ClockThứ Bảy, 29/10/2022 05:50

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

TTH - Việc triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện và cơ sở y tế, tạo nên những tiện ích cho khách hàng trong quá trình khám, chữa bệnh.

Tiện ích khi thanh toán học phí không dùng tiền mặtTự tin trong thanh toán không dùng tiền mặt - Bài 2: Lực đẩy từ nền hành chính côngTự tin trong thanh toán không dùng tiền mặt - Bài 1: Cú hích từ thói quen tiêu dùng

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho bệnh nhân và người nhà

Tiện ích

Đưa mẹ đi cấp cứu ngay trong đêm nên chị Phạm Thị Lành chỉ có sẵn 1 ít tiền mặt sử dụng trong chi tiêu. Vì thế, khi bệnh viện yêu cầu nộp tiền viện phí cho mẹ, chị khá bối rối.

"Lần đầu lên bệnh viện lại không có sẵn tiền mặt nên tôi phải hỏi thăm khá nhiều về vị trí đặt cây ATM tại bệnh viện để có thể rút tiền mặt. Cho đến khi được người nhà bệnh nhân giường bên cạnh cho biết, bệnh viện có thanh toán theo nhiều hình thức trực tuyến, không nhất thiết phải đi rút tiền mặt, tôi mới thoải mái một chút" - chị Lành chia sẻ

Theo chị Lành, lâu nay bản thân không còn có thói quen cầm nhiều tiền mặt, đa phần đều giữ trong tài khoản, cần mua sắm gì thì chuyển khoản hoặc quẹt thẻ. Việc bệnh viện phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) như thế này rất tiện. Chỉ cần có điện thoại thông minh để quét mã QR hay chuyển khoản là đã có thể nhanh chóng và tiện lợi thực hiện việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Lợi ích của TTKDTM trong tiêu dùng là điều ai cũng thấy, nhất là trong khi sử dụng các dịch vụ y tế. Thay vì xếp hàng đến lượt thanh toán thì sau khi có thông tin về viện phí, bệnh nhân chỉ cần thao tác bằng tài khoản ngân hàng trên điện thoại hoặc máy cà thẻ ngân hàng di động là đã có thể hoàn thiện thủ tục. Với những lợi ích đó, thời gian qua các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai TTKDTM đối với các dịch vụ y tế. Điều này còn giúp giảm áp lực không nhỏ cho bệnh nhân trước nỗi lo mất an toàn khi phải mang theo nhiều tiền mặt.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm 2021, các thiết bị chấp nhận thẻ POS, ứng dụng mã QR Code đã được lắp đặt 9 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; 13 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được lắp đặt máy ATM. Đối với dịch vụ thu viện phí, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) triển khai thanh toán qua Internet banking/Mobile banking với tất cả các thẻ như VISA, MASTERCARD của 17 ngân hàng chấp nhận.

Những cái bắt tay

Không chỉ vậy mà mới đây, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Huế phối hợp với BVTW Huế cho ra mắt các phương thức TTKDTM tại BVTW Huế Cơ sở 2. Trước đó, ngân hàng này đã phối hợp cùng BVTW Huế tập trung nguồn lực, xây dựng giải pháp, liên thông, kết nối với các bên liên quan để triển khai thành công các phương thức này tại BVTW Huế và Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế.

Theo đó, các phương thức thanh toán trực tuyến đang được Vietcombank chi nhánh Huế triển khai tại BVTW Huế bao gồm thanh toán QR code (thông qua mã QR được tạo ra tương ứng với từng hóa đơn y tế), và khách hàng sử dụng các ứng dụng ngân hàng số để thanh toán. “Thanh toán Billings” là giải pháp thanh toán hóa đơn viện phí trên kênh Digibank của VCB tương tự, như thanh toán hóa đơn điện, nước, vé máy bay, vé tàu… Hoặc bệnh nhân cũng có thể “Thanh toán POS” để sử dụng thanh toán bằng tất cả các loại thẻ, bao gồm thẻ tín dụng quốc tế và thẻ ghi nợ quốc tế.

Các thông tin giao dịch sẽ được chuyển đổi trực tiếp từ hệ thống thu phí của Bệnh viện vào máy EDC (thiết bị điện tử dùng để cấp phép và xử lý trực tuyến các giao dịch thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ). Cán bộ tại quầy bệnh viện không cần nhập tay số tiền thanh toán trên EDC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu sai sót.

Ông Vũ Văn Hòa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank chi nhánh Huế cho biết, với các giải pháp thanh toán đã được triển khai, bệnh nhân và người nhà có thể dễ dàng thanh toán viện phí mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, chúng tôi mong muốn được đóng góp vào thành công chung của quá trình chuyển đổi số của ngành y tế.

BVTW Huế còn triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, như: quét mã QR Code offline, thanh toán qua máy chấp nhận thẻ POS tại các quầy thu ngân, thanh toán qua Internet Banking,… để người bệnh và người nhà lựa chọn phương thức TTKDTM phù hợp.

GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện luôn quan tâm đến việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực hoạt động. Riêng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thanh toán sẽ giúp cho việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng. Từ đó, tiết kiệm nguồn nhân lực, giảm thiểu rủi ro liên quan đến quản lý tiền mặt và đặc biệt là thuận lợi cho người bệnh và người nhà chủ động trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trực tuyến mọi lúc, mọi nơi khi đến khám chữa bệnh tại BVTW Huế.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, việc các bệnh viện, cơ sở y tế chủ động lựa chọn, phối hợp các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để triển khai hạ tầng, hoàn thiện quy trình, tổ chức thực hiện thu phí, dịch vụ khám, chữa bệnh bằng phương thức TTKDTM là một bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế nói riêng và chuyển đổi số ngành y tế nói chung.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
“Mua sắm xanh, sống trong lành”

Với mục tiêu trên, sáng 3/7, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam với sự tài trợ của WWF-Nauy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam) phối hợp với siêu thị Co.op Mart Huế (Saigon Co.op), siêu thị GO! Huế (Central Retail Việt Nam) tổ chức sự kiện “Tháng không túi nilon”. Đến dự có ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế, cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan.

“Mua sắm xanh, sống trong lành”
Return to top