ClockThứ Ba, 06/02/2024 07:52

Đèn lồng đón tết

TTH.VN - Bắt gặp một hình ảnh đẹp, nhiều lắng đọng trong những ngày giáp tết Giáp Thìn - 2024 là sắc màu lấp lánh và lung linh của những chiếc đèn lồng.

Mẫn đèn lồngRực rỡ sắc màu không gian đèn lồng truyền thốngRộn ràng “Tết Huế”Lễ hội Xuân Huế 2023: Tinh hoa hội tụ, vững bước vươn xa

Dấu xưa còn lại

Hình ảnh đèn lồng xưa trong phim Đèn lồng đỏ treo cao (Trung Quốc). Ảnh Tư liệu 

Theo sử cũ còn lưu lại, khoảng năm 206 trước Công nguyên đến năm thứ 25 sau Công nguyên là thời hưng thịnh của đạo Phật. Vào thời kỳ này, các chùa chiền thắp sáng các đèn lồng vào đêm Rằm. Rồi có một vị vua, không rõ tên, đã đưa phong tục thắp đèn lồng này vào cung vua. Và từ cung vua, đèn lồng lan tỏa ra ngoài dân gian.

Ở nước ta, chiếc lồng đèn Hội An đã có hàng trăm năm trước, từ thuở đây là một thương cảng nổi tiếng có tên Hải Phố. Xưa, Hội An là nơi các thương gia người Hoa và Nhật đến giao lưu buôn bán và lập nghiệp. Trong “Phủ biên tạp lục”, Nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi lời kể của một thương gia họ Trần người Quảng Đông khi chở hàng đến Hội An như sau: “Người Minh Hương và người Thanh (Trung Quốc) chọn Hội An làm nơi định cư đã mang theo đèn lồng từ quê hương đến và có thói quen thắp sáng đèn mỗi khi màn đêm buông xuống”.

Đèn lồng lung linh trong Đêm Hoàng cung. Ảnh: Tư Liệu

Cũng có ý kiến cho rằng, chiếc đèn lồng Hội An là nét rất riêng do chính người nơi đây nghĩ ra và sáng tạo nên. Ông tổ tên là Xã Đường, một thợ mã chuyên làm đầu lân và lồng đèn. Dịp tết lễ hay hội hè, chỉ có người phú quý ở Hội An mới có chiếc đèn lồng to viết chữ Hán hoặc tranh vẽ thủy mặc treo trước nhà. Qua vài thế hệ, đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để trang trí trong nhà, sau đó là làm để bán.

Nhắc đến đèn lồng là nghĩ ngay đến Hội An. Tuy nhiên, Huế là thủ phủ, là kinh đô và thành phố lễ hội. Điều có thể khẳng định, ngay từ xa xưa, đèn lồng đã được sử dụng để thắp sáng, trang trí với nhiều kiểu dáng và luôn là điểm nhấn lung linh trong các lễ hội cung đình. Đèn lồng xưa ở Huế có đèn trái ú có tám mặt, có đèn hoa sen có tám cánh, hay cả đèn ngôi sao năm cánh….Độc đáo nhất là đèn kéo quân hình lục giác có trục xoay ở giữa và nhờ vào sức nóng được đốt lên từ đèn cầy bên trong sẽ giúp sáu mặt đèn xoay quanh đều đặn.

Đa dạng đến bất ngờ

Đèn lồng tròn sắc đỏ

Thật thú vị là sự đa dạng đến bất ngờ các loại đèn lồng hiện có hôm nay. Lồng đèn tròn là truyền thống, được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất. Hình dáng của lồng đèn tượng trưng cho ánh trăng tròn đầy và là biểu tượng của sự trọn vẹn, no ấm. Bên trong, thường thắp nến hoặc bóng đèn để ánh sáng lấp lánh không khác gì ánh sáng từ ánh trăng.

Cũng phải kể thêm là lồng đèn đĩa bay mang đến cho người ta cảm giác mới lạ khi kết hợp hiệu ứng ánh sáng quyến rũ khi treo trên cao, rất thích hợp treo trong biệt thự, khách sạn, nhà hàng cao cấp để khách du xuân thưởng ngoạn. Lồng đèn củ tỏi và củ tỏi ngược treo trong quán cà phê, nhà hàng để tạo cảm giác vừa cổ kính, vừa hiện đại. Lồng đèn bánh ú mô tả hình dạng chiếc bánh ú - một loại bánh dân gian thường được làm cúng trong các dịp lễ, tết.

Đa dạng sắc màu và kiểu dáng để lựa chọn

Còn nữa, lồng đèn hình trám (na) có thiết kế dài thon, dễ mở bung và dễ gắn. Lồng đèn trụ có hình trụ tròn thẳng đứng, treo theo hàng sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng lung linh, đẹp mắt. Lồng đèn kim cương hay còn gọi là lồng đèn tam giác ngược kết hợp với lồng đèn kiểu tròn tạo nên sự sang trọng. Hay, lồng đèn hình chiếc dù đặc biệt được du khách nước ngoài ưa chuộng bởi nó khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam.

Làm đèn lồng lắm công phu. Có nhiều nguyên liệu nhưng nguyên liệu chính vẫn là tre và vải lụa. Phải là loại tre già còn tươi. Để bền và tránh mối mọt, phải nấu kỹ tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối. Tiếp đến đem phơi khô, chẻ rồi vót thành từng nan mỏng tùy theo yêu cầu của mỗi loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm có độ dai để khi căng dán không bị rách. Còn tùy theo màu sắc của vải mà đèn sẽ có những ánh sáng khác nhau, từ màu đỏ may mắn, màu gấm huyết dụ kiêu sa đến sắc xanh dịu ngọt, màu vàng tươi vui…

Đèn lồng Huế nay

"Cây đèn lồng" đón tết 

Cùng với Hội An, nay Huế cũng tự hào là nơi có nghề đèn lồng phát triển. Với những nỗ lực trong quảng bá sản phẩm, đến nay, lồng đèn Cố đô Huế không chỉ có mặt tại các thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang,... mà còn chinh phục thị trường khó tính ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, New Zealand, Malaysia...Đến nay, đèn lồng Cố đô Huế cũng đã xây dựng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Không chỉ có mẫu mã đẹp và đa dạng mà đèn lồng Huế còn được ghi dấu bởi chất lượng, có thể sử dụng lâu dài, chịu được mưa gió vì được làm từ vải gấm, lụa tơ tằm và loại gỗ thông đẹp được phơi khô, chạm trổ hoa văn tất cả đều được làm thủ công rất tinh xảo. Đặc biệt, còn mang đặc trưng xứ Huế với những hoa văn, họa tiết chạm trổ trên khung, in trên vải là hình rồng, kiến trúc cung đình Huế, các lăng tẩm, chùa chiền... như đèn rồng, đèn long - lân - quy phụng.

Đèn lồng đỏ hòa cùng sắc mai vàng trên sân chùa ngày tết

Cách nay gần 20 năm, chương trình Đêm Hoàng cung trong khuôn khổ Festival 2006 được tổ chức. Hơn 7 giờ tối, có hàng trăm chiếc đèn lồng được treo trên mặt tường thành2 bên Ngọ Môn đồng thời bừng sáng Ngọ Môn mở cửa, du khách lần lượt vào Đại Nội, mỗi người được phát một chiếc đèn lồng. Họ đi qua cầu Trung đạo, giữa hai hàng thị vệ, tiến về sân Đại triều... Còn mới đây vào năm 2023, lần đầu tiên lễ hội đèn lồng được tổ chức ở không gian Hoàng cung Huế để phục vụ người dân và du khách tham quan trong dịp Trung thu.

Trở lại với những giáp tết Giáp Thìn này, như có một thành phố Huế đầy mới lạ và nhiều sắc màu với những đèn lồng mừng tết, đón xuân. Đi trên con phố nào cũng thấy có đèn lồng. Với sắc màu đỏ nồng nàn, đèn lồng được treo ở các chùa, một số trụ sở, nơi nhà hàng, tiệm cà phê, quầy hàng tạp hóa hay nhà ở, biệt thự. Đèn lồng được treo trước mái hiên, ở cả bên ngoài ngõ và cả bên trong nhà, có ở tầng thấp và cũng ở trên cao, ẩn hiện dưới những tán cây xanh, trang trí đơn lẻ hay tạo thành cụm đèn đầy ấn tượng. Ban ngày, còn khép mình và e ấp. Đêm về, thật sự lung linh với nhiều sắc màu khi được thắp sáng.

 Vĩ thanh

"Phố đèn lồng" ở Huế 

Khu phố nơi tôi ở là đường Tôn Thất Dương Kỵ  có một quán cà phê nhỏ. Chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ. Khách của quán đa phần là bằng hữu và những kẻ láng giềng như tôi. Gần tết, thấy vợ chồng cùng hăm hở trang trí lại quán. Lại là những chiếc đèn lồng nhỏ mà dễ thương, được đôi vợ chồng trẻ chọn lựa, ngắm nghía và treo ở cả bên ngoài và bên trong quán. Cô vợ khoe, em thích đèn lồng  và như một cách đầu tư anh ơi, tụi em cố gắng chi cả triệu đồng để mua đèn lồng. Những ngày giáp tết này, quán cà phê nhỏ kia như khoác lên một chiếc áo mới là những chiếc đèn lồng và dải màu đỏ thắm.

Biểu trưng của cái đèn gắn với ý nghĩa của sự toả sáng. Trong văn hoá phương Đông, treo lồng đèn đỏ ngày tết mang ý nghĩa gia đình sung túc, thịnh vượng. Đèn lồng đỏ trong phonng thủy, ngoài thu hút hỷ khí còn mang đến những may mắn và cơ hội mới. Treo lồng đèn đỏ ngoài cửa sẽ giúp xua đuổi tà khí và trấn giữ cửa nhà an lành. Còn với đô thị và những vùng quê Thừa Thiên Huế hôm nay, đèn lồng được treo từ nhà ra ngõ, xuống đường và vào phố đã góp phần tạo nên một sắc xuân rộn rã và mặn nồng. 

ĐAN DUY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng chục nghìn lao động trở lại sản xuất sau tết

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hầu hết các doanh nghiệp ở các khu công nghệp (KCN), khu kinh tế (KKT) hoạt động sản xuất trở lại. Hàng chục nghìn lao động ở các đơn vị vào ca ổn định, ít xảy ra tình trạng nhảy việc, nghỉ việc vào đầu năm mới.

Hàng chục nghìn lao động trở lại sản xuất sau tết
Khách du lịch đến Huế dịp tết tăng cao

Sở Du lịch cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng khách du lịch đến Huế tham quan, trải nghiệm tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, nhiều cơ sở lưu trú lấp đầy phòng trong những ngày tết.

Khách du lịch đến Huế dịp tết tăng cao
“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Loạt chương trình đặc sắc đón Giao thừa Tết Giáp Thìn của VTV

Chào Xuân Giáp Thìn 2024, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, đề tài đa dạng cùng cách thể hiện sáng tạo, mới mẻ, không gian ghi hình mở rộng khắp các vùng miền đất nước và ở nước ngoài nhằm mang tới một thực đơn Tết phong phú, hấp dẫn trên các kênh sóng. Một điểm nhấn Tết này là loạt chương trình phát sóng đêm Giao thừa (tức ngày 9/2) như Gặp nhau cuối năm, Tự hào Thể thao Việt Nam, Vạn xuân, Tết nghĩa là hy vọng…

Loạt chương trình đặc sắc đón Giao thừa Tết Giáp Thìn của VTV

TIN MỚI

Return to top