ClockThứ Hai, 07/10/2019 10:00

Tản mạn về smartphone

TTH - Cách đây 10 năm, tôi không thể tưởng tượng được, có ngày công nghệ lại phát triển như vũ bão và thay đổi hoàn toàn cuộc sống như hiện nay.

Ngày xưa, mà thật ra thì cũng chẳng xưa lắm, ai “tậu”được chiếc Nokia “cục gạch” thì oách phải biết, gia thế hẳn phải khá lắm. Điện thoại ngày ấy là một thứ “hàng hiệu” xa xỉ! Thế mà bây giờ, nó thông dụng và cần thiết như xe máy trên đường phố Việt Nam. Dòng điện thoại smartphone tầm thấp và tầm trung thậm chí còn rẻ hơn điện thoại cơ bản ngày xưa.

Smartphone với sự đa năng và tiện dụng vượt bậc đã khiến nhiều thiết bị điện tử cũng như sách giấy bị thất sủng. Nó mang trong mình nhiều công dụng hấp dẫn: nghe, gọi, nhắn tin (điện thoại cơ bản), ghi âm (máy ghi âm), nghe nhạc, xem video (ipod), soạn văn bản (máy tính), lịch (lịch giấy), xem giờ (đồng hồ), google maps (bản đồ giấy)...  Hơn nữa, smartphone nhỏ gọn, tiện lợi nên ta có thể sử dụng trong mọi tư thế đứng, ngồi, nằm, lái xe,… mọi lúc, mọi nơi.

Chúng ta, những con người hiện đại, đang dần trở thành những con nghiện smartphone. Vài năm trước, trên mạng lan truyền một bức hình ghép đáng suy ngẫm: ảnh trên là một thanh niên nằm dài lướt smartphone, ảnh dưới là một con nghiện đang phì phèo thuốc trên giường. Bức hình ghép hài hước và thâm sâu. Tư thế nằm thể hiện sự lười biếng, mệt mỏi và buông thả bản thân của 2 “con nghiện”. Những con nghiện thời hiện đại nằm “hít” smartphone trong vô thức, bị cuốn vào thế giới ảo đầy ma mị và quyến rũ. Bản chất ban sơ của smartphone không hề độc hại, cũng không phải hàng cấm như thuốc phiện, nhưng bất cứ cái gì khi đi đến mức độ nghiện cũng đều nguy hại.

Ngay cả chính tôi, người đang viết những dòng này, cũng đang vật lộn với chứng nghiện smartphone (cũng may còn khá nhẹ). Tôi không biết từ khi nào, việc vớ lấy chiếc điện thoại mọi lúc, mọi nơi đã trở thành thói quen khó bỏ. Tôi đang cố gắng “cai nghiện” bằng cách tắt sóng wifi khi không cần thiết, tạm rời xa các thiết bị công nghệ, đến tủ sách lấy một cuốn sách hay một quyển tạp chí đang đọc dở, xuống nhà trò chuyện cùng bố mẹ, chơi với em mèo. Hay lấy xe máy dạo một vòng quanh Huế, ngắm nhìn cuộc đời sinh động và tươi sáng.

Công nghệ thông tin khiến thế giới ngày càng thu nhỏ, nhưng đời sống tình cảm giữa con người lại kém mặn mà hơn trước. Thời “quả táo” chưa làm mưa làm gió, khi có dịp rỗi, con người không có việc gì khác hơn là giao lưu trực tiếp. Tình cảm vì thế mà gắn bó và khăng khít hơn. Độc giả, đã bao lâu rồi bạn không còn thói quen bỏ một cuốn sách nhỏ trong túi? Không phải ngẫu nhiên mà những nhà xuất bản phát hành những phiên bản sách mini, chúng nhỏ gọn, nằm ngoan ngoãn trong túi và theo chân bạn đi khắp mọi nơi.

Khi đọc sách, chúng ta tự chủ việc trong việc thu nạp kiến thức, quan tâm đến lãnh vực nào thì ra hiệu sách hoặc lên thư viện nhờ bác thủ thư tìm giúp. Bị “lạc” trong một thư viện sách cũng là một cảm giác dễ chịu, vì bạn chỉ đang lạc vào thế giới tri thức đã được chọn lọc kỹ càng mà thôi. Thế nhưng, lạc giữa một rừng thông tin trên Internet thì mệt mỏi vô cùng, bạn bị cuốn theo những thứ linh tinh, thượng vàng hạ cám, những thông tin khiến chúng ta hoang mang, khó chịu nhưng khó lòng thoát ra được. Chúng ta có thể mê mẩn sách nhưng không bị dán mắt vào nó một cách không kiểm soát. Những trang giấy tinh tươm cũng chiều chuộng cửa sổ tâm hồn hơn

Internet là một thế giới kỳ diệu. Nhưng những trang giấy chân phương, nhũn nhặn hay cuộc sống muôn màu muôn vẻ ngoài kia cũng đầy những điều tuyệt diệu cần ta khám phá. Quá đắm chìm trong thế giới ảo, liệu rằng ta có đang bỏ quên thế giới sinh động ngoài kia. Hay buồn hơn nữa, là thế giới tâm hồn của ta, một thế giới cần ta chăm sóc và khám phá.

Hãy sử dụng smartphone hiệu quả để phát huy tối đa sức mạnh công nghệ và giữ được sự kết nối với mọi người nhé!

Lê Thục Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tản mạn về phố hàng

Danh xưng Hà Nội 36 phố phường được hình thành từ thời Thăng Long là kinh thành – Thủ đô của Việt Nam. Từ khi Huế là thủ phủ của Đàng Trong cho đến khi là Kinh đô của nước Việt thống nhất chỉ có một phường là Phường Đúc, và vài phố đếm được trên đầu ngón tay là phố Chợ Dinh, phố Gia Hội, phố Hàng Đường, phố Hàng Bè, phố Hàng Me. Bây giờ không còn tên phố, hàng nữa nhưng nó vẫn hiện hữu trên những di tích và những ngôi nhà cổ. Ở một khía cạnh khác nó đã đi vào tâm hồn, tình cảm những người “muôn năm cũ”.

Tản mạn về phố hàng
Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt ở tất cả các vùng miền khác nhau trên cả nước và đều là những món ngon trứ danh. Từ Bắc chí Nam, vùng nào cũng đều gọi là bún.

Tản mạn hành trình bún Việt
Tản mạn về nhân tài

Suốt nhiều năm qua, chúng ta thường bàn chuyện thu hút nhân tài và cơ chế nào để thu hút được. Trên bình diện quốc gia cũng đặt ra vấn đề này và nhiều địa phương cũng vậy.

Tản mạn về nhân tài
Tản mạn chuyện quán xá

Nhiều quán bán hàng đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng khách với sự phục vụ tận tình, chu đáo.

Tản mạn chuyện quán xá

TIN MỚI

Return to top