ClockThứ Hai, 19/01/2015 11:32

Đổi thay không gian đô thị

TTH - Giai đoạn 2010-2015, hạ tầng ngày càng đồng bộ, nhiều công trình được đầu tư, đã thay đổi đáng kể diện mạo đô thị Huế. Người dân được hưởng lợi nhiều hơn nhờ giao thương thuận lợi.

Hạ tầng giao thông đồng bộ góp phần hút khách du lịch đến Huế

Khang trang, sạch đẹp

Hồ Kiểm Huệ 3 nằm cuối đường Hoàng Văn Thụ và là nơi tiếp giáp của nhiều đường từ Trường Chinh rẽ vào. Khu vực này trước đây khá nhếch nhác, ô nhiễm, cây cỏ um tùm. Mùa hè nước đen ngòm và bốc mùi nồng nặc. Mùa đông bèo nổi đầy mặt hồ, lúc mưa to, nước tràn lênh láng ra mặt đường gây lầy lội, đi lại khó khăn. Sau khi được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, xây kè, khu vực này được phong quang, sạch đẹp. Mỗi sáng hàng ngày, người đi bộ hàng nối hàng. Buổi tối trẻ con vui chơi, người lớn gặp gỡ, trò chuyện. Không gian sinh hoạt cộng đồng hay như cách gọi của các kiến trúc sư là không gian đô thị cũng được hình thành từ đó.  Chỉ thiếu cây xanh nữa là hồ Kiểm Huệ sẽ hoàn hảo, là điểm vui chơi, thư giãn cho người dân mỗi dịp cuối tuần hay trong những ngày hè oi bức.
Bến xe Nguyễn Hoàng từ sau khi được chỉnh trang nâng cấp đã bớt lộn xộn, cũ kỹ, nhất là khi cây xăng ở đây được giải tỏa, di dời. Nay thỉnh thoảng vẫn còn cảnh chèo kéo khách du lịch mỗi khi xe cập bến, song ai cũng thừa nhận mặt tiền bến xe Nguyễn Hoàng đã đẹp hơn, xứng tầm là bến xe du lịch.
Sẽ là thừa nếu nói đường Lý Thường Kiệt và Đống Đa sau khi được chỉnh trang, mở rộng đã thay đổi gần như toàn bộ đô thị Huế ở phía Nam. Người ta đề cập nhiều hơn đến các dịch vụ sau khi đường hoàn thành, cùng các dãy nhà cao tầng và hẳn nhiên giá đất, nhà ở các cung đường này cũng được đội lên đáng kể bởi khả năng sinh lợi của nó.
Các dự án giải tỏa bờ sông Đông Ba, An Cựu, Kim Long, kè hói Phát Lát... đã cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị Huế, nhất là khi giải tỏa thành công các hộ dân sống hai bên và cả những hộ lấn chiếm. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sự thành công của dự án di dời và giải tỏa hơn 1.000 hộ dân vạn đò, với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng, đã trả lại nguyên trạng và khơi thông dòng chảy cho sông Hương và nhiều sông khác.
Tăng cường quản lý sử dụng sau đầu tư

Dự án chỉnh trang hồ Kiểm Huệ sắp hoàn thành

 
Sẽ có thêm nhiều công trình nữa sẽ được đầu tư hoàn thành, giai đoạn 2015-2020, nhất là khi đang có các dự án chuyển tiếp, hoặc đang thi công dang dở. Trong đó, dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, với tổng mức đầu tư khoảng 3.170 tỷ đồng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ phía Nam TP Huế. Vấn đề thoát nước mưa, nước thải cũng được xử lý triệt để.
Dự án đường Điện Biên Phủ cũng sẽ hoàn thành trong nay mai, khi mà quyết tâm của chủ đầu tư, các nhà thầu không còn dừng lại ở khẩu hiệu. Với biện pháp mạnh và cam kết của lãnh đạo TP Huế, ít nhất tết này mặt bằng đường Điện Biên Phủ sẽ hoàn thành, không còn cảnh đào bới, xúc đổ, nhếch nhác.
Dự án giải tỏa bờ sông An Cựu đoạn từ đường Đặng Văn Ngữ đến cầu An Tây cũng sẽ được giải tỏa triệt để. Các dự án ở Hộ thành hào, Thượng Thành Eo Bầu, chỉnh trang tôn tạo sông Ngự Hà... cũng tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới.
Vấn đề người dân quan tâm vẫn là công tác quản lý sử dụng sau đầu tư với cả các công trình, dự án. Đã có không ít công trình đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp, không đem lại hiệu quả do công tác quản lý lỏng lẻo hoặc chồng chéo. Điển hình như ở dự án chỉnh trang bờ sông Hương, ngay tuyến đường Trịnh Công Sơn. Do quản lý chưa tốt nên người dân lấn chiếm lòng, lề đường kinh doanh quán nhậu, gây mất mỹ quan, cản trở giao thông và chưa đảm bảo an ninh trật tự.
Rút kinh nghiệm từ dự án này, với dự án giải tỏa, chỉnh trang bờ sông An Cựu, TP Huế giao cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cây cảnh, bonsai quản lý sử dụng vì xét thấy khá phù hợp, khi mục tiêu biến nơi này thành điểm xanh công cộng, trước khi ngân sách đủ kinh phí để đầu tư. Việc làm này được cho là khá hợp lý, bởi ít nhất cũng hạn chế được tình trạng lấn chiếm của người dân.
Trả lời mới đây với chúng tôi, khi đề cập đến vấn đề quản lý đô thị và chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành nói rằng, sẽ chấp nhận suất đầu tư cao hơn, nếu công trình đảm bảo chất lượng và tăng hiệu quả sử dụng, còn hơn là nóng vội, đầu tư dàn trải nhiều công trình nhưng không đem lại hiệu quả. Vì lẽ đó, TP sẽ cân nhắc trong các quyết định đầu tư và việc quản lý cũng được tăng cường để đảm bảo tiền của Nhà nước, Nhân dân được sử dụng đúng mục đích và đem lại nhiều lợi ích cho người dân.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top