ClockThứ Hai, 21/10/2019 12:09
20 năm đại hồng thủy 1999

Ký ức "dòng sông chết"

TTH - Trong dòng chảy ký ức miên man của đời người, có những điều không thể quên, như những gì tôi đã chứng kiến trong “đại hồng thủy” tháng 11/1999 ở Huế.

Nơi đầu nguồn sông Hương

Sông Bồ-dòng sông "chết" trong lũ 1999 qua xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) hồi sinh với mô hình nuôi cá nước ngọt. Ảnh:  K.O

Sáng 2/11/1999, Tổng biên tập lúc bấy giờ là anh Đoàn Ngọc Phú điện cho tôi: “Lụt lớn quá rồi Thanh Ngọc ơi, về tòa soạn ngay nhé”.

Tôi chạy xe từ Trường An về Bến Ngự, nước đã ngập ngang yên xe. Tòa soạn chỉ vài anh em ở chỗ cao quy tụ về, bàn phương án đi làm tin rồi chuyển cho các báo ở Hà Nội, TP. HCM, bởi ở Huế không thể ra báo được.

Tôi lội nước ngập ngang ngực về “Tổng hành dinh” chống bão lụt của tỉnh đóng ở Bưu điện Huế thì đã trưa, ăn vội bát mì tôm, làm tin rồi đọc cho các báo qua điện thoại bàn. Nhiều tòa báo trong những ngày đó nhờ chúng tôi làm tin chuyển qua fax, có khi đi cứu trợ về khuya thì đọc qua điện thoại cho họ chép lại.

Sáng 3/11/1999, tôi theo thuyền cứu trợ dọc tuyến sông Hương - Ngã Ba Sình - sông Bồ. Và dọc theo con sông đó, tôi đã tận mắt chứng kiến thế nào là “đại hồng thủy”.

“Nếu ai không tin có đại hồng thuỷ trên cuộc đời này, xin hãy đến đây!”. Tôi đã viết như thế ngay sau khi đại hồng thuỷ 11/1999 vừa tràn qua Huế trong bài báo “Trên dòng sông chết”. Ám ảnh tôi đến tận bây giờ là cú sốc lạnh sống lưng khi thuyền cứu trợ từ ngã ba Sình ngược vào vùng hạ lưu sông Bồ lên phía thượng nguồn.

Sau một tuần chìm trong lũ, cả một vùng châu thổ vẫn còn ngập trắng nước. Đập vào mắt đầu tiên là hàng ngàn xác súc vật lừng lững trôi như một bãi tha ma di động. Những con trâu, con bò, con heo, con chó... trương phình, có khi bám dính vào nhau như những trái núi nhỏ... Chúng bố cáo cho thiên hạ biết rằng thảm họa đang hiện hữu.

Cả một vùng tử khí chết chóc bao trùm trong im lặng. Không có nổi một tiếng gà gáy... Một hình ảnh báo hiệu sự sống đang tồn tại duy nhất là xa xa, đang có những chiếc ghe nhỏ đi lại mà theo vị chủ thuyền từng trải, những chiếc ghe ấy đang đi tìm xác người thân bị lũ cuốn...

Chúng tôi đã đi như thế cho đến khi nghe thấy tiếng người kêu cứu bên sông. Họ đã cạn kiệt đến giọt sống cuối cùng sau tuần lễ đói khát và ướt lạnh. Có những khúc sông, những người sống sót lộ rõ bản năng sinh tồn mạnh mẽ của mình khi giành giật nhau dữ dội những thùng mì tôm do đoàn cứu trợ vừa mang đến. Một bé gái chừng mười hai tuổi không tranh giành với ai được, đã vòng tay quỳ xuống ngay giữa chiếc ghe nhỏ: “Xin các chú, các bác cho cháu với, cháu đói lắm!”. Nước mắt từ đâu trào ra trên mắt tôi. Gửi cho em mấy gói mì ăn liền, tôi nói rằng đây không phải là của các chú các bác trong đoàn, mà là của tấm lòng Nhân dân cả nước gửi cho em. Lúc đó, tôi có cảm giác không đủ ngôn từ để nói với em nữa. Thiên nhiên tai ác thế, đổ bao nhiêu điều khốn khổ xuống dân lành sau lũy tre xanh, xuống đôi vai gầy guộc bé nhỏ và quá đỗi thật thà...

Nhiều người đã tự trói mình để chết trên mái nhà, với hy vọng cứu cánh duy nhất là thể xác không bị lũ cuốn trôi và sẽ được bà con còn sống chôn cất. Hy vọng buồn thảm đó, đau đớn thay, lại hoá thành sự thật...

Nhà thơ Trần Quang Hải lúc ấy đang công tác ở báo Nông Thôn Ngày Nay cũng đi theo đoàn cứu trợ. Nghe lụt lớn ở Huế, chiều mồng 2/11, anh liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân bay vào Đồng Hới trong đêm.

Hôm đó Huế vẫn còn bị cô lập nên không vào ngay được. Sốt ruột, hôm sau anh vứt cả tư trang hành lý tại khách sạn để theo đoàn xe lội nước của quân đội vào cứu trợ Huế.

Khuya mồng 3/11, anh là một trong những nhà báo từ bên ngoài có mặt ở Huế sớm nhất để chuyển những thông tin nóng bỏng đến bạn đọc cả nước.

Hôm đó đi cứu trợ, anh xuống thuyền với cái bụng đói, vậy mà vẫn không dám ăn tô mì do chủ thuyền mời. Anh sợ dùng lạm vào khẩu phần của người dân đói rét đang cần được cứu trợ. Và anh đã kiên quyết nhịn. Mãi tới khi tối mịt về đến nhà tôi ở tạm, dưới ánh nến, gương mặt anh vẫn thất thần khi viết bản tin về những gì đã chứng kiến.

Bài báo “Trên dòng sông chết” khi ấy được Đài VTV1 điểm báo gần như hết toàn bộ nội dung. Nhiều bà con cùng quê ở phương xa nghe điểm báo, điện về hỏi thăm tình hình người thân ở quê nhà. Rất nhiều nước mắt lo âu. Tôi nhớ có hôm đi cứu trợ về khuya, tôi đọc bản ghi chép ngắn cho một người ở tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng ghi lại. Phía đầu kia thỉnh thoảng hỏi lại về một từ nào đó không rõ, giọng cũng nghèn nghẹn.

Có một điều cần phải nói, là trên dòng sông này sau đại hồng thủy ấy, có một dòng chảy không chết là tình người và sự hồi sinh.

Có những người đã không tiếc mạng sống lao vào giữa cơn sóng dữ cứu người. Có những người đổ cả thóc giống ra chia cho dân làng qua cơn bão lũ…

Hồ Đăng Thanh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”

Mới đây, trên Thừa Thiên Huế Online có bài viết “An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi” của tác giả Dương Đăng Bảo Khánh. Sau khi đọc bài, có bạn đọc gửi thư đề nghị tòa soạn lý giải giúp vì sao sông An Cựu lại “nắng đục mưa trong”?

Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”
Làm xanh, sạch các dòng sông

Nhiều con sông ở Huế đã xanh, sạch đẹp hơn nhưng chỉ được ở vùng nội đô. Các con sông quê và ven đô hiện nay đang dùng dằng không chảy vì nạn bèo tây (bèo lục bình), rác xâm lấn…

Làm xanh, sạch các dòng sông
Return to top