ClockThứ Bảy, 11/12/2021 14:28

Vạt bầu của mẹ

Vườn hoa tết trước sân

Đầu mùa mưa, vạt đất trống sau nhà mẹ đào cái lỗ lớn, trộn phân tro với đất mùn tơi xong đem gieo mấy hạt bầu. Đất ngày ngày được tưới ẩm khiến hạt chóng vánh nẩy mầm, lớn nhanh như thổi. Những chiếc lá bầu đầu tiên xòe ra mới lớn cỡ bàn tay; nhưng sang lá thứ 3, thứ 4… đã đột ngột bung to như chiếc quạt nan, nhanh chóng trùm lên mặt đất sắc xanh thẫm tối đặc trưng của những chiếc lá bầu có bản lá lẫn cuống, dây phủ đầy lông tơ trắng. Lớp lông tơ ấy khiến lũ chó mèo ít dám xông vô “lãnh địa” của bầu bởi sợ lông vướng vào da gây ngứa. Có làm giàn không hở mẹ? Tôi lăng xăng ra vẻ thông thạo. Không; giống bầu này là “bầu thúng”, không cần làm giàn - mẹ cười. “Bầu thúng” ư, cái tên lạ lẫm lần đầu tôi nghe. Xưa nay nói tới bầu tôi lập tức hình dung ngay những kiểu trái dài thuôn hay hình chiếc “hồ lô” buông lủng lẳng xuống từ giàn cao. Thứ bầu ấy nhà bác Tám hàng xóm vẫn trồng. Bác Tám là đàn ông; tháo vát, giỏi ba việc trồng trụ buộc giàn; còn mẹ tôi phụ nữ đơn thân, biết trồng cây cho mọc đã là may, khả năng đâu làm những việc xưa nay vốn không dành cho phụ nữ?

Không làm giàn; nhưng khi bầu lớn, tua tủa thò vươn những chiếc “tay” xanh biếc cong cong nơi đầu ngọn lù sù, mẹ cũng nhượng bộ đi kéo nhánh chà tre bỏ giữa vạt đất cho dây đu, bò, bớt phần chen chúc. Đất tốt, thêm những trận mưa đầu mùa tưới tắm cho mấy dây bầu thúng ngày càng mướt xanh. Chớp mắt, bầu đã tỏa trùm, ôm kín cả vạt đất hoang không chừa một lỗ hở dành cho cỏ mọc. Bắt đầu lấp ló những nụ hoa trăng trắng. Bắt đầu xuất hiện lũ ong, bướm vo ve… Vài hôm nữa mẹ kêu: Có trái rồi. Đâu, đâu? Tôi háo hức chong mắt nhìn theo tay mẹ. Kia… Mẹ cẩn thận dùng que dài lật cái lá bầu to cho tôi thấy một trái bầu non vừa đậu to cỡ nắm tay nằm trốn dưới đám lá sum suê. Tròn ủn, hệt như trái bí rợ (bí ngô) nhưng da lại nhạt xanh lốm đốm giống da trái bầu. Khi nào bầu lớn con sẽ biết vì sao nó có tên “bầu thúng”? Mẹ cười bí mật. Tôi mong mau tới ngày đó lắm, bữa nào cũng chạy ra thăm. Trái lớn rất nhanh; nháy mắt đã bằng cái rổ con. Rổ nhỡ. Rồi rổ to. Mẹ cẩn thận bê hổng trái bầu lên, lót bên dưới một lớp rơm êm phòng ngừa bầu bị thối hoặc sâu bọ dưới đất đục phá. Giờ thì mẹ nói đúng: trái bầu trưởng thành, lộ diện sau lớp lá không còn đủ sức phủ che, ngạo nghễ nằm ềnh trên rơm, tròn to như cái thúng. Cân nặng phải tới hàng chục ký lô bởi thằng bé mười tuổi như tôi lặc lè không rinh nổi. Món “lộc” đầu mùa to tướng ấy mẹ tôi cắt đem chia bớt cho hàng xóm nấu canh, mỗi nhà một miếng. Bầu thúng ăn ngon hơn bầu dài, mẹ tôi khẳng định và các cô, các chú cũng đều công nhận. Nhược điểm duy nhất của bầu là thưa trái, không sai. Vậy nhưng vạt bầu mẹ trồng sau nhà cũng đủ cho gia đình tôi ăn đến “lắc lư” suốt cả mùa mưa. Bầu nấu canh tôm nêm lá é (hương nhu) trắng là một trong những món ăn đệ nhất khoái khẩu của tôi. Chán thì chuyển sang món bầu xào thịt hoặc bầu luộc chấm mắm nêm ăn kèm với cá bống kho tiêu. Giản đơn nhưng lạ miệng thành ngon. Nhớ hoài…

Đó là lần đầu tiên - và cũng lần cuối cùng - tôi nhìn thấy những dây bầu thúng! Mẹ giờ ra người thiên cổ. Lục ký ức xưa, không biết tìm ai để hỏi. May vào google tìm mới biết tận phương nam xa xôi vẫn còn một người đàn ông còn đang nỗ lực trồng lưu giữ và quảng bá giống bầu tưởng chừng đã tuyệt chủng. Hấp tấp tìm địa chỉ online, gửi đặt hàng mấy hạt bầu giống ship ra miền Trung, giá nào cũng chịu. Cảm ơn anh, người bạn phương xa đã giúp tôi giữ gìn ký ức. Nhìn những hạt bầu mọc lên, vươn hai chiếc lá mầm xanh mướt, bất chợt tưởng chừng đâu đây có bóng mẹ tôi về…

Y NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ
Ký ức một thời

Cứ đến tháng Ba, tháng Tư hằng năm là những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi lại có dịp ùa về trong mỗi người đã một thời “vào sinh ra tử”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là những kỷ niệm một thời đạn bom, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sự tự hào ấy của họ đã làm nên sức mạnh để góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ký ức một thời
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Return to top