ClockChủ Nhật, 07/10/2018 09:46

Thú chơi“ném... tiền lên trời”

 

 

Yêu thích vóc dáng dũng mãnh, tốc độ như “tên lửa” cùng những cú chao liệng trên không đẹp mắt, những người chơi chim săn mồi ở Huế thỉnh thoảng có những buổi “offline” để cùng chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi dưỡng, thuần phục cũng như tránh bị “ném tiền lên trời”...

 

Như nuôi “con mọn”

Sáng chủ nhật, một góc đường Huỳnh Thúc Kháng đông đúc hẳn. Trong đám đông đang tụ tập trên vỉa hè, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng còi “te... te...”, và mọi ánh mắt dồn lên cây dừa cao nghễu nghện sát bờ sông. Chú mục thật lâu mới thấy một chú đại bàng ưng đang lấp ló trên tán lá khô, thỉnh thoảng ngó nghiêng quan sát phía dưới bằng ánh mắt sắc lẻm.

Bên dưới, chủ nhân tiếng còi một tay đeo găng, một tay vung vung miếng thịt như để hấp dẫn ánh mắt của chú chim. Rồi tiếng còi mỗi lúc mỗi thúc giục hơn. Nhưng sau hơn nửa tiếng, chú đại bàng ưng vẫn không phản ứng. Lúc này, đám đông hiếu kỳ trên vỉa hè đã tản đi, chỉ còn lại 3 người. Bàn bạc một hồi, một người trong nhóm chạy đi lấy câu liêm, nối thêm một sào tre. Sau một lúc loay hoay, chiếc câu liêm mới móc được vào sợi dây da buộc ở 2 chân chú chim để kéo xuống.

 

Anh Nguyễn Châu Hân và chú đại bàng ưng 3 năm tuổi của mình
 

Gạt mồ hôi, anh Nguyễn Châu Hân, chủ nhân của chú đại bàng ưng thở phào: “Tí nữa thì mất mười mấy triệu. Bình thường chỉ cần nghe còi lệnh là nó bay về. Chắc tại sáng nay cho ăn no quá nên nó “lơ” mình”. Nói rồi, nhóm 3 người cùng chú chim quay xe về quán cà phê cóc dọc bờ sông Gia Hội – địa điểm gặp mặt vào mỗi chủ nhật hàng tuần của hội chơi chim săn mồi Huế với gần 100 thành viên, được thành lập khoảng 1 năm nay.

Anh Hân nhà ở đường Tô Hiến Thành, nuôi chú đại bàng ưng từ lúc còn đỏ hỏn, đến nay đã được 3 năm. Tầm 10 năm trước, anh cũng nuôi vài ba con, nhưng không con nào giữ được lâu, đa phần đều bay mất. “Những lúc như vậy tiếc lắm. Mất tiền không nói, nhưng với mình thì chim cũng như chó, mèo..., là đứa con tinh thần nên quyến luyến, có tình cảm”. Thời gian sau, thông qua mạng xã hội, anh Hân kết nối được một số người có cùng niềm đam và cũng từng... để chim bay mất. Họ gặp nhau, thành lập Hội Chim săn mồi Huế để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng, thuần phục loài chim được mệnh danh là “vua bầu trời”.

 

Hai chú ưng Ấn Độ tại buổi offline của Hội chim săn mồi Huế
 

Chim săn mồi là tên gọi chung cho các loài như: ưng, cắt, đại bàng, ó biển, cú..., mỗi loài được chia ra nhiều “chi”. Như ưng Ấn Độ, đại bàng ưng...; cắt nhỏ, cắt Pere (cắt lớn); đại bàng núi, đại bàng bụng hung, đại bàng thảo nguyên... Để sở hữu “vua bầu trời”, người chơi phải bỏ ra từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo “đẳng cấp” từng loài. Như ưng Ấn Độ, giá cả xê xích từ 1,3 triệu – 2 triệu đồng/con tùy vào chim non và chim bổi (chim lớn mới bắt về). Nhưng nếu là đại bàng núi, chim non thấp nhất cũng vài chục triệu đồng, còn chim trưởng thành có thể lên đến 200-300 triệu đồng/con.

 

Găng tay da 3 lớp, lục lạc, thịt tươi - đồ nghề cơ bản để huấn luyện chim săn mồi

“Hiện ở Huế, đa phần đều là người mới tập nên chủ yếu chơi chim ưng Ấn Độ, đại bàng ưng, diều lửa – những loài có giá tương đối mềm. Có lẽ, sau một thời gian, nếu thấy tự tin với khả năng huấn luyện của mình thì họ mới bỏ ra số tiền lớn để sở hữu những loài đẳng cấp hơn”, Minh Thuận – thành viên Hội chim săn mồi Huế cho biết.

Nuôi dưỡng “vua bầu trời” chẳng khác nào nuôi con mọn. Từ chú chim bông gòn (chim non), người chơi phải thiết kế chỗ ở thoáng sạch và mát mẻ vào ban ngày, ấm áp và yên tĩnh vào ban đêm, thức ăn chủ yếu là chim cút, chuột, rắn..., tránh cho ăn quá nhiều thịt heo và thịt bò. Mỗi ngày, 7-8h sáng phải đem ra phơi nắng để chim hấp thụ vitamin D, calcium. Lúc cho ăn phải cắt nhỏ thức ăn sao cho vừa miệng chim, loại bỏ những xương sắc nhọn, một ngày cho ăn 3-4 lần. Ăn xong, dùng bình xịt cho chim uống nước và vệ sinh móng vuốt rồi cho nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát...

 

Một chú ưng Ấn Độ

Đến thời điểm chim có thể huấn luyện được, người chơi phải tập luyện cho chim thuần thục 4 bước: Đứng và ăn trên găng, qua tay, vồ mồi trên không và săn trong môi trường tự nhiên với thời gian từ 1-3 tháng, nhưng có người mất cả năm ròng. Giai đoạn này, phải sắm găng tay, chụp đầu, lục lạc, còi lệnh. Cuối cùng, nếu sở hữu một chú chim với giá trị hàng trăm triệu đồng, người chơi nhất thiết phải sắm cho mình bộ định vị GPS để có thể tìm lại “đứa con tinh thần” nếu chẳng may bị bắt trộm hoặc bay mất.

Chim săn mồi nói chung thông minh, rất quyến luyến người nuôi. Tuy nhiên, nếu người nuôi tỏ thái độ áp đặt quá mức, hay to tiếng, dọa nạt trong giai đoạn huấn luyện thì chú chim hoặc là không chịu hợp tác, nghe theo hiệu lệnh, hoặc là một đi không trở lại. “Ngoài việc phải tìm hiểu tập tính từng loài, nếu không có tính kiên nhẫn, tốt nhất đừng theo đuổi thú chơi này. Bởi sau khi bỏ một đống tiền, thời gian và cả tình cảm để nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện mà chim không nghe lời, bỏ người nuôi bay đi thì khác nào cầm tiền ném lên trời”, Lê Đức Thuận – Hội trưởng Hội chim săn mồi Huế ví von.

Bỏ tiền triệu săn... chuột

Tầm 2h30 chiều, trên cánh đồng vừa mới gặt ở Quảng Điền, hơn chục thành viên của Hội chim săn mồi Huế tổ chức huấn luyện cho chim tập bài vồ mồi trên không. Lê Minh Thuận chia sẻ: “Không gian ở thành phố ít nên anh em thỉnh thoảng lại di chuyển đến những vùng có đồng lúa rộng lớn để chim có thể tự do bay lượn, đồng thời trong lúc tập luyện có thể khôi phục được bản năng săn mồi tự nhiên của mình”.

 

Bùi Ngọc Điền cùng chú đại bàng ưng với bài tập vồ mồi trên không
 

Ngay lúc này, Bùi Ngọc Điền, một thành viên trong nhóm vung mạnh tay cho chú đại bàng ưng bay ra xa hàng trăm mét. Tiếp đó, Điền dùng miếng thịt tươi đặt ở bao tay rồi thổi còi lệnh. Lập tức, chú đại bàng ưng quay ngoắt lại bằng tốc độ “tên lửa”, dùng đôi chân với những móng vuốt sắc nhọn dũng mãnh vồ lấy miếng mồi. Cứ tưởng sau khi vồ được, chú chim nhanh chóng xử lý chiến lợi phẩm. Nhưng không, miếng thịt vẫn được chú chim giữ chắc dưới chân, rồi nó hướng ánh mắt về phía người nuôi, gục gặc đầu như kiểu dò hỏi “có được ăn không?”...

Kết thúc thời gian huấn luyện trong ngày, những chú chim quay về nơi ở của mình. Đó là những chiếc giá đỡ thiết kế vững chắc được đặt ở sân thượng, hay những nơi có không gian trong nhà, ngoài sân vườn. Để theo đuổi thú chơi này, ngoài đam mê, kiên nhẫn, cần phải có sự đồng điệu giữa người và chim. Dòng chim săn mồi vốn quen với bay lượn, nếu bị nhốt trong lồng thì chẳng mấy chốc đổ bệnh, trong khi người chơi cũng không muốn thấy thú cưng của mình bị gò bó, tù túng trong chiếc lồng chật hẹp.

 

Người nuôi phải leo cao để bắt lại thú cưng khi chưa huấn luyện thuần thục

Khi không có nhiều điều kiện để chim săn mồi phát huy bản năng ở môi trường tự nhiên, những thành viên của Hội chim săn mồi Huế sáng tạo bằng cách cho thú cưng săn bắt chuột, rắn trong vườn, nhà. “Vườn nhà em cây cối um tùm nên chuột nhiều. Từ ngày con này biết săn mồi, chỉ cần nghe ngoài vườn có tiếng sục sạo thì một lúc sau, kiểu gì nó cũng tha về một hai con mồi. Bây giờ, ở trong nhà, nhất là gian bếp, đố thấy con chuột nào bén mảng phá phách như trước”, Võ Nguyên chỉ vào con ưng Ấn Độ khoe.

Ở Huế, người chơi sở hữu chim săn mồi thông qua 2 cách: mua – bán giữa những thành viên với nhau và mua từ những thương lái trong Nam ngoài Bắc. Khi mua từ những thương lái, người chơi cần phải tỉnh táo để phân biệt được loài nào nằm trong Sách Đỏ, nếu chim có nguồn gốc nước ngoài thì phải có giấy phép của cơ quan chức năng.

“Nói để bảo tồn đúng là hơi ngoa ngôn. Nhưng thay vì bị giết thịt từ những người đánh bẫy lúc không có ai mua, những chú chim này vẫn có thể khỏe mạnh, tung tăng bay lượn khi được người chơi mua về nuôi dưỡng, chăm sóc rất công phu. Phong trào nuôi chim săn mồi phát triển mạnh ở Đắk Lắk, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh từ lâu, và nó cũng như nhiều thú chơi khác, nên anh em trong hội rất mong các cơ quan chức năng ở Huế có thể hướng dẫn, cung cấp hay thông báo những tài liệu liên quan và tiến tới cấp phép thành lập câu lạc bộ. Điều này giúp các thành viên trong hội có được sân chơi chính thức, phân biệt và ý thức rõ loài nào cấm, loài nào được phép nuôi. Đây chính là cách để người chơi trách nhiệm hơn với đam mê của mình”, Lê Đức Thuận, Hội trưởng Hội chim săn mồi Huế tha thiết.

Nội dung: HÀN ĐĂNG - Ảnh: VÕ NHÂN

Thiết kế: QUANG THIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh động với bể cá cảnh thủy sinh

Con trai thích nuôi cá cảnh, nhưng nghĩ bụng làm một hồ cá cũng khá phức tạp, rồi tốn công chăm sóc nên tôi cũng ậm ừ cho qua chứ không chiều theo sở thích của con.

Sinh động với bể cá cảnh thủy sinh
Giới trẻ & thú chơi sen đá

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ chọn cách tạm lánh những bộn bề lo toan bằng nhiều hình thức. Sống chậm lại, thư giãn bằng thú chơi sen đá được không ít bạn trẻ, cặp vợ chồng mới cưới lựa chọn.

Giới trẻ  thú chơi sen đá
Đam mê cá Koi – thú chơi lắm công phu

Ở Huế trong những năm trở lại đây thú chơi cá Koi đặc biệt là cá Koi nhập khẩu chính ngạch từ Nhật Bản đang nở rộ. Tuy nhiên, để chơi được loài cá được mệnh danh là “quốc ngư” của "xứ sở hoa anh đào" lại không phải là điều đơn giản và đòi hỏi lắm công phu cũng như tiền bạc.

Đam mê cá Koi – thú chơi lắm công phu
Sắc xuân hải đường

Không tiếng tăm như hoàng mai, hoa hải đường vẫn có một vị trí trang trọng trong nhà vườn Huế theo gu thẩm mỹ được chắt lọc hàng trăm năm qua. Đến nay, nhiều gia đình vẫn giữ thú vui trồng, ngắm hoa và lộc hải đường ngày tết.

Sắc xuân hải đường
Thú chơi “hoa củi khô” chưng tết

Tưởng chừng chỉ là những cành củi khô cằn cỗi, nhưng chỉ cần sau 5 đến 10 ngày tưới nước và chăm sóc, những cành củi khô này đâm chồi, nở hoa rực rỡ, tràn đầy sức sống.

Thú chơi “hoa củi khô” chưng tết

TIN MỚI

Return to top