“Chủ nhật xanh” của các bạn trẻ
Mỗi tuần một điểm đến, tuần này phá Tam Giang, tuần sau biển Thuận An, tiếp đến Phú Mậu, Quảng Thành… Cứ thế, hoạt động này được Dự án giáo dục đồng đẳng về chăm sóc sức khỏe học đường (HIPE) duy trì nhiều năm qua, và thu hút hàng trăm bạn trẻ ở mỗi nơi nhóm tổ chức cùng tham gia.
Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội của HIPE, hàng trăm bạn trẻ yêu sống xanh đã đăng ký, hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Một sáng sớm đầu tháng 11, theo chân những người trẻ chúng tôi có mặt từ khá sớm để xuất phát về phá Tam Giang, đoạn qua thôn Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền). Khi màn sương chưa kịp vén, những sinh viên hay bạn trẻ đã đi làm từ TP. Huế đã có mặt để nhập vào một nhóm thanh niên trong vùng để thảo luận kế hoạch nhặt rác, kêu gọi các người dân hạn chế sử dụng túi nilong, cách phân hủy rác…
Ở đó, dù không quen biết nhau nhưng nhìn cách họ nhặt rác mới thấy được tình yêu thiên nhiên của các bạn. Vừa được phân chia nhóm, túi đựng rác, chổi, cào... nhiều nhóm đã tranh thủ tỏa đi theo các hướng thu gom rác được điều phối viên của HIPE phân công. Chưa đầy hai giờ, các bạn đã đi bộ nhiều cung đường dọc theo phá, gom tất cả loại rác mà người đến tham quan thải ra môi trường.
Ngọc An (sinh viên ĐH Huế) kể, khi nghe lời kêu gọi về kế hoạch nhặt rác quanh khu vực phá Tam Giang, bạn liền hưởng ứng, liên hệ để tham gia. Với An, đây là cách để mình thể hiện tình yêu với thiên nhiên, đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang và thông qua hành động này kêu gọi mọi người cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. “Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho cộng đồng, đặc biệt với Huế những danh thắng vô cùng kỳ vĩ. Phá Tam Giang nằm trong số đó, không chỉ là hệ sinh thái thiên nhiên mà ở đó còn nuôi nấng bao nhiêu thế hệ sông nước và là điểm đến vô cùng yêu thích của du khách gần xa khi đến Huế”- An nói trong lúc nhặt những bao nilông ở kè đá dọc theo phá Tam Giang.
Không riêng gì phá Tam Giang, những nơi mà các bạn trẻ nhặt rác do HIPE tổ chức đi qua đều có một điểm chung: rác ni lông vươn vãi khắp nơi từ trên bờ cho đến mặt nước, chai nhựa, ống nước, đót thuốc… bị xả một cách vô tội vạ. Sau một buổi, toàn bộ số rác nhặt được các bạn tập trung lại, phân loại trước khi đưa đến nơi tiêu hủy.
Chị Võ Kiều Hân, Điều phối viên HIPE cho biết, đây là một trong những việc làm mà dự án rất quan tâm và được thực hiện thường xuyên vào chủ nhật cuối tuần với tên gọi “Chủ nhật xanh” đi cùng thông điệp “Rác không chạm đất - Văn hoá xanh, không tạo rác”. Theo chị Hân, ngoài những người yêu sống xanh tham gia, mỗi nơi mà dự án đi qua đều lấy bạn trẻ tại chỗ làm trung tâm, xem đó là những “đại sứ” bảo vệ môi trường. Ngoài kêu gọi các bạn trẻ nhặt rác, HIPE có hướng dẫn cách phân loại rác, hạn chế sử dụng túi ni lông, đổ rác đúng nơi quy định… Từ đó, thông qua các bạn trẻ để họ tiếp tục kêu gọi từng người thân trong gia đình cùng hưởng ứng, ý thức được việc làm sạch môi trường.
“Nếu từ bây giờ chúng ta không quan tâm đến sự phát triển bền vững, coi nhẹ việc môi trường bị ô nhiễm thì sau này chính chúng ta và con cháu mỗi người phải gánh chịu”, chị Hân nhấn mạnh và cho biết sẽ tiếp tục duy trì những hoạt động như vậy ở nhiều nơi hơn nữa.
“Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”
UBND tỉnh vừa ban hành dự thảo kế hoạch lấy ý kiến thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”. Theo đó, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như: Phát động phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, mạng xã hội, tổ chức tập huấn cho cán bộ truyền thông và người dân, phát hành các loại túi giấy thân thiện với môi trường…
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác để thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu nâng cao nhận thức về tác hại của túi ni lông đối với môi trường, sức khỏe con người từ đó nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc tạo thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông, xem túi ni lông là sản phẩm huỷ hoại môi trường, cần quản lý nghiêm ngặt hướng đến không sử dụng túi ni lông trong cuộc sống...
T. HUỆ
|
Bài, ảnh: Phan Thành