnh thường cao gấp rưỡi so với đóng tại địa phương, cộng thêm tiền thưởng 1-2 triệu đồng/chiếc.
Vậy mà một thời NLHS bị cạn kiệt do nạn đánh bắt bằng chất nổ, giã cào, nhiều ngư dân không mặn mà với nghề biển, nhu cầu đóng thuyền không còn nữa khiến nhiều thợ đành bỏ nghề. Từ hơn 5 năm nay, khi NLHS gần bờ sinh sôi, phục hồi, ngư dân các vùng bãi ngang ven biển trở lại với nghề cũng là lúc nghề đóng thuyền nan bắt đầu“hồi sinh”.
“Thuyền đóng mới giờ đây không còn nhiều như hồi trước, mỗi năm chỉ đóng vài chiếc nhưng nhu cầu sửa chữa rất lớn vì nhiều thuyền đã xuống cấp, hư hỏng do áp lực sử dụng rất lớn. Hầu như ngày nào cũng có thuyền sửa chữa, tiền công thường từ 250-300 ngàn đồng. Riêng sửa chữa thuyền ở ngoại tỉnh, chủ yếu là Quảng Trị, tui lấy tiền công 500 ngàn đồng/ngày, chủ thuyền bao tiền đi lại”, ông Nguyễn A. tiết lộ.
Thuyền nan gần bờ ở Quảng Công trúng đậm cá trích
Chuẩn “từng mi li mét”
Theo quan niệm của ngư dân, chiếc thuyền phải đẹp, sắc sảo mới có thể “ăn nên làm ra”, đây là điều mà ông Nguyễn L. ở xã Quảng Công cũng như những người thợ đóng thuyền thường lưu tâm. Người thợ không chỉ “làm cho xong việc” mà phải thường xuyên tìm tòi, suy nghĩ làm thế nào để tạo ra một chiếc thuyền vừa bền chắc, vừa thẩm mỹ.
Dù đến với nghề từ nhỏ, trải qua nhiều năm kinh nghiệm, kỹ năng đóng thuyền nhưng khi triển khai các công đoạn ông L. đều lưu tâm đến việc cải tiến độ chuẩn, sắc sảo của chiếc thuyền.
“Thợ đóng thuyền chẳng khác chi “làm dâu trăm họ”, tạo ra chiếc thuyền không chỉ theo ý của mình mà phải hợp ý của gia chủ và nhiều ngư dân. Đóng xong chiếc thuyền được mọi người khen mới ăn ngon, ngủ yên, còn bị xầm xì chê ỏng chê eo thì coi như thất bại, mất uy”, đó là điều ông L. từng nếm trải.
Một trong những kỷ niệm mà ông L. không bao giờ quên trong đời “cầm đục, cầm bạt” của mình là lần gia chủ yêu cầu phải “rã toàn bộ” chiếc thuyền làm lại từ đầu. Họ cho rằng thuyền chưa đạt độ thẩm mỹ, bị bà con trong làng chê, đẽo lô xấu, bào ben (mạn) chưa sắc sảo, thuyền chưa đủ độ cong... Chiếc thuyền đóng mới thường phải mất một tháng đến tháng rưỡi mới xong, vậy mà ông L. đành phải theo ý gia chủ tháo ra làm lại. Công tháo, xử lý lại các công đoạn mất 10 ngày, lắp ráp lại chiếc thuyền mất thêm một tuần nữa. Hoàn thành chiếc thuyền này phải mất hơn hai tháng, những “vụ” như thế này coi như “công toi”.
Ông Nguyễn A. cho rằng, một chiếc thuyền hoàn hảo cả về độ thẩm mỹ và bền chắc phải đảm bảo các yếu tố chất lượng gỗ và kỹ năng xử lý các công đoạn. Các bộ phận ben, bèo, áp khẩu, sườn, phen… phải được làm bằng gỗ kiền; kiếu, kiệt làm bằng gỗ chò, nếu có điều kiện thì làm bằng gỗ kiền sẽ bền hơn; lô tuyệt đối phải làm bằng gỗ mít mới đẹp và bền. Hồi đó muốn mua được gỗ mít, người dân phải đến các xã vùng gò đồi, thậm chí lên tận Nam Đông, A Lưới mới chọn được gỗ đẹp.
Chiếc thuyền sau khi hoàn thành phải đạt độ cong nhất định, nếu quá cong hoặc quá thẳng thì “vóc dáng” chiếc thuyền sẽ xấu, chịu sóng kém. Điều này đòi hỏi người thợ trong quá trình cắt xẻ gỗ từ công đoạn làm ben, bèo (một phần của mạn thuyền) phải chính xác từng “mi li mét”. Trước khi lắp ráp lô, nan thì ben (mạn thuyền) phải được đè bằng vật nặng đủ thời gian nhất định để đảm bảo độ chuẩn cong vênh thì thuyền mới đẹp, chịu sóng tốt. Lô phải được đẻo sắc sảo, độ nhọn lô mũi (phía đầu thuyền) vừa phải, lô lái (phía đuôi thuyền) không vuốt nhọn, kẻ thêm một vài họa tiết mới đẹp…
Người thợ còn phải có kinh nghiệm tạo ra một chiếc thuyền càng nhẹ càng tốt, đảm bảo độ bền chắc. Điều này đòi hỏi quá trình đan nan phải chọn tre già, phơi khô, chỉ lấy phần cật. Khi lắp ráp nan vào mạn thì độ sâu của phần “bụng” đảm bảo kích thước tương xứng với độ dài, rộng của chiếc thuyền. Phần nan hai đầu thuyền được xử lý đạt độ chuẩn xác, không quá sâu cũng không quá cạn. Các bộ phận như kiếu, kiệt… làm bằng gỗ không quá dày, cũng không quá mỏng. Những yếu tố này sẽ tạo ra chiếc thuyền cân đối vừa giúp ngư dân mỗi khi gánh rất nhẹ nhàng, vừa không bị chồng chềnh khi ra biển...
Tùy thuộc vào các loại nghề khai thác, những người thợ sẽ tư vấn cho ngư dân đóng thuyền có kích thước phù hợp, vừa đánh bắt hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí đầu tư. Các loại thuyền làm nghề câu mực vùng lộng, “bủa rồng” kéo cá rò, cá cơm, cá duội… gần bờ chỉ cần đóng xuồng nhỏ, công suất 8-10 CV. Các nghề đánh bắt khơi hơn như bủa cá mục, cá trích, ruốc (khuyết), ngừ, chủa, thu… thì đóng thuyền cỡ lớn, gắn máy công suất từ 15-20 CV.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thợ đóng thuyền nan hiện nay không nhiều, mỗi địa phương ven biển thường chỉ 1-2 thợ. Các thợ giỏi thường được thuê đóng mới thuyền và trả công khá cao; còn thợ có tay nghề bình thường được thuê sửa chữa, tiền công mỗi ngày chừng vài trăm ngàn đồng. Qua khảo sát, hiện nay hầu hết các thợ đóng, sửa chữa thuyền nan còn làm thêm nghề đánh bắt hải sản gần bờ, kinh doanh dịch vụ để có cuộc sống ổn định.
Bài, ảnh: HOÀNG THẾ