ClockThứ Bảy, 05/08/2017 14:06

Mô hình nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành

TTH.VN - Đồ án kiến trúc được đánh giá nhân văn khi chính người thiết kế đã viết nên câu chuyện chia sẻ với hoàn cảnh của trẻ em gái, phụ nữ là nạn nhân của các cuộc bạo hành.

Mô hình với tên gọi “Nhà tạm lánh cho trẻ em gái, phụ nữ bị bạo hành tình dục, nạn nhân buôn người và mang thai ngoài ý muốn” được sinh viên Nguyễn Thanh Thịnh (khoa Kiến trúc Trường Đại học khoa học – ĐH Huế) cho ra đời từ sự đồng cảm với chính bản thân mình.

Ý tưởng cần thiết

Mô hình nhà tạm lánh dành cho trẻ em gái, phụ nữ là nạn nhân của các cuộc bạo hành, nạn buôn người hoặc mang thai ngoài ý muốn, được thiết kế nằm trên khu đồi (gần hồ sinh thái Thủy Tiên, TP. Huế) có hình dáng như một dải lụa bao quanh sườn đồi. Thanh Thịnh kể rằng, từng gặp rất nhiều hoàn cảnh trẻ em gái và phụ nữ bị bạo hành nên đã nung nấu ý tưởng thiết kế một không gian riêng để họ tạm lánh.

Những người phụ nữ ấy phần lớn trong số đó gặp khủng hoảng tinh thần, bị xã hội xa lánh, cô lập và bị dèm pha. Một số trường hợp bị chính những người thân trong gia đình gây áp lực. Cá biệt có những người tìm đến cái chết hoặc bỏ nhà đi.

Thanh Thịnh bên đồ án đầy tâm huyết

Từ đó, Thịnh đã nảy sinh ý tưởng thực hiện đồ án tốt nghiệp ngành Kiến trúc sư bằng phương án thiết kế một mái nhà chung làm nơi tạm lánh cho các nạn nhân là trẻ em gái, phụ nữ không nơi nương tựa. “Nhà tạm lánh còn nhằm hạn chế tình trạng nạo phá thai do những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn do nhiều lý do không thể sinh con, cũng như không có khả năng nuôi con thì giúp họ sinh con và nuôi con đến một tuổi... Vì thế, ý tưởng thiết kế một ngôi nhà vậy cho khu vực miền Trung thực sự rất cần thiết” - Thịnh tâm huyết khi nói về ý tưởng của chính bản thân mình.

Hình dáng của ngôi nhà được thiết kế dựa trên ý tưởng một dải khăn mềm ôm lấy sườn núi. Ở giữa không gian này, sẽ có nhiều hạng mục phục vụ, đáp ứng nhu cầu người lưu trú như khu tiếp đón trưng bày, khu khám bệnh, khu dạy nghề và khu trị liệu. Ngoài ra còn có khu phục vụ sinh hoạt, lưu trú, trường học từ bậc mầm non đến trung học, phòng rèn luyện thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật... Bao trùm lên khuôn viên này sẽ là những mảng xanh với vườn rau, sân chơi tạo nên một không gian thoáng đãng cho các nạn nhân đến lưu trú. Tất cả sẽ được gói gọi trong diện tích 3,7 ha, có quy mô như một làng trẻ em SOS và nằm tách biệt khu dân cư, phù hợp làm nơi lưu trú tạm thời cho những người bị chấn động tâm lý có thời gian trị liệu để phục hồi.

Thịnh nhấn mạnh: “Thiết kế này hướng đến những hoàn cảnh đến để tạm lánh sự kì thị, xa lánh, bạo hành của gia đình hay xã hội. Chức năng chính của ngôi nhà phục vụ cho phụ nữ/ trẻ em gái có hoàn cảnh trên lưu trú, giáo dục, điều trị tâm lý, chăm sóc sức khỏe, sinh sản, giải trí và dạy nghề”.

Hy vọng được đưa vào thực tiễn

Điểm nhấn trong thiết kế của nhà tạm lánh là khu khám bệnh, khu trị liệu với không gian khám bệnh và điều trị tâm lý cho các nạn nhân bị chấn đông tâm lý. Khu vực khám được thiết kế với nhiều phòng khám đặc thù cho các đối tượng là em gái, phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó là các phòng khám phụ sản, phòng kiểm tra tâm lý và phòng chăm sóc khỏe sau khi sinh.

Khu vực vận động trị liệu có nhiều phòng tập yoga, phòng bấm huyện và phòng massage trị liệu giúp nạn nhân phục hồi tâm lý. Ngoài ra khu trị nghệ thuật trị liệu còn có không gian giải trí như âm nhạc trị liệu (giúp phục hồi hoặc cải thiện cảm xúc, nhận thức, cơ thể và sức khỏe tinh thần), mỹ thuật trị liệu giúp mọi người thể hiện những suy nghĩ của mình nhờ tranh vẽ để tìm thấy bản thân cũng đang gặp vấn đề gì, đang cần gì để can thiệp một cách nhanh chóng...

Phối cảnh toàn bộ mô hình “Nhà tạm lánh cho trẻ em gái, phụ nữ bị bạo hành tình dục, nạn nhân buôn người và mang thai ngoài ý muốn” 

“Những hoạt động này mang tính sáng tạo, dễ thực hiện, không quá coi trọng tính đúng sai của sản phẩm, phát huy khả năng tự do tưởng tượng giúp các nạn nhân nâng cao khả năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay và mắt. Ngoài ra hoạt động này giúp họ tập trung chú ý, làm chủ các hành vi một cách có ý thức”, Thịnh tâm sự khi thể hiện rất thận trọng trong tính toán cũng như từng nét vẽ trên đồ án.

Với những tâm huyết đó, mô hình nhà tạm lánh này đã được Thịnh thực hiện làm đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư của chính mình. Ngày trình lên hội đồng, đồ án này được khoa Kiến trúc của trường đánh giá rất cao bởi tính nhân văn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thực tế hiện nay.

Thạc sĩ, KTS Nguyễn Quốc Thắng, giảng viên khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế, đồng thời cũng là người theo sát, hướng dẫn Thịnh cho biết, đồ án đã thực hiện đầy đủ và chi tiết các công đoạn thiết kế một công trình có ý nghĩa cho xã hội. “Hy vọng rằng trong tương lai gần, đồ án được đưa vào thực tiễn thì đây là một mái nhà chung đầy tình người, làm nơi nương tựa cho những phận đời trẻ em gái và phụ nữ bị bỏ rơi...”, thầy Thắng mong muốn.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao "Mái ấm niềm tin" cho phụ nữ nghèo

Sáng 5/5, Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN xã Hương Phong tổ chức khánh thành và bàn giao Mái ấm niềm tin cho bà Trần Thị Đí, thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong.

Bàn giao Mái ấm niềm tin cho phụ nữ nghèo
Phụ nữ sống xanh

Để phong trào “Chủ nhật xanh” thực sự “bám rễ”, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh, sạch, đẹp đối với từng hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã cụ thể phong trào bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả như: Tuyến đường hoa, Điểm xanh văn hóa, Mỗi hố rác một cây xanh, Biến rác thành tiền, Ngõ xanh, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Phụ nữ sống xanh
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Return to top