ClockThứ Ba, 01/11/2022 14:00

Bữa quà chiều với bánh ram ít

TTH - Bánh ram ít là loại bánh được biến tấu từ bánh ít trần truyền thống của Huế. Bánh gồm hai phần rõ rệt, phần bánh ít và phần bánh ram. Bánh ít tròn trịa, vỏ bánh màu trắng đục với nhân tôm nằm ngoan ngoãn bên trong, ẩn hiện trông như miếng hổ phách. Phần bánh ram thì vàng rộm và tươi roi rói. Sự hài hòa giữa hai màu sắc cam và trắng tạo nên một tổng thể duyên dáng và bắt mắt.

“Vịn” vào bánh HuếNhọc nhằn bèo - nậm - lọcThưởng thức bánh ram ít, hương vị tuyệt ngon xứ Huế

Bánh ram ít là món ăn hấp dẫn. Ảnh: D. Trương

Bánh ram ít có vị giòn rụm, mặn mà của bánh ram và vị bùi, dẻo, thơm ngọt dìu dịu của bánh ít với phần nhân tôm kho đậm đà, quyện chặt với lớp vỏ bánh, một sự kết hợp độc đáo nhưng không hề lệch phô và đầy ý tứ. Bánh ít chuẩn Huế chỉ nhân tôm chứ không có thịt, mỡ... như những biến tấu khác, có lẽ vì trong bột nếp đã có sẵn vị béo rồi. Bánh làm từ bột nếp như bánh ít, bánh tro, bánh đúc,… thường không quá nặng bụng như bánh làm từ bột sắn hay hiền lành, nhu mì như bánh bột gạo. Bánh ram ít phù hợp cho một bữa quà chiều, ăn làm bữa chính sẽ hơi xót ruột một chút vì… thiếu cơm. Bánh ram ít là món ăn hấp dẫn dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em nhờ hương vị quyến rũ lại rẻ tiền, dễ ăn. Lũ trẻ thường thích những thứ dẻo dẻo, giòn giòn, phải “lao động” răng miệng một chút chứ mềm hay nhiều nước quá lại không ưa.

Bánh ram ít tương đối dễ làm, chỉ cần để tâm, chịu khó học hỏi và yêu Huế là được. Bánh làm từ bột nếp, một loại bột quen thuộc, dễ kiếm trong tủ đồ các bà nội trợ Huế. Bột xay mịn hòa với nước, nhào thật đều tay thành cục lớn, chia ra nhiều phần rồi viên thành từng viên nhỏ, nắn cho dẹt, đặt nhân vào ở giữa rồi khéo léo “tém” lại. Phần bột nếp còn lại hòa ít nước hơn, chiên ngập dầu, xèo xèo, giòn tan trên chảo nóng. Nước mắm ăn kèm với bánh ram ít có độ ngọt vừa phải, được pha với chanh, tỏi, đường, ớt, làm dậy lên mùi vị thanh nhã và thơm ngon của bánh. Bánh ăn vào nghe rồm rộp vui tai, vừa dẻo vừa giòn thật khác biệt. Tôi nghĩ, ngày xưa người ta làm bánh còn dư nhiều bột nên mới nghĩ ra cái phát kiến chiên luôn mẻ bột thừa, không ngờ lại tạo nên một thứ bánh ngon đáo để.

Tôi thích ăn bánh ram ít ở các quán vỉa hè hay gánh hàng rong của các o, các mệ hơn là thưởng thức tại những nhà hàng sang trọng (dù bánh vốn có xuất xứ cung đình cao quý), có lẽ bởi dĩa bánh bình dân với chiếc đòn “di động” đã trở thành một phần của tuổi thơ tôi. Khi các mệ, các o mở tấm nilông bọc ngoài lên, khói nhè nhẹ từ những mẻ bánh mới ra lò xộc lên mũi thơm lừng, ngọt ngào thoang thoảng, những chiếc bánh béo múp dính lấy nhau như không nỡ xa lìa. Các mệ, các o dùng dao cẩn thận chia bánh để không cắt phạm vào phần nhân, kẹp với một miếng ram, bỏ ra dĩa rồi tưới nước mắm, rắc bột tôm và hành lá xắt nhỏ.

Quả thật, những món ăn hình dáng tròn tròn luôn tạo cảm giác thật dễ thương, đủ đầy và bình an, cũng giống như chiếc bánh giầy chàng Lang Liêu cung kính dâng lên vua Hùng để tỏ lòng hiếu kính. Bánh ram ít tuy không nức tiếng xa gần như bánh lọc, bánh nậm nhưng vẫn giữ cho mình một vị trí riêng trong kho tàng ẩm thực Cố đô, là nốt thăng tươi vui trong bản giao hưởng ẩm thực đất kinh kỳ.

Thục Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trứng lộn um bầu

Có một món ăn tôi biết đến đã lâu nhưng chưa có dịp thưởng thức, một phần cũng bởi vì tên gọi không quá hấp dẫn “trứng lộn um bầu”, “trứng lộn xào me” hay “gỏi trứng lộn” có vẻ không kích thích được vị giác của tôi. Vậy nhưng, đến khi biết đây là một món ăn gốc Huế, tôi không ngần ngại mà phải thử ngay.

Trứng lộn um bầu
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

Là điểm nhấn ý nghĩa thu hút du khách và người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không gian trải nghiệm ẩm thực, thơ, áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 tại Công viên Thương Bạc diễn ra từ ngày 27/4- 1/5 đã mang đến một địa điểm vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực các vùng miền trong cả nước, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp cho kỳ nghỉ lễ dài.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top