Thứ Bảy, 01/12/2018 12:51
(GMT+7)
Thấu hiểu mẹ cha
TTH - Không phải người con nào cũng thấu hiểu suy nghĩ tình cảm của mẹ cha lúc về già. Vậy nên, ngay những việc con làm vì hiếu nghĩa, nhằm đem lại điều tốt đẹp cho cha mẹ nhưng không phải lúc nào cũng được chấp nhận, thậm chí còn khiến bậc sinh thành buồn bực.
Đầu tiên phải kể đến việc nhiều người ở phố muốn về quê đón cha mẹ lên ở cùng để tiện phụng dưỡng nhưng trong nhiều trường hợp ý định ấy không dễ thực hiện. Đơn giản là người già không muốn rời không gian quen thuộc cùng các mối quan hệ sâu nặng đã gắn bó cả đời ở quê và không thích sự ồn ào náo nhiệt nơi phố thị. Lắm người lên phố ở với con được vài ngày đã đòi về; thậm chí còn mô tả việc ở nhà con giống như bị “giam lỏng” bởi người nhà đi học đi làm cả ngày, cổng thì khóa khiến họ thui thủi đi ra đi vô rồi chỉ làm bạn với ti-vi, trong khi không quen xung quanh nên buồn chán. Bởi không hiểu nỗi buồn tha hương của người già nên có khi con còn trách cha mẹ cứ “bám trụ” ở quê, với cuộc sống đạm bạc và từ chối sự đủ đầy khi ở cùng con cháu. Trong trường hợp phải theo con sống xa quê lúc về già, cha mẹ thường không thỏa mái; thậm chí có người còn lo khi qua đời không được an táng nơi cố hương. Đã thế, mong muốn của con nhằm đem lại điều tốt đẹp cho cha mẹ khi đưa họ rời quê không phải lúc nào cũng đạt được.
Nhiều người con lấy làm khó hiểu khi cha mẹ cứ tham công tiếc việc, không chịu “ở không cho sướng” lúc tuổi già. Người nghèo lam lũ đã đành, ngay những người khá giả, cả đời dành dụm nên có tiền bạc kha khá hoặc được con chu cấp đầy đủ nhưng vẫn thích lao động. Người ở phố có thể bận rộn với gian hàng xén, gánh hàng ăn hoặc ngồi bên tủ thuốc lá hay mớ trứng luộc hằng đêm; người ở quê thì chắt chiu từ bó rau, con gà, quả trứng. Làm việc trong trường hợp này không hẳn vì vật chất mà chủ yếu đem lại niềm vui được giao lưu, được thấy cuộc sống của mình còn ý nghĩa. Mẹ tôi gần 90 tuổi nhưng vẫn ham làm việc. Việc hàng ngày của cụ là quét lá rụng và nhổ cỏ trong vườn; vườn rộng nên làm hết đợt này lại quay làm đợt khác. Các con khuyên nên nghỉ ngơi nhưng cụ không nghe, lại còn bảo lao động sẽ ăn ngủ được, lại thấy khỏe ra. Quả đúng thế, mỗi lần về thăm nhà thấy lá rụng đầy vườn và cỏ mọc um tùm là tôi biết sức khỏe của mẹ đang có vấn đề đáng lo. Đã vậy, ngăn cản cụ làm việc khác nào ngăn cản một nhu cầu chính đáng, một thói quen tốt.
Thích sống gần con cháu nhưng cần sự tự do cũng là đặc tính của nhiều người già mà không phải người con cũng hiểu. Lắm khi nhà con hoành tráng kế bên và con năn nỉ ở cùng nhưng mẹ cha vẫn thích ở trong ngôi nhà nhỏ của mình để được thỏa mái, tự do. Có người con sợ hàng xóm dị nghị nên cố thuyết phục mẹ cha ở cùng nhưng như thế hóa ra đi ngược lại mong muốn của các cụ.
Thiết nghĩ, cùng với lòng yêu kính, người làm con cần thấu hiểu mẹ cha để tôn trọng và sẻ chia với các cụ lúc tuổi già.
Nguyễn Trọng Hoạt