ClockChủ Nhật, 19/11/2023 15:32

Thế giới tí hon qua ống kính macro phone

TTH - Am hiểu kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn thận và cả vận may, đó là những tiêu chí căn bản để “theo” bộ môn macro phone - chụp ảnh cận cảnh bằng ống kính macro trên các dòng điện thoại thông minh (smartphone).

Giới trẻ thích thú chụp ảnh áo dài tết

Khoảnh khắc đẹp từ ống kính macro phone 

Đa sắc màu

Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi xem những bức ảnh macro chụp côn trùng, hoa, giọt sương từ chiếc điện thoại của anh Lê Thanh Tâm (TP. Huế). Là một trong những tay máy đam mê thế giới côn trùng đầy màu sắc và sống động, anh đã dành riêng 4 năm để rèn giũa kỹ năng sử dụng lens macro và cả điện thoại thông minh để cho ra đời những bức ảnh đẹp.

Anh Tâm cho biết: “Tất cả lens macro tôi sử dụng đều được chế từ lens máy ảnh. Ưu điểm của lens chế đó là bức ảnh có chiều sâu hơn và độ sắc nét cũng vượt trội hơn rất nhiều so với điện thoại thông thường”.

Biết đến macro phone thông qua một diễn đàn chụp ảnh đẹp, từ đam mê của mình, anh Lê Thanh Tâm đã sắm sửa các dụng cụ cần có để có thể “săn” những khoảnh khắc thú vị của các loại côn trùng. Anh chia sẻ: “Để theo bộ môn này, người chơi cần điện thoại thông minh, gậy selfie, các loại lens khác nhau như lens tiêu cự 4cm, 5cm, 6cm, 8cm... Trong đó, phổ biến nhất vẫn là loại lens có tiêu cự 6cm. Khi lắp vào điện thoại, loại lens này sẽ chụp được mẫu có chiều dài từ 1 - 3cm. Đây cũng là một trong những kích thước thường thấy của côn trùng từ các loại sâu, bướm nhỏ, bọ cánh cứng đến chuồn chuồn”.

Thông qua những bức ảnh của anh Tâm, cả một thế giới đầy sắc màu của côn trùng đã hiện ra vô cùng sống động. Đó là những chú nhện được đặc tả chi tiết đến từng cọng lông trên chân, họa tiết trên thân mình, những con ruồi được phóng to với sắc màu rực rỡ, một chú bọ ngựa non đang thư giãn trên cách hoa hay con bọ cánh cứng đang ngủ vùi trên một cọng cỏ.

Anh kể: “Nhìn bằng mắt thường, chúng đều giống như những gì tôi quan sát hàng ngày. Chuồn chuồn bay nhanh không thấy rõ, những con ruồi lướt qua như những chấm đen. Các loại bọ nhỏ bé. Thế nhưng khi thông qua ống kính macro, với hiệu ứng từ sự phóng đại lên hàng chục lần và cả những khoảnh khắc tuyệt vời của tự nhiên, trong tôi trào lên niềm hạnh phúc và những cảm xúc khó tả. Đó là thế giới tí hon rực rỡ, màu nhiệm y như trong truyện cổ tích”.

Gắn kết đam mê

Để thu được những hình ảnh sắc nét và thú vị nhất về thế giới côn trùng không hề dễ dàng. Các tay máy macro phone vừa phải tìm những địa điểm có nhiều côn trùng như đồng ruộng, bờ bụi um tùm, vừa canh thời điểm để chụp. Vốn nhạy cảm, các loài ong, bướm, ruồi hay các loại bọ thường di chuyển rất nhanh khi có con người xuất hiện. Bởi thế, dù kỹ thuật có thành thục đến đâu, vận may vẫn là một trong các yếu tố căn bản để có được một bức ảnh macro hội tụ đủ các tiêu chí đẹp về nhân vật, môi trường, bố cục, độ sắc nét...

Anh Tâm nói: “Trong những năm qua, số lần tôi cùng bà xã (cũng là người đam mê bộ môn này) đi đến các cánh đồng để chụp ảnh là không đếm xuể. Trong khi đó, lens macro đặt cự ly cách mẫu tốt nhất chỉ từ 2 - 5cm tùy loại. Bởi thế để tiếp cận côn trùng đã khó, để chụp ảnh đẹp lại càng khó hơn nhiều. Dù có gậy selfie hỗ trợ nhưng tỷ lệ thành công của các buổi chụp là không cao. Có nhiều hôm, dù chụp được hàng trăm tấm ảnh nhưng vợ chồng tôi vẫn không lựa chọn được bức ảnh nào ưng ý”.

Những hôm may mắn, anh Tâm có thể chụp được nhiều loại mẫu khác nhau. Từ côn trùng, các loại hoa dại đến các loại cây có kích thước nhỏ. Ngoài chụp ảnh tự nhiên, các tay máy macro phone có thể tự sắp đặt những loài côn trùng mẫu tại nhà. Tỷ lệ thành công có được những bức ảnh đẹp cao hơn, nhưng vẫn có ít người lựa chọn, bởi đối với mỗi người đam mê thể loại này, vẻ đẹp riêng có của tự nhiên vẫn được đặt lên hàng đầu.

Từ macro phone, anh Lê Thanh Tâm đã phát triển niềm đam mê của mình. Không chỉ các loại côn trùng, anh còn mua sắm thêm các trang thiết bị chuyên nghiệp để chụp phong cảnh và các loại chim. Đặc biệt, anh còn trở thành quản trị viên của Khoảnh khắc, đây là một trang Facebook chuyên dùng để đăng tải những bức ảnh đẹp, từ đó chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa niềm đam mê của các tay máy đến gần hơn với nhiều người.

Bài: Mai Huế - Ảnh: Thanh Tâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Return to top