Thừa Thiên Huế khá có nhiều lễ hội. Hàng năm, cứ vào độ tết đến, xuân về, người ở nơi xa thường tìm về quê cha, đất tổ để được dự các lễ hội tế cúng cùng các sinh hoạt văn hóa- văn nghệ dân gian đậm đà sắc thái địa phương. Nhiều hội làng, hội xuân xứ Huế có bề dày lịch sử hàng trăm năm và được ghi nhận vào sử sách, ví như: “Lễ hội cầu ngư ở Thuận An”, “Hội vật làng Sình”, “Lễ tế cúng hữu công bát vị khai canh bổn thổ làng Mỹ Lợi” (Phú Lộc), “Lễ giỗ Tổ nghề kim hoàn” ...
Dự một số lễ hội dân gian ở các làng xã thuộc vùng đất núi Ngự, sông Hương, chúng tôi thấy hội làng, hội xuân xứ Huế có rất nhiều nét đẹp rất đáng trân trọng.
Về quy mô lễ hội, hầu hết là lễ hội của một làng hoặc một xã. Dân cư trong làng từ già đến trẻ, từ nam đến nữ ai cũng có thể tham gia, cũng được thụ hưởng và sáng tạo văn hóa. Những lễ hội có sức thu hút lớn, như đua thuyền trên sông Vực, vật làng Sình, làng Thủ Lễ, cầu ngư Thuận An... không chỉ người trong làng, trong xã mà người các xã, huyện, thị khác cũng về tham dự rất đông. Các lễ hội hiếm khi xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự, xô đẩy, chèo kéo. Người ta đến với lễ hội không phải là để cầu tài, cầu lộc, tranh cướp vật này, vật nọ... như lễ hội ở một số nơi.
Về nội dung, một lễ hội dân gian thường có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành trong nội đình, nội miếu với các nghi thức rất trang nghiêm, thành kính từ lạy bái, dâng trà, rượu đến đọc văn tế, văn chúc... Nghi lễ tế cúng thần thánh do hội đồng tộc trưởng, các bậc phụ lão am hiểu việc tế cúng đảm nhận. Việc tế lễ hướng vào việc ôn lại sự nghiệp, công đức của những người có công với làng, với nước như các vị Thành hoàng làng, các ngài khai canh, khai cư, tổ sư các ngành nghề, các anh hùng, liệt sĩ...
Qua việc tế cúng, dân làng cũng cầu mong đất trời, thần thánh phù hộ, độ trì cho dân làng an khang, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, tôm cá đầy khoang, đầy thuyền. Hội làng, hội xuân xứ Huế gần như không có hiện tượng mê tín- dị đoan, không có kẻ lợi dụng việc cúng tế để mưu cầu tiền bạc, để bày ra các trò bói toán, xóc thẻ, xin xăm... Người người đến với phần lễ với tất cả tấm lòng thành kính tổ tiên, thần thánh, chứ không tin vào những điều mông muội...
Khác với phần lễ, phần hội được diễn ra ở một khoảng không gian rộng lớn hơn và có sự tham gia đông đảo hơn của người trong làng, ngoài làng. Tùy từng địa phương mà phần này có những hoạt động thể thao, văn nghệ, những trò vui khác nhau, ví như vùng gần sông biển thì có bơi thuyền, hò bả trạo, vùng đồng bằng có hội vật, đu tiên, hát sắc bùa v.v... Người già, thanh niên, nam nữ đến với lễ hội không chỉ để xem mà còn là để đua tài, thử sức, đấu trí, để phát huy tài năng của mình về nhiều mặt...
Ngày nay, một số nơi, phần hội không chỉ giới hạn ở sân đình mà còn được mở rộng ra ở những khoảng không gian rộng lớn hơn. Hội vật làng Sình mấy năm gần đây là một ví dụ tiêu biểu.
Trần Hoàng