Các shipper luôn đeo khẩu trang khi giao hàng cho khách
Xu hướng
Anh Hồ Huy, một shipper của ứng dụng Now.vn (ứng dụng đặt món ăn trực tuyến và giao tận nơi theo yêu cầu) cho biết, khi dịch bệnh quay lại, những người làm nghề giao đồ ăn như anh cũng lo lắng lắm, vì làm nghề này anh và bạn bè bắt buộc phải đi nhiều, gặp nhiều người,… chuyện “gặp COVID-19” trở thành nỗi ám ảnh nghề nghiệp.
“Nhưng “sinh nghề, tử nghiệp”, lo cũng phải làm, chỉ là chúng tôi càng ngày càng ý thức “tự phòng bị” hơn. May là ở Huế dịch không bùng mạnh, nhưng đôi khi cũng thấy mình và bạn bè chủ quan, dần dần mọi người cũng quên giữ khoảng cách, mỗi lần chờ nhận món lại đứng chen chúc nhau để không lấn chiếm vỉa hè”. Anh Huy chia sẻ. Một đồng nghiệp khác của anh còn đùa rằng: “Huế mình kiểm soát ổn nên dịch không đáng sợ, chỉ sợ quán làm món lâu, khách chờ lại đánh giá xấu thôi”.
Trước dịch, để đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế" ngại đi chợ và nấu ăn, ngại nắng nóng… nghề shipper ở Huế khá phát triển. Hình ảnh các shipper từ các hàng quán, nhất là những quán “hot”, như đồ ăn Nhật, Hàn, Ấn, trà sữa… xếp hàng dài trước quán, rồi tỏa đi khắp thành phố, về cả ngoại ô đã dần trở nên quen thuộc. Sau các đợt dịch trước, hoạt động của các shipper ngày càng bận bịu. Riêng lần dịch “bùng” gần đây, shipper trở thành một bộ phận khá quan trọng trong hoạt động hàng quán. Từ những người “làm thêm” phụ việc trong dịch vụ trao đổi thông thương hàng hoá, họ dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sinh hoạt mùa dịch.
Các shipper của Now, Grab xếp hàng trước quán ăn vào giữa trưa
Trong thời điểm dịch bệnh như thế này, mọi người ngại đi hàng quán, kéo theo các dịch vụ bán hàng online, giao hàng tận nhà cũng được sử dụng nhiều. Theo anh B.Q, cũng là một shipper của Now, trong mùa dịch này, mỗi ngày anh nhận trung bình 30-40 đơn hàng, cứ như thế đến hết tháng thì tiền cũng đủ chi tiêu. Anh chia sẻ: “Mình bắt đầu làm từ đợt dịch này, cũng định làm tạm để qua mùa dịch thôi, nhưng thấy làm cái nghề này tuy cực nhưng nếu siêng thì thu nhập cũng ổn. Có điều phải tiếp xúc nhiều người nên khá lo. Bên công ty khuyến cáo đeo khẩu trang và thực hiện đơn hàng phải giữ khoảng cách với khách hàng, mình cũng tự mang theo chai nước rửa tay để sát khuẩn trước và sau mỗi lần giao hàng”.
Mặc dù vậy, với khách hàng, tâm lý luôn đeo khẩu trang khi ra nhận hàng là tốt, nhưng nhiều khách do “vội”, chủ quan là nhanh nên khi ra nhận hàng thường không khẩu trang. Nhiều người vừa nhận hàng vừa khạc nhổ, hắt xì, nói nhiều… khiến shipper cảm thấy sợ hãi.
Ý thức phòng dịch
Khi nói về việc hỗ trợ an toàn cho shipper mùa dịch, anh Hồ Huy kể rằng: “Now đã hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, nhưng khẩu trang, nước sát khuẩn, shipper phải chuẩn bị. Riêng đối với các shipper vùng dịch đều được hỗ trợ riêng. Với những người không may bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện đơn hàng, được cơ quan y tế xác nhận dương tính với COVID-19 sẽ được hỗ trợ một khoản tiền tương đương thu nhập trong 30 ngày trước thời điểm điều trị. Còn với những người là F1, F2,… được đưa đi cách ly sẽ được hỗ trợ 100.000/ngày”.
Chị Ngô Thị Thanh Hà, Giám đốc Chi nhánh Huế - Công ty Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín cho biết, các tài xế của công ty được yêu cầu rất kỹ về việc tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đảm bảo khoảng cách trong quá trình khai thác hàng hóa. Các tài xế đều khai báo y tế, được xét nghiệm thường xuyên cho nhóm phải di chuyển hàng ngày. Tại chi nhánh nhận hàng sẽ có nhân viên đảm nhận việc bốc dỡ hàng hóa hoặc chất xếp riêng, không tiếp xúc với tài xế để hạn chế tối đa có thể lây nhiễm chéo. Các tài xế cũng được trang bị đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn và đảm bảo sức khỏe để vận chuyển qua các vùng dịch.
“Bên mình còn thiết lập App “Khai báo Y tế - theo dõi sức khỏe nội bộ” của từng thành viên công ty để đảm bảo việc theo dõi sức khỏe của nhân viên trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát và có sự cách ly kịp thời nếu chẳng may sự cố xảy ra”. Chị Hà chia sẻ.
Không phải công ty vận chuyển nào cũng đưa ra chính sách như vậy. Anh Lê Anh Hiếu, đại diện công ty chuyển phát nhanh J&T Express tại Huế, chia sẻ thật lòng: “Từ đợt dịch trước cho tới nay, shipper bên công ty mình chưa có ai rơi vào trường hợp trở thành F0 hay F1, F2,… nên cũng chưa thấy có chính sách cụ thể. Mình nghĩ, nếu thật sự xảy ra trường hợp như vậy thì công ty sẽ có phương án hỗ trợ giúp đỡ một cách nhanh nhất, nhưng hy vọng không xui xẻo như thế”.
Khi hỏi vấn đề tương tự với Grab (công ty đa dịch vụ về vận chuyển, giao hàng) thì chúng tôi rất ngạc nhiên khi câu trả lời của người đại diện tại Huế lại là mời liên hệ với trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, vẫn có thể thấy được Grab luôn quan tâm đến vấn đề phòng, chống dịch khi mỗi lần đặt hàng trên ứng dụng này luôn hiện lên thông báo khuyến cáo khách hàng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với người giao, mang khẩu trang và giữ khoảng cách.
Là một nghề làm nhiều hưởng nhiều, nhất là trong mùa dịch xu hướng mua đồ online khá phổ biến nên lượng đơn hàng luôn ổn định. Tuy nhiên, đi kèm là nguy cơ nhiễm COVID-19 cũng cao hơn. Mặc dù thành phố Huế nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung đang khống chế dịch hiệu quả, nhưng shipper vẫn là nghề có nguy cơ cao. Mong rằng, các shipper sẽ không chỉ tự mình bảo vệ cho mình mà còn được các công ty quan tâm hơn đến vẫn đề phòng tránh dịch. Bởi vì nếu họ an toàn là đã góp phần cắt đứt sự gieo rắc dịch bệnh từ nhà này qua nhà khác, từ quán này ra quán khác.
Bảo vệ các shipper là bảo vệ cho sự an toàn của hàng ngàn khách hàng mà họ gặp mỗi ngày.
Bài, ảnh: PHẠM PHƯỚC CHÂU