ClockThứ Năm, 14/01/2021 10:38

Xới lại mảnh vườn

TTH - Những cơn mưa phùn phùn cùng cái lạnh tê buốt ôm lấy xứ Huế từ ngày này qua ngày khác. Buổi sáng thức dậy vẫn nghe tiếng rơi ngắt quãng lộp độp trên mái nhà, thấy những ngày mùa đông như dài ra thêm nhiều lắm.

Bờ rào hoa nở

Tôi nhớ những ngày này nơi mảnh đất quê xưa, hàng xóm rộn ràng canh ngày những khoan nấm mối mọc. Cái loại nấm kỳ lạ, không biết có hẹn ai không nhưng luôn đúng ngày, đúng giờ chui lên từ đất năm này qua năm khác, không sai hẹn bao giờ. Những ngày như thế này, mấy o, mấy chú và cả ba tôi nữa cũng chộn rộn với việc đi tìm nhổ nấm mối, mặc dù có đôi khi đi hết mảnh vườn này đến mảnh vườn khác vẫn chẳng có chút thành quả gì mang về.

Những ngày này, mẹ tôi tranh thủ xới lại mảnh vườn sau những ngày nước lũ. Năm nay lũ nhiều, phù sa phủ lên vườn một lớp đất giàu dinh dưỡng, mặc dù bao nhiêu rau mẹ trồng trước đó ngâm nước lũ quá lâu đã thối đến cả gốc.

Mẹ tôi sau khi chiên cho lũ chúng tôi mỗi đứa mỗi chén cơm chiên tóp mỡ ăn sáng để đi học thì bắt đầu công việc loay hoay cùng mảnh vườn. Mùa này thích hợp để trồng tất cả các loại rau. Đám xà lách, tần ô, cải trắng, cải xanh cứ nhờ mưa phùn và chịu được giá rét mà lên vùn vụt. Mùa này cũng thích hợp cho những loại cây leo giàn như đậu cove, su su và bầu. Mẹ bảo: Phải trồng cho Tết có rau mà ăn. Và tôi nhớ dĩa rau sống với đầy đủ mùi và vị, thơm tinh tươm mùi ngò, mùi rau thơm, mùi quế kẹp với chao ăn chống ngán trong những ngày Tết ngập tràn bánh mứt.

Mảnh vườn của mẹ không chỉ có rau mà còn có hoa. Những bông hoa vạn thọ vàng rực xen lẫn trong vườn rau xanh ngắt. Mẹ bảo trồng hoa vạn thọ lợi lắm, bởi tụi sâu không thích mùi hoa này, hoa như là một mẹo đuổi côn trùng và sâu phá hoại, rồi lại có cái để cắt đơm cúng rằm. Hơn thế, tất cả những bông hoa vạn thọ rực rỡ trong vườn làm cho người ta nôn nao cái cảm giác một mùa xuân đã kề rất gần rồi.

Tôi xa nhà, ra thành phố học rồi lấy chồng. Mảnh vườn của mẹ vẫn còn rau xanh, vẫn còn hoa nhưng tôi chỉ thấy được chúng qua những tấm hình đứa em dâu chụp rồi đăng lên facebook. Cái cảm giác cứ đu theo sau lưng mẹ ra vườn “giúp thì ít mà phá thì nhiều” ngày xưa cứ dìu nhau về trước mắt làm khóe mắt cay xè bởi những tháng ngày gần bên mẹ cứ như càng ngày càng ngắn lại và xa thêm.

Tôi cũng tập tành làm cho mình một mảnh vườn trên sân thượng. Cũng thùng nhựa, cũng mua đất về trộn, cũng mua giống về ươm trồng. Để kiếm được đất phù sa phải tranh thủ những ngày công viên làm đường đi bộ dọc sông Hương thì mang bao ra xin về một ít, cứ như thế chắt chiu từng chút từng chút một để làm cho mình một mảnh vườn, để chờ tết có rau mà ăn, để nhớ lại những ngày ấu thơ lon ton theo mẹ xới lại mảnh vườn thơ ấu.

Huế vẫn là những ngày  mưa phùn. Con đường về nhà rêu đã phủ xanh rì trên tường gạch. Mẹ tôi giờ đã già không còn thoăn thoắt như xưa. Nhưng mảnh vườn đang lú nhú những mầm xanh sau những ngày giá rét, những đám hoa vạn thọ vẫn được mẹ trồng xen như xưa. Cây hoa mộc ba trồng trước sân nhà mùa này nở những bông hoa trắng be bé xinh xinh mà thơm ngào ngạt, và nước giếng mùa này ấm lắm. Bếp lửa mùa này ấm lắm, ấm như lòng tôi quay về bên mảnh vườn thơ ấu xưa.

Nam Giao

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới

Cơ sở vật chất cũ xuống cấp trầm trọng, Trường mầm non Bắc Sơn (xã Trung Sơn, A Lưới) được trang bị cơ sở mới tọa lạc tại thôn A Đeng Pleng 2. Chỉ trong thời gian ngắn, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đoàn kết, nỗ lực 200%, đã xây dựng được cảnh quan môi trường đảm bảo, xanh tươi, thực sự là “khu vườn cổ tích” cho tuổi thơ nơi xã biên giới.

“Khu vườn cổ tích” của tuổi thơ nơi biên giới
Chạy còng

Trang bị gọn ghẽ với đèn pin, chiếc xẻng, một cái que dài tầm 1m, bao đựng, bấy nhiêu đó là đủ để có những cuộc rượt đuổi còng thú vị vào ban đêm.

Chạy còng
Sân bóng “ruộng” tuổi thơ

Chiều nay, đưa lũ trẻ về quê thăm ông bà. Đi ngang qua con đường làng thân thuộc, vô tình bắt gặp một trận bóng đá sôi động với bầu không khí vô cùng nhộn nhịp ở trên một cánh đồng lúa vừa gặt còn nguyên đó những gốc rạ. Nhìn các cháu say sưa theo nhau tranh trái bóng, trong tôi lại mường tượng ra những người bạn cùng trang lứa, cũng đã từng có những trận cầu nảy lửa trên sân "ruộng" ngày nào.

Sân bóng “ruộng” tuổi thơ

TIN MỚI

Return to top