ClockChủ Nhật, 24/09/2023 08:03

Mẫn đèn lồng

TTH - Những ngày chớm thu, cũng là thời điểm cả gia đình anh Nguyễn Ngọc Mẫn, 48 tuổi (trú số 26, đường Phạm Tu, phường Hương Long, TP. Huế) cùng tốp thợ đang gấp rút hoàn thiện số lượng lớn đèn lồng để kịp giao cho khách hàng ở Bình Định và một số tỉnh thành phía nam.

Sắc màu lồng đèn mùa Phật đảnTái sinh hình hài của Huế xưa

 Nguyễn Ngọc Mẫn và sản phẩm đèn lồng

Đèn lồng vốn là nghề thủ công truyền thống của Huế. Tuy nhiên, do chưa tìm được hướng đi thích hợp, mẫu mã không được cải tiến kịp thời, không đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, nên nghề làm đèn lồng ở Huế bị mai một dần theo thời gian. Nhiều hộ dân ở đây phải bỏ nghề hoặc chỉ duy trì lấy lệ, sản xuất theo mùa vụ. Trong lúc đó, nhu cầu sử dụng đèn lồng của người Huế lại rất cao, đèn lồng phải nhập từ các nơi khác về.

Là người con của Huế, anh Mẫn luôn trăn trở phải làm sao để duy trì nghề thủ công truyền thống của cha ông. Ông nội của anh Mẫn là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Giao - người trực tiếp làm đèn lồng xưa để đưa vào trưng bày trong Đại Nội Huế từ thời các vua nhà Nguyễn. Sau do tình hình kinh tế khó khăn, những học trò được ông dạy dần bỏ nghề. Dần dần, nghề làm đèn lồng xưa “khuất bóng” ngay trên vùng đất Huế từ khi nào không hay. “Để có chỗ đứng trên thị trường, gia đình tôi phải trải qua chặng đường không ít cam go, có lúc nản chí định bỏ cuộc nửa chừng vì gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ…, nhưng với quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông, tôi đã vượt qua tất cả để duy trì, phát triển nghề làm đèn lồng như hôm nay”, anh Mẫn cho biết.

Sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, anh Mẫn trở về quê và quyết tâm khôi phục nghề. Với phương châm “Không gì là không thể”, anh đã thuyết phục người thân, gia đình, rồi mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở xưởng sản xuất tại nhà, nhận thợ và truyền dạy kỹ thuật làm đèn lồng. Lúc đầu, xưởng của anh chỉ làm những mẫu đèn đơn giản, truyền thống, như: đèn ú, ông sao, kéo quân, trái bí… để phục vụ cho người dân Huế và các vùng phụ cận trong lễ Phật đản và treo thờ, trang trí ở các nhà thờ họ, tư gia, quán cà phê. Sau, anh đã mạnh dạn đăng ký đưa sản phẩm đèn lồng của mình lần đầu tiên tham gia triển lãm tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2013 và bước đầu được người dân và du khách chú ý, đặt hàng.

Để thu hút ngày càng nhiều khách hàng, anh Mẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, chế tác ra nhiều mẫu mới, trên cơ sở phát huy, cải tiến các mẫu đèn truyền thống. Dựa vào nhu cầu, thị hiếu, không gian trang trí để thiết kế nhiều mẫu mới, phù hợp như: đèn hoa sen, quả cầu, lục giác, củ tỏi, hoa tuy líp, đèn rồng, long - lân - quy - phụng. Hiện nay, đèn lồng Cố Đô đã có hơn 50 mẫu, được người tiêu dùng đánh giá cao bởi độ bền, đẹp, giá cả hợp lý. Đèn lồng Cố Đô chịu đựng được mưa, gió, nắng trong vài năm, thậm chí còn lâu hơn vì được làm bằng vải gấm, lụa tơ tằm. Khung đèn làm bằng gỗ thông, tràm phơi khô - loại gỗ nhẹ, không bị vanh, cong. Trên nền vải chạm trổ hoa văn tinh xảo, họa tiết chạm trổ trên khung gỗ, in trên vải là hình các lăng tẩm, chùa chiền, rồng bay, phượng múa, kiến trúc cung đình Huế, hoặc đơn thuần chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim thú, mây trời, núi sông. Tất cả được những người thợ tại xưởng của anh Mẫn làm thủ công rất tỉ mỉ, công phu.

Những năm gần đây, đèn lồng Cố Đô đã tham gia triển lãm tại các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, lễ hội áo dài Minh Hạnh, tuần lễ áo dài Huế năm 2023, được trưng bày ở Đại Nội, các chùa ở trong và ngoài tỉnh… Song song với việc phát triển nghề, cơ sở đèn lồng Cố Đô còn tạo ra nhiều mẫu đèn có kích thước nhỏ, gọn, đường nét hoa văn tinh tế, có thể gấp lại gọn gàng để du khách dễ dàng vận chuyển đi xa. Anh Mẫn tâm sự: “Đơn hàng đầu tiên xuất ngoại của tôi là năm 2014, khi đưa đèn lồng đi trưng bày ở một hội chợ tại Hà Nội. Lúc đó hữu duyên tôi quen một anh bạn là kiến trúc sư người Nhật, thế là anh bạn này đặt luôn mấy trăm cái để đưa về Nhật trang trí trong các khách sạn, nhà hàng…”. Sau đơn hàng đó, anh Mẫn được mời sang Tokyo (Nhật Bản) để trực tiếp bán lồng đèn cho các khách hàng ở đây.

Mới đây, tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2023, đèn lồng Cố Đô đã giới thiệu với công chúng khoảng 30 mẫu đèn mang phong cách truyền thống Huế. Cũng tại không gian trưng bày này, những người thợ trực tiếp thao diễn nghề làm đèn lồng cho du khách chiêm ngưỡng.

Hiện, xưởng sản xuất đèn lồng Cố Đô có 20 thợ làm việc quanh năm, với mức thu nhập từ 4-7 triệu/người/tháng. Mùa lễ hội và Tết Nguyên đán thì anh Mẫn phải tuyển thêm cả chục thợ mới đáp ứng nhu cầu đặt hàng của khách. Sản phẩm đèn lồng Cố Đô có giá dao động từ 20.000đ/chiếc cho đến 6 triệu đồng/chiếc.

Những năm gần đây, việc sử dụng đèn lồng cho không gian trang trí, tạo điểm nhấn nhằm tăng tính thẩm mỹ, nghệ thuật, góp phần tô điểm không gian rực rỡ, nổi bật, phô diễn nét đẹp dịu dàng, đằm thắm là xu hướng được nhiều chủ nhân trẻ lựa chọn. Bà Phạm Thị Quỳnh Giao - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Huế, thành viên ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế cho biết: “Đèn lồng truyền thống Huế của anh Mẫn mang giá trị thẩm mỹ rất cao. Trong các kỳ festival nghề truyền thống Huế, đèn lồng của anh Mẫn luôn được ban tổ chức ưu tiên đặt số lượng lớn để trang trí, quảng bá văn hóa Huế đến mọi người”.

Sản phẩm đèn lồng Cố Đô đã được UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, các bộ, ngành Trung ương tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Top 10 thương hiệu Việt - hàng Việt được yêu thích năm 2014, Top 100 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng do Bộ Công thương trao tặng. Điển hình, tháng 2/2017 đèn lồng Cố Đô vinh dự được Viện Sở hữu trí tuệ Quốc tế “Chứng nhận sản phẩm - dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.

Sản phẩm đèn lồng Cố Đô không những chiếm lĩnh phần lớn thị trường Huế, mà còn vươn ra nhiều tỉnh thành khác, như: Bình Định, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định, Hà Nội…; và xuất ngoại đến Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Pháp, Mỹ…

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế nhận xét: “Hình ảnh những ngôi nhà ở Huế treo đèn lồng tạo nên một vẻ đẹp lung linh và rất truyền thống. Tuy nhiên, người Huế vẫn xem chiếc đèn lồng làm ra để chơi chứ ít ai nghĩ đến việc đầu tư sản xuất một cách quy mô và bài bản để bán. Nhà nước cần hỗ trợ vốn, trợ giá để các cơ sở có thể sản xuất ra hàng loạt đèn lồng chất lượng cao, giá thành hạ. Khi đã thân quen cùng với giá cả hợp lý, đèn lồng Huế sẽ có chỗ đứng trong thị trường, thay thế dần lồng đèn Trung Quốc”.

Bài, ảnh: Võ Văn Dần
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đèn lồng đón tết

Bắt gặp một hình ảnh đẹp, nhiều lắng đọng trong những ngày giáp tết Giáp Thìn - 2024 là sắc màu lấp lánh và lung linh của những chiếc đèn lồng.

Đèn lồng đón tết
Người hồi sinh đèn trung thu xưa

Những chiếc đèn lồng truyền thống ngỡ như thất truyền nay hồi sinh một cách vô cùng ấn tượng, giúp công chúng liên tưởng phần nào cái Tết Trung thu vô thú vị, độc đáo từ xa xưa. Không chỉ vậy, những chiếc đèn lồng ấy góp phần bảo tồn giá trị bản sắc, văn hóa Việt.

Người hồi sinh đèn trung thu xưa
Ý tưởng đón trung thu tại gia thú vị

Tết Trung thu là thời điểm chuyển mùa để tận hưởng những thú vui của gia đình. Và tất nhiên, có rất nhiều món ăn ngon trong ngày Tết. Dưới đây là một vài ý tưởng để bạn có thể tổ chức đón Tết Tung thu tại nhà:

Ý tưởng đón trung thu tại gia thú vị
FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2019:
Hướng đến một lễ hội có chất lượng

Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH) 2019 sẽ có sự tham gia của trên 300 nghệ nhân, 63 cơ sở nghề và làng nghề trong và ngoài nước.

Hướng đến một lễ hội có chất lượng

TIN MỚI

Return to top