|
Làm tranh thủy ấn |
Độc đáo
Vô tình nhìn thấy những bức tranh với hoa văn mới lạ, sự tương phản của những đường vân, những họa tiết ngẫu hứng đẹp mắt của thủy ấn họa trong một diễn đàn tranh đã thu hút Hoàng Bình.
Anh cho biết: “Từ thời điểm ấy, ngoài công việc chính, mình có thêm niềm đam mê với những bức tranh đầy sắc màu được vẽ trên mặt nước. Với mình, mỗi lần “nhuộm” màu từ mặt nước lên giấy, vải, gỗ và các chất liệu khác là một trải nghiệm mới, riêng có bởi nét đặc trưng đến từ bộ môn nghệ thuật này”.
Là loại hình nghệ thuật lâu đời, từ xa xưa, những nghệ nhân đã tạo nên các tác phẩm đặc sắc bằng phương pháp thủy ấn họa. Hoàng Bình chia sẻ: “Theo mình tìm hiểu, thuở trước các nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh thủy ấn bằng cách nhỏ màu có chứa mật bò vào bể nước pha nhựa cây dương hoàng kỳ. Màu sắc và đường nét từ mặt nước sẽ dần được chuyển vào giấy, tạo nên các tác phẩm thủy ấn họa độc nhất vô nhị”.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của đời sống, thủy ấn họa đã dễ dàng tiếp cận hơn bởi sự đa dạng và linh hoạt của các vật liệu, dụng cụ. Để tạo nên những bức tranh độc đáo này, người thực hiện có thể dễ dàng tìm mua những nguyên vật liệu cần thiết trên các sàn thương mại điện tử.
Chỉ cần có đủ chất làm dày, màu vẽ phù hợp, ai cũng có thể trải nghiệm cảm giác lý thú và hấp dẫn của bộ môn này. Dù thế, để cho ra đời các tác phẩm thủy ấn họa đẹp mắt, người thực hiện vẫn cần phải nắm vững, thuần thục những kiến thức về thẩm mỹ, phối màu và kỹ thuật tạo hoa văn.
|
"Vẽ" tranh lên các sản phẩm gắn bó với đời sống thường nhật |
Ngẫu hứng
Chất làm dày là điều kiện cần thiết nhất để tạo nên những bức tranh thủy ấn. Hoàng Bình cho biết: “Sau khi pha chất làm dày với nước và để nghỉ một thời gian, nước sẽ có độ sệt sánh nhất định, từ đó giúp những mảng màu có thể nổi lên trên mặt nước. Cùng với sự khéo léo của đôi bàn tay, gu thẩm mỹ cũng như khả năng cảm thụ màu sắc, từ các mảng màu này, người vẽ sẽ dùng những chiếc que hoặc lược chuyên dụng để tạo nên các họa tiết. Trong đó, những họa tiết thường gặp ở thủy ấn họa như vân đá, họa tiết khăn choàng, họa tiết chải… rất được ưa chuộng”.
Ngoài các loại màu chuyên dùng, thủy ấn họa còn đòi hỏi chất liệu giấy phù hợp. Không phải là những tấm giấy thông thường để in ấn, những bức tranh thủy ấn cần loại giấy dày hơn, độ cứng cũng cao hơn để đảm bảo không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ nước. Ngoài giấy, thủy ấn họa còn được ứng dụng trên các chất liệu khác như thủy tinh, kim loại, gỗ, vải, nhựa. Tùy vào chất liệu, màu nổi trên nước sẽ nhanh chóng bám dính vào bề mặt vật được nhúng, từ đó tạo nên những hoa văn đặc trưng bao bọc bên ngoài tác phẩm mà mỗi hoa văn đều có sắc thái khác nhau, không trộn lẫn.
Cùng với các sản phẩm làm từ giấy như đồ trang trí, bìa sách, tranh treo tường, Hoàng Bình còn mang thủy ấn họa đến gần hơi với hơi thở của đời sống hiện đại. Anh tìm tòi để ứng dụng bộ môn này nhiều hơn vào cuộc sống thường nhật, anh đã tạo nên các hoa văn đặc trưng, độc bản cho những sản phẩm được sử dụng hằng ngày như mũ bảo hiểm, khăn choàng, giày, túi xách…
Anh chia sẻ thêm: “Hiện nay, mình đa phần chỉ làm ra những sản phẩm để thỏa mãn niềm đam mê và tặng cho người thân, bạn bè. Tới đây, mình sẽ đầu tư thêm công sức và thời gian để chia sẻ niềm đam mê thủy ấn họa thông qua các workshop. Hy vọng những buổi chia sẻ nho nhỏ ấy sẽ góp phần lan tỏa vẻ đẹp, sự ngẫu hứng và thú vị của những mảng màu trên mặt nước đến gần hơn với nhiều người”.