ClockChủ Nhật, 22/08/2021 06:16

Những người lính “cắm bản”

TTH - Cán bộ địa bàn - những người lính biên phòng “cắm bản” là người kề vai sát cánh, gần gũi, thấu hiểu nhất với đồng bào vùng đất biên giới A Lưới, giúp người dân phát triển kinh tế, bảo vệ bình yên.

Lớn lên bằng “lương bộ đội”Lo tết cho đồng bào vùng biên

Quân y Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đến nhà khám, chữa bệnh cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: QA

Người thân của đồng bào 

Trong cái nắng gay gắt, Thiếu tá Lê Khắc Tấn và Thượng úy Hồ Minh Phú (Đồn Biên phòng Nhâm) xuất phát từ tổ công tác (đóng trên địa bàn xã Quảng Nhâm) chạy xe máy qua những chặng đường đồi dốc, lổn nhổn sỏi đá, để đến khu vực sản xuất của ông Quỳnh Nhật, nạn nhân chất độc da cam, nằm sâu trong thôn KaLeng Abung. Hết con đường sỏi, phải bỏ xe máy lại, len qua đồi cây mọc dại, đôi khi lau lách cứa vào tay tứa máu.

Trong khi chúng tôi mũi, miệng tranh nhau thở thì Thiếu tá Lê Khắc Tấn và Thượng úy Hồ Minh Phú cười “nhẹ tênh”, bảo rằng đã quá quen với những chuyến đi băng suối vượt dốc, đến những nơi xa xôi nhất cuối bản làng, kể cả trong lúc thời tiết không thuận lợi, để về với dân. Bởi kề vai sát cánh, thấu hiểu, để có sự chia sẻ tinh thần, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh già cả, neo đơn, bệnh tật, giúp người dân nơi biên giới - vùng đất phên dậu của Tổ quốc - xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, là một trong những nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, đặc biệt là những người lính biên phòng “cắm bản”.

20 năm ở tổ công tác địa bàn, “dấu chân” của Thiếu tá Lê Khắc Tấn đã vô cùng thân thuộc với người dân. Lúc đứng giữa vườn cây ăn trái của ông Hồ Viên Mừng (thôn KaLeng Abung, xã Quảng Nhâm) với hàng trăm cây hồng, nhãn, vải, bao mùa qua vẫn đơm hoa kết trái, mới “thấm” hết tình cảm của người dân trong thôn khi nói rằng, anh Tấn như một người thân.

20 năm trước, cùng đồng đội cẩn trọng, tỉ mẩn xới đất, vào phân, trồng từng gốc nhãn, vải…, hướng dẫn ông Mừng về kỹ thuật chăm sóc, Thiếu tá Lê Khắc Tấn cùng đồng đội gieo xuống mảnh vườn tâm nguyện, rằng thành công của mô hình này sẽ là động lực để bà con trên địa bàn làm theo, phát triển kinh tế.

Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt giúp người dân trong sản xuất. Ảnh: QA

Bây giờ, không chỉ vườn cây ăn trái của ông Mừng vẫn “vững chãi” qua bao năm tháng, mang đến cuộc sống ấm no, khấm khá, mà rất nhiều vườn cây ăn trái khác trong thôn, trong xã như của hộ gia đình chị Hồ Thị Tối, hộ anh Hồ Văn Tiêu…, đã đơm bao mùa trái ngọt.

Ở thôn Aka, xã A Roàng, có một “khu vườn” đặc biệt - cuộc sống của mẹ con ông Quỳnh Tít - được người lính biên phòng “cắm bản”, Thiếu tá Nguyễn Duy Từ (lúc đó công tác tại Đồn Biên phòng Hương Nguyên) gieo trồng trái ngọt yêu thương.

Lúc đó, Thiếu tá Nguyễn Duy Từ là Phó Bí thư tăng cường xã A Roàng, ở tổ công tác địa bàn. Gần gũi, kề vai sát cánh với người dân nơi đây, tận trong tâm can, anh Từ cảm thương hoàn cảnh gia đình mẹ con ông Quỳnh Tít.

Mẹ ông Tít mất sớm, cha của ông Tít đi bước nữa. Sau đó, người cha cũng bệnh mà qua đời. Ông Quỳnh Tít ngoài bốn mươi tuổi, mù bẩm sinh, nương tựa mẹ kế già nua, lần hồi bữa thiếu, bữa hụt. Thiếu tá Nguyễn Duy Từ chia sẻ với mẹ con ông Tít mỗi tháng 20kg gạo trong suốt gần 10 năm. Những lúc lễ tết, người lính biên phòng ấy lại sắm sửa đồng quà, tấm bánh, chiếc áo, chiếc chăn mới, để những phận đời kém may được ấm áp.

Thiếu tá Nguyễn Duy Từ bộc bạch, gia đình ở miền Bắc, mỗi năm anh chỉ đoàn tụ với người thân trong khoảng thời gian vài mươi ngày phép. Anh và đồng đội, gắn bó phần lớn cuộc đời mình với mảnh đất, nơi công tác, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của bộ đội biên phòng, bảo vệ bình yên, giúp người dân vùng biên cương có cuộc sống tốt đẹp hơn.

A Lưới còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đồng bào nơi đây chất phác, vô cùng tình cảm. Cũng như nhiều đồng đội, Thiếu tá Từ đã trở thành “đứa con của bản”. Cùng với trách nhiệm của người lính biên phòng, sự gần gũi, cảm thông, thấu hiểu, khiến anh coi mẹ con ông Quỳnh Tít là những người thân.

Hôm cùng Thiếu tá Nguyễn Duy Từ đến thăm mẹ con ông Quỳnh Tít, căn nhà nhỏ tuy tuềnh toàng, nhưng cảm giác vẫn đủ đầy ấp áp. Bởi trên gương mặt có đôi mắt không may bị mù bẩm sinh của người đàn ông tật nguyền ấy, vẫn rạng rỡ ánh sáng của niềm tin yêu.

Bảo vệ bình yên

Những người lính biên phòng “cắm bản”, gắn bó không bằng bởi con số tháng năm, mà bằng tình cảm nặng lòng, sự dốc lòng với mảnh đất, con người nơi đây.

Trung tá Lê Anh Tuấn (Đồn Biên phòng Nhâm), từ tuyến biển “ngược” lên tuyến núi, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư tăng cường xã Hồng Thượng vào năm 2019, thì năm 2020 “gặp” phải cơn bão lớn. Lúc đó, thôn A Đên và thôn A Sáp là các thôn tái định cư của thủy điện A Lưới nằm trong đường luồng cơn bão, bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mặc dù trước cơn bão, bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, giúp người dân di chuyển người, vật nuôi đến nơi an toàn. Nhưng trong lòng Trung tá Lê Anh Tuấn vẫn nóng như lửa đốt, vì dân vùng này còn rất khó khăn, mỗi phần tài sản bị hư hại là thêm một phần vất vả, thua thiệt cho cuộc sống của bà con.

Ngay sau khi cơn bão suy yếu, dù trời đã tối mịt, mưa lớn, đường vào hai thôn có nơi ngập đến 1,5 mét, nhưng Trung tá Lê Anh Tuấn vẫn tổ chức lực lượng, đến với các hộ bị thiệt hại. Trước cảnh hàng chục hộ dân tường nhà tạm bợ bị xô ngã, bị bay tôn, nhiều hộ bay luôn cả mái nhà, anh Tuấn thương đến nghẹn lòng.

Tình thương hóa hành động, Trung tá Lê Anh Tuấn đã tự nguyện hỗ trợ cho một cháu bé học sinh lớp 4, mồ côi bố, hộ nghèo, mỗi tháng 500 nghìn đồng. Trung tá Tuấn nói rằng, tự hứa với lòng, nếu còn công tác nơi đây, anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến lúc cháu bé học xong lớp 12.

Khi còn công tác tại Đồn Biên phòng Lăng Cô (đóng trên địa bàn huyện Phú Lộc), trong một trận bão lũ lớn, trước tình thế có thể nguy hiểm đến tính mạng, Trung tá Tuấn vẫn kiên quyết cùng đồng đội buộc dây thừng bơi giữa nước lũ dâng cao 2 mét, cứu dân. Lần đó, anh Tuấn bị sóng đánh, suýt chút nữa bị cuốn phăng ra biển, nhưng may mắn được đồng đội kịp kéo lại.

Thực hiện nhiệm vụ nhân viên trinh sát, nhân viên vận động quần chúng, Trung úy Hồ Văn Tài, Trung úy Lê Minh Nhuận (tổ công tác địa bàn, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt) là những người sâu sát, gần gũi, thấu hiểu từng hoàn cảnh, trở thành người thân của nhiều gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều trẻ mồ côi.

Ông A Viết Sơn (thôn Cà Vá, xã Đông Sơn) bị liệt đôi chân, bị vợ bỏ rơi, nuôi con nhỏ, chan chứa xúc động khi kể về sự quan tâm, giúp đỡ của các anh, để những hoàn cảnh khó khăn như cha con ông vững tâm bước về phía trước. Còn đối với các anh, lòng yêu mến, tin cậy của người dân chính là chỗ dựa, động lực quý giá.

Khi Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt xây dựng chốt chống dịch COVID-19 (Trung úy Tài là chốt trưởng đầu tiên), người dân đã rất thuận lòng, hỗ trợ. “Tin cậy, yêu mến, nên người dân đã trở thành tai, thành mắt, là cánh tay nối dài, để bộ đội biên phòng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tội phạm xâm phạm trái phép lâm sản, động vật quý hiếm, các loại tội phạm khác, bảo vệ bình yên nơi vùng đất biên cương” - Thượng tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chia sẻ.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường

Cùng dầm mưa dãi nắng, “uống gió nằm sương” với chiến sĩ mới trên thao trường, cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã huấn luyện bao thế hệ người lính biên phòng can trường trên mọi nẻo đường biên giới.

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường
Xứng danh người lính Cụ Hồ

Trải qua muôn vàn gian khổ trong thời chiến, mang phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ, bệnh binh Trần Bá Lưu trú tại phường Trường An, TP. Huế được tuyên dương trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi ong lấy mật và là người cán bộ mẫu mực luôn được người dân quý mến, tin tưởng.

Xứng danh người lính Cụ Hồ
Mồ hôi người lính “thắp” nụ cười người dân

Thực hiện hiệu quả và thiết thực mô hình “Ngày về thôn bản”, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt chung tay giúp người dân biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tình quân dân ngày càng vững chắc.

Mồ hôi người lính “thắp” nụ cười người dân
Mối tình sắt son nơi đầu sóng

Bên chân sóng, trước hải trình đến quần đảo Trường Sa, tôi đã “gặp” một cuộc chia tay của đôi tình nhân đặc biệt. Họ là vợ chồng, cũng là đồng chí đồng đội, “xếp lại” tình riêng vì tình cảm lớn lao hơn…

Mối tình sắt son nơi đầu sóng
Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2: “Ươm mầm” ở miền biên

Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương; “ươm mầm” và bồi đắp tâm huyết, tình cảm, kiến thức, để con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế hệ trẻ nơi đây trở thành đội ngũ cán bộ tiếp nối, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tập trung đẩy mạnh, bước đầu “đơm hoa kết trái”.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2 “Ươm mầm” ở miền biên
Return to top