ClockThứ Ba, 27/06/2023 13:00

Tôi đi... được một ngày đàng

Hơn 1,1 tỷ đồng trao giải cho các VĐV VnExpress Marathon Imperial Huế 2023Hơn 10.000 VĐV tranh giải VnExpress Marathon Imperial Huế 2023

Tôi đi Bình Định đợt này thấy có hai điều hay, xin được kể lại!

Số là một nhóm anh em, công chức có, viên chức có, người làm ở doanh nghiệp có, người làm cho dự án nước ngoài có đi Quy Nhơn… để chạy – VnExpress Marathon Sparkling Quy Nhơn 2023. Phần lớn anh em đăng ký chạy cự ly 21km.

leftcenterrightdel
 Hue Half 2023 Marathon vừa được tổ chức, thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: M. Thu

Với những vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp thì không nói làm gì, nhưng đây lại là những người phần lớn làm ở bàn giấy, vậy mà chạy 21km cũng đáng để… nể. Chúng ta hình dung khoảng cách 21km bằng từ Huế ra đến hơn An Lỗ (Phong Hiền, Phong Điền) thì thấy cũng là một khoảng cách tương đối dài của chạy bộ. Có người về sớm, có người về muộn nhưng ai cũng cố gắng về đích, không bỏ cuộc.

Đấy là kể qua một nhóm nhỏ của chúng tôi tham gia giải Marathon lần này. Còn về đại thể thì TP. Quy Nhơn bỗng nhiên đông người hơn, không khí sôi động hơn khi có sự tham gia của 10.000 VĐV tham gia giải chạy này. Đấy là VĐV, còn nếu tính thêm những người “tháp tùng” là người thân, bạn bè của các VĐV thì con số còn lớn hơn, cộng thêm với khách thuần là đi du lịch nên làm cho thành phố biển Quy Nhơn trở nên cực kỳ sôi động. Các khách sạn cao cấp ven biển đã được đặt chỗ hết công suất từ trước giải diễn ra nhiều ngày. Tôi nhẩm tính, một người trong dịp này chỉ chi tiêu vài triệu đồng thôi thì nó đã đưa lại doanh thu du lịch cho Quy Nhơn cả hàng chục tỷ đồng.

Giờ thì thể thao không chỉ thuần là thể thao, mà thể thao “đẻ” ra tiền. Qua tham khảo ý kiến của nhiều người, tôi biết được rằng, những năm gần đây môn Marathon phát triển mạnh là nhờ các yếu tố: người tham gia giải (VĐV chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp) quan tâm hơn đến sức khỏe thể chất. Chúng ta không lạ gì với những hình ảnh, trên các đường phố Huế, mỗi buổi sáng từng tốp người đạp xe, chạy bộ (phần lớn là lớp trẻ). Các phòng tập gym, các nhóm tập thể dục nhịp điệu, yoga… được mở ra rất nhiều. Đời sống của lớp trẻ trở nền lành mạnh hơn, họ muốn cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, thể chất, theo cách của họ.

Muốn tham gia một giải thì họ phải trải qua một quá trình luyện tập. Phần lớn trong họ tham gia giải không phải là để được giải, mà để “vượt qua giới hạn” của bản thân mình. Năm nay tham gia giải ở cự ly 10km thì sang năm phải cố gắng nâng lên cự ly 21km. Năm nay mình chạy với thời gian thế này thì năm sau phải cố gắng rút ngắn thời gian lại với cùng một cự ly như vậy. Quả là một môn chơi cho chính bản thân mình.

Chạy cũng là một cách để để tạo nên những nhóm bạn bè cùng sở thích. Rủ nhau tham gia một giải nào đó cũng là một dịp để họ thư giãn, “xả stress”, kết hợp với du lịch để biết những vùng đất mới, những địa chỉ du lịch mới. Trên đường chạy, nếu cởi mở, “có duyên” thì họ có thể gặp những người bạn mới ở những tỉnh, thành khác. Quả là những chuyến đi như vậy rất “bổ dưỡng” cho đời sống tinh thần. Nhóm chúng tôi gồm 7 người đi trên hai xe ô tô. Suốt trên đường đi cũng như đường về, những đêm ăn uống không hề ngớt tiếng cười. Không thiếu những cách trêu nhau dí dỏm.

Trở lại vấn đề kinh tế. Chạy là sinh ra tiền. Chắc chắn là ra tiền cho nhà tổ chức. Những giải có tiếng như VN Express thu hút đông đảo VĐV tham gia có thể thu được nhiều tiền. Địa phương nơi tổ chức thu được tiền qua chi tiêu và du lịch. VĐV thì được niềm vui, nỗi sướng.

Cũng giải marathon nói trên vừa được tổ chức tại Huế vào tháng 4 năm nay. Thời gian diễn ra giải, qua tìm hiểu của tôi hầu hết các khách sạn, cơ sở lưu trú đều kín phòng. 10.500 VĐV đã đến Huế. Huế thu được tiền ở, tiền ăn, tiền đi lại, tiền tham quan… Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, giải marathon ở Huế doanh thu tạo ra cho du lịch ước đạt 55,5 tỷ đồng. Và nghe nói, Huế là một trong 5 địa điểm của cả nước được VN Express chọn là nơi tổ chức thường niên. Quả là một dịp tốt để quảng bá hình ảnh Huế và có được tiền.

Điều thứ hai mà tôi thu nhận được trong chuyến đi Quy Nhơn lần này là khi tham quan điểm du lịch Kỳ Co – Eo Gió. Gọi Eo Gió cũng phải. Lọt thỏm giữa hai vách núi nhìn ra ngoài là biển, không hiểu vì sao nơi đây gió nhiều đến vậy. Gió thông thốc thổi đến nghiêng người. Gần đấy là một dự án điện gió với hàng chục tuocbin điện. Nhưng chuyện đáng kể nhất là chuyện ứng xử của người dân nơi đây. Không biết có phải họ là đội “xung kích” được chính quyền nơi đây giao nhiệm vụ hỗ trợ khi khách cần không. Xe của chúng tôi là biển số tỉnh khác đến đang ngờ ngợ xác định đường, thế là có người chạy xe honda đến hướng dẫn tận tình. Những xe khác chúng tôi cũng thấy được họ hướng dẫn như vậy. Ban đầu chúng tôi nghĩ là họ đến vừa hướng dẫn đường, vừa chào đón nơi lưu trú hoặc nơi ăn trưa cho một khách sạn, nhà hàng nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy… họ chỉ đường, không một gợi ý nào khác. Vì thời gian ít ỏi nên chúng tôi không có dịp tìm hiểu thêm, nhưng chúng tôi thật sự ngỡ ngàng vì những cử chỉ như vậy. Nếu họ thật sự muốn chào bán một sản phẩm nào đó nhưng với cử chỉ thật niềm nở, không đeo bám cũng là một điều chính đáng. Đằng này, họ không hề đưa ra một yêu cầu gì.

Mấy ngày đi, mấy bữa ăn ở các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê chúng tôi đều nhận được một sự đón tiếp cởi mở, thân thiện.

Quy Nhơn là một địa chỉ du lịch biển nội địa mới nổi.

Nguyên Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhọc nhằn “tuyển quân”

Sắp đến hè, ban huấn luyện các môn thể thao ráo riết đi tuyển quân, bổ sung lực lượng VĐV năng khiếu thay thế cho lứa VĐV khó có khả năng phát triển thành tích. Tưởng dễ, nhưng hóa ra tuyển được VĐV đủ kiện để gắn bó lâu dài, gặt hái được thành tích cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Nhọc nhằn “tuyển quân”
Bơi ở sông lớn

Rằng có câu “cửa miệng” dành cho bóng đá nói chung và thể thao Việt Nam nói riêng, đấu trường SEA Games như “ao làng”, ASIAD được ví với “sông lớn” và Olympic là “biển cả”. Nói vậy xem chừng vẫn không… ngoa. Cứ thử mà xem. Mới đây nhất là SEA Games 32, thể thao Việt Nam đứng đầu với 355 tấm huy chương, trong đó có 136 huy chương vàng. Cũng cách nay không lâu là ASIAD 18, tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam là 39 chiếc, trong đó huy chương vàng chỉ vẻn vẹn có 5 chiếc. Còn lần này chỉ tiêu “vàng” cũng chỉ khiêm tốn từ 2 - 5 huy chương.

Bơi ở sông lớn
Return to top