ClockChủ Nhật, 18/08/2024 12:19

Thả lưới ven bờ

TTH - Chờ gần 2 giờ đồng hồ trên bãi biển xã Giang Hải (Phú Lộc), anh Thuận mới bắt đầu thu lưới. Trớ trêu thay, tấm lưới khi kéo lên trên tay anh chỉ le te vài con cá nhỏ. Trong khi chỉ cách vài trăm mét gần đó, tấm lưới của anh Hải lại mắc chi chít cá đang chờ được gỡ.

Hiện đại hóa đánh bắt xa bờĐánh bắt xa bờ bội thu

 Thành quả của cả kỹ năng và vận may

Cừ khôi

Thả lưới ven bờ là hoạt động đánh bắt cá được ưa chuộng lúc biển động, nước biển ngả màu và cá vào gần bờ kiếm ăn. Nhiều người chuộng thả lưới một mình, cũng có người huy động 2 – 3 người cho một tay lưới với kích cỡ lớn hơn. Vì dễ dàng linh động thời gian, ngư cụ đơn giản và rủi ro thấp, hoạt động này thu hút cả những ngư dân kỳ cựu và các tay ngang là những người đam mê trải nghiệm tự tay đánh bắt cá.

Đã 2 giờ rưỡi chiều, trời vẫn còn nóng oi, dù mây giông kéo tới nhưng khả năng mưa lớn là rất ít. Sau khi tỉ mỉ quan sát kỹ mặt nước biển, màu nước và bầu trời, anh Hải quyết định sẽ thả lưới ngay đoạn sát bờ kè, nơi những con sóng đang ì oạp vỗ vào bê tông.

Vừa soạn sửa trang bị, anh vừa hài hước nói: “Dù thả lưới đã hơn 3 năm, nhưng tôi cũng chỉ là tay ngang mà thôi chứ chẳng phải là ngư dân “chính hiệu”. Cứ từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, khi nước biển ngả màu vàng đục, không thấy rõ cát là lúc thích hợp cho những ai ưa thích hoạt động này. Đồ nghề của tôi bao gồm 2 tay lưới, một chiếc áo phao và… chính tôi. Sau khi đi dò ra khoảng cách phù hợp, nước sâu tầm ngang ngực, tôi sẽ rải lưới lần lần theo hướng vuông góc với bờ biển”.

 Lội ra xa để thả lưới

Dù tự nhận mình là tay ngang, thế nhưng với kinh nghiệm được tích lũy, anh Hải vẫn dễ dàng bơi ngửa với sự hỗ trợ của áo phao, vượt những con sóng đánh ngược để thả dần lưới ra xa. Sau khi yên tâm về vị trí của tấm lưới đầu tiên, anh bơi trở ngược vào bờ, tiếp tục thuần thục rải tấm lưới thứ hai cách đó tầm 50 mét, bất chấp cơn mưa giông đang từ từ kéo đến.

Dù được mệnh danh là nghề “làm chơi ăn thiệt”, thế nhưng để cuộc thả lưới thành công, kinh nghiệm và kỹ thuật như anh Hải là yếu tố không thể thiếu. Ông Vương, một ngư dân kỳ cựu cho biết: “Tuy là nói làm chơi, nhưng trong việc chơi ấy vẫn phải có những kinh nghiệm và kỹ thuật nhất định để người thả lưới thu được thành quả. Tùy vào con nước, thời gian và thời điểm, các tay lưới sẽ quyết định có nên thả hay không, thả vào lúc nào, ở khu vực nào và nên dùng loại lưới gì để nhắm tới loại cá cụ thể muốn bắt. Các loại cá này được nhắm đến theo mùa, thời điểm nhất định trong ngày hoặc thời tiết ngay lúc thả lưới”.

Vận may

Ngay từ đầu nhắm đến cá đục (loại cá có kích thước nhỏ, thân dài, thịt chắc, thơm ngon) anh Hải đã dùng lưới một màng để dễ đóng (mắc) cá. Anh cho biết: “Lưới một màng với các mắt lưới nhỏ là loại chuyên dùng cho cá đục. Những loại cá khác như cá ong căng, cá chang, cá ngát, cá kình, mỗi loại sẽ phù hợp với số màng lưới cũng như kích thước mắt lưới khác nhau”.

Với sự tiện lợi của các sàn thương mại điện tử, người thả lưới ven bờ có thể mua các loại lưới với giá chỉ từ 100 nghìn đồng cho 100 mét lưới. Thế nhưng với ngư dân sành sỏi, họ sẵn sàng chi tiền trăm, đôi lúc cả triệu đồng cho các loại lưới tự đan tại nhà. Ông Vương nói: “Lưới tự đan ngoài kỹ thuật tốt, mắt lưới đều, chắc chắn thì dây lưới cũng bền, to và căng hơn. Ngoài ra, phao to, chì tốt, nặng cũng góp phần gia tăng tỷ lệ dính cá, hạn chế trôi lưới nên giá thành như thế là rất phải chăng”.

Khác với anh Hải dùng lưới một màng, anh Thuận sử dụng lưới ba màng (ba lớp mặt lưới). Thế nhưng do sóng quá lớn, dòng nước chảy mạnh, lưới của anh đã bị đánh trôi lệch ra khỏi vị trí mong muốn. Vì thế lưới dính rất ít cá. Ngược lại, tay lưới của anh Hải lại trĩu cá, nặng đến 5 - 7kg. 

Nghề thả lưới gần bờ thường chia làm hai đợt, đó là vào lúc 3 - 4 giờ sáng và 2 - 3 giờ chiều. Đây là thời điểm cá xuất hiện nhiều và con nước phù hợp để đẩy lưới đi, qua đó tăng tỷ lệ cá mắc vào. Ngoài kỹ năng thả lưới, cần phải có cả kỹ năng thu và gỡ lưới để vừa gom được cá, vừa không gây rối hay rách lưới. Mỗi đợt thả, trung bình các tay lưới có thể thu được 2 - 3kg cá (giá dao động từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng/kg tùy loại cá), nếu gặp trúng đàn cá và con nước tốt có thể lên tới 7 - 8kg, thậm chí hơn 10kg. Tuy nhiên, vẫn có những mẻ lưới chỉ một vài con, thậm chí không mắc một con cá nhỏ nào.

“Bởi thế, đôi khi dựa vào kỹ thuật, kinh nghiệm, ngư cụ tốt vẫn chưa đủ, với những ai thả lưới ven bờ, ngoài tay nghề ra thì may mắn vẫn là điều không thể thiếu để thu lộc biển”, ông Vương đúc kết.

Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về

TIN MỚI

Return to top