Đa dạng
Không khó để tìm những trang web, mạng xã hội giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn cách đan móc len, sợi. Trò chuyện với chị Nhật Phương (30 tuổi, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), người có thâm niên 15 năm gắn bó với len sợi khiến chúng tôi ngỡ ngàng. “Ai đam mê nghề ni phải kiên nhẫn. Chỉ có kiên nhẫn mới theo đuổi được”, chị Phương mở đầu câu chuyện. Theo lời chị, đan móc len, sợi có từ rất lâu. Hồi nhỏ chị học theo mẹ rồi tập tành tự đan áo, khăn choàng. Lớn lên vì đam mê mà theo đuổi rồi kinh doanh. Chị cho hay, học thì nhanh, ba buổi hay 1 tuần là có thể đan, móc được cái áo, túi xách. Nhưng vấn đề làm thế nào cho cái áo, túi xách đó có hồn, người đan lẫn người dùng cũng thích mới quan trọng.
Một chiếc áo cùng với mũ mang phong cách thời trang mùa hè được móc bằng chất liệu sợi khá đẹp mắt dành cho những bạn nữ
Đan len thịnh về mùa đông. Riêng móc sợi thịnh với tất cả các mùa trong năm. Những mặt hàng được người dùng, nhất là giới trẻ yêu thích là ví, túi xách, khăn choàng cổ, bikini, áo dài, đầm, mũ vành, chăn, ra, gối, dày len, áo quần trẻ em… Ngoài một số mẫu truyền thống, để tăng thêm yếu tố thẩm mỹ, đa dạng, phải tự tìm tòi tài liệu, hình ảnh để bổ sung họa tiết, cách điệu cho từng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hoài (28 tuổi, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền), sống bằng nghề đan len kể, tùy vào sở thích của khách hàng để đan, móc các mẫu mã khác nhau với nhiều chất liệu như sợi dù, sợ thô, sợi cacbon, sợi bóng, sợi tơ tằm… được nhập khẩu từ Ý, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Với chị Hoài, khó và mất thời gian nhiều nhất là móc áo dài đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng, khéo léo và tỉ mỉ. Chỉ cần móc sai một mũi thì phải tháo ra để làm lại từ đầu”, chị Hoài nói về độ khó khi móc áo dài.
Về giá cả, tùy vào sản phẩm, nguyên liệu mà dao động từ 200.000 đến vài triệu đồng. Ví dụ như mũ có giá 200.000 – 250.000 đồng/cái, bikini 250.000 – 350.000 đồng/bộ, áo dài 2-3 triệu đồng/bộ… Theo những người trong nghề, ưu điểm của việc sử dụng trang phục, đồ thời trang bằng len, sợi là chất liệu tự nhiên nên độ bền tốt và mát, có thể tự lên ý tưởng để thiết kế, đặt hàng người đan móc, không lỗi mốt giá cả lại phải chăng. Ngoài những sản phẩm nói trên, những người trong nghề đan móc len, sợi còn hướng đến các sẩn phẩm trang trí trong nhà mà thị trường đang rất ưa chuộng như rèm cửa, khăn bàn và thậm chí là tranh đan bằng len, sợi.
Người tiêu dùng yêu thích
Sản phẩm đan móc cũng được giới trẻ các tỉnh phía Nam như Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh đặt hàng vì mẫu mã phong phú, giá cả phải chăng. Để kịp cung ứng hàng, chị Phương, chị Hoài đã mở các lớp dạy nghề miễn phí cho nhiều bạn sinh viên, học sinh, các bà nội trợ. Ngoài việc truyền nghề, còn tạo công ăn việc làm và thu nhập trong thời gian rảnh. Bạn Nguyễn Thị Tiên, SV năm 4, ĐHSP Huế kể lúc mới học móc không quen, nhiều lúc một sản phẩm phải tháo đi tháo lại 5 – 7 lần, mất nửa tháng mới hoàn thiện. Đến nay thì Tiên có thể đan áo, mũ, khăn…thành thục. “Thu nhập của em một tháng nhờ nghề đan móc len, sợi cũng được từ 1,5 – 2 triệu đồng, ngoài lo cho việc học còn phụ giúp được gia đình phần nào”, Tiên chia sẻ. Không chỉ vậy, tự tay đan móc một sản phẩm bằng len để tặng người thân, bè bạn sẽ cảm thấy thích thú, ý nghĩa hơn. Nhiều khách hàng dùng sản phẩm từ len, sợi không khỏi trầm trồ khen ngợi bởi ngoài tính công phu chính là độ bền.
Theo Giảng viên Nguyễn Xuân Hoài, Tổ trưởng tổ Thiết kế thời trang (Khoa Mỹ thuật ứng dụng – Trường đại học Nghệ thuật Huế) việc sử dụng các chất liệu từ len, sợi vào thời trang đã xuất hiện từ lâu và được hầu hết người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi đón nhận. Trước hết người ta sử dụng len, sợi trong thời trang với mục đích giữ ấm, đặc biệt vào mùa thu đông khi tiết trời trở se lạnh, đây là một trong những chất liệu có khả năng giữ ấm cực tốt, giúp bảo vệ cơ thể khi nhiệt độ giảm thấp. Thứ hai là thị trường ngày nay với kĩ thuật dệt sợi đã trở nên hiện đại, các mẫu mã len, sợi ngày càng phong phú và đáp ứng được tính thời trang nên được đông đảo người tiêu dùng yêu thích.
PHAN THÀNH