ClockThứ Tư, 06/09/2017 06:01

Đổi thay ở một “vùng trắng”

TTH - Sau chiến tranh, vùng quê Lộc Vĩnh (Phú Lộc) “nồng mùi thuốc súng”, hàng nghìn ha đất đai hoang hóa, người dân rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng đó là chuyện của hơn 30 năm trước, còn Lộc Vĩnh bây giờ đã đổi thay

Học sinh đến trường trên những con đường mới

Vùng quê không nghèo

Tôi về Lộc Vĩnh nhiều lần, nhưng hôm nay trở lại thật bồi hồi. Các em học sinh đang đến trường trên con những đường nhựa thoáng rộng; thấp thoáng hai bên là những nhà mái bằng, mái ngói đỏ khang trang. Không chỉ ở khu trung tâm, hàng quán san sát dọc những tuyến bê tông nối ra biển Bình An, Tân Cảnh Dương. Nhiều khu nhà hàng, khách sạn đẹp mắt, thu hút khách thập phương.

Phía đông bắc Lộc Vĩnh có Khu du lịch nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, thuộc một tập đoàn kinh doanh du lịch đến từ Singapore đầu tư gần 1 tỷ USD. Laguna là doanh nghiệp nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Hơn 5 năm nay, Laguna Lăng Cô đi vào hoạt động, giải quyết không dưới 500 lao động phổ thông ở địa phương. Chưa kể, Cảng nước sâu Chân Mây, các nhà máy chế biến gỗ, hàng loạt khu du lịch, công nghiệp đẳng cấp quốc tế đang hình thành, như Vicoland, Minh Viễn, Phong Phú, Địa Trung Hải, Sài Gòn - Chân Mây, tạo thế cho Lộc Vĩnh phát triển theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp hơn 5 năm nay.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Chiến tâm sự, sau ngày đất nước thống nhất, Lộc Vĩnh chỉ có “cát bay, cát nhảy”, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, nghề khai thác biển thoi thóp vì chưa làm chủ trang thiết bị, tình trạng thất nghiệp xảy ra nhiều người dân phải rời quê vào Nam lập nghiệp. Để có sự thay da đổi thịt hôm nay, người dân Lộc Vĩnh luôn nhắc đến “Đảng, Đoàn, Hội và trưởng thôn”. Đó là những đảng viên và thành viên các hội đoàn, cán bộ thôn quan tâm đến người dân “như những mạch máu chảy vào từng tế bào”. Tôi nhớ lời ông Bùi Ngọc Ga, nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh: “Cán bộ đoàn, hội, thôn xem bình thường nhưng quan trọng lắm! Chủ trương tốt nhưng dân không hiểu, không hưởng ứng thì cũng chịu thua. Nên trước nhất người đảng viên, cán bộ đoàn thể phải làm gương. Làm cho dân thấy, nói cho dân hiểu!”.

Từ sau năm 1990, chính quyền và các đoàn thể của xã đứng ra bảo lãnh vay vốn, vận động dân trở về cải tạo, khai hoang, chăn nuôi trồng trọt. Người sống nghề biển có điều kiện mua thêm ngư lưới cụ, đầu tư tàu thuyền tập trung vào khai thác biển, đầm. Từ 7-8 tàu thuyền cũ vào thập niên 90, đến nay ở thôn Bình An 2 và Phú Hải phát triển gần 100 thuyền, tàu lớn nhỏ, vừa duy trì nghề cũ vừa phát triển thêm nghề chế biến nước mắm, ruốc… tạo nguồn thu nhập chính trong dân.

Đường đất nhỏ, vận động dân góp công, góp của đắp đường cấp phối và bê tông. Một số diện tích đất có bom mìn được rà phá, quy hoạch trồng keo, tràm, phi lao… Ruộng lúa diện tích hạn chế, từ chuyên làm một vụ do thiếu nước nay tăng lên 2 vụ/năm, năng suất đạt trên dưới 60 tạ/ha; tận dụng được đồng cỏ, Lộc Vĩnh  bây giờ có đàn trâu, bò lớn nhất huyện Phú Lộc từ 4.000 - 5.000 con. Các công trình dân sinh, như hệ thống điện thắp sáng, nước sạch, trường học các cấp, chợ, nhà văn hóa hình thành trên vùng “đất trắng” mang dáng dấp đô thị. Những ngôi nhà tạm, tre, tranh giờ chỉ còn trong ký ức.

Con của “vùng trắng”

Gặp những người con của vùng quê Lộc Vĩnh, tôi bị bất ngờ bởi sức sống mãnh liệt. Cảm kích nhất là thương binh già Nguyễn Minh Chiến, nguyên bộ đội vũ trang huyện Phú Lộc, bị thương  vào dịp Xuân 68.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Chiến giữ nhiều chức vụ ở địa phương. Nghỉ hưu vào năm 2008, ông được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ thôn Bình An 2. Ông là người “bắc cầu” đưa các quyết sách, chủ trương cấp trên về đến thôn xóm, giúp bà con nhận thức làm theo. Ông chia sẻ với bà con kiến thức, kinh nghiệm cải tạo đất trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi trâu bò theo hướng gia trại, lập vườn ươm hom cây giống. Nhà nào khó về vốn, ông làm “nối cầu” tín chấp để bà con vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Ai ốm đau, gặp hoạn nạn ông đều có mặt thăm hỏi, chia sẻ… tạo nên nếp tình làng, nghĩa xóm ở đây. Hết việc chung, ông ra vườn cuốc đất trồng cây, trồng rừng, nuôi gia súc, gia cầm. Ông từng là người đi đầu ở địa phương nuôi bò đàn và gắn bó với 10 ha rừng và hiện tại là điển hình trồng mô hình trồng hơn 500m2 rau sạch cung cấp cho thị trường gần xa. Mới đây, ông làm được một việc hết sức ý nghĩa là kêu gọi anh em, bà con và "mạnh thường quân" dựng bia ghi danh hơn 140 đồng đội, đồng chí ở Bình An 1 đã hiến thân trong hai cuộc kháng chiến với kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Thành, 64 tuổi, con trai thứ hai của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thí. Trong chiến tranh chống Mỹ, anh Thành cùng bố làm giao liên, che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Hòa bình lập lại, không cam chịu nghèo đói, anh xin vào HTX nghề cá Bình Dương (Lộc Vĩnh) phụ trách lĩnh vực an ninh, trở thành “khắc tinh” nhiều đối tượng vượt biên vào thập niên 80. Tám người con của anh sinh ra và lớn lên trên vùng đất khó nhưng đều học đại học, cao đẳng, trong đó 2/3 đã lập gia đình, có việc làm ổn định. Tháng trước, cô gái út vừa cầm tấm bằng đại học sư phạm lại vào ngay TP. Hồ Chí Minh nhận việc. Anh Thành trải lòng: "Gia đình vừa làm biển, vừa chế biến thủy sản và nuôi lợn đàn, doanh thu của gia đình cũng hơn 200 triệu đồng/năm".

Mỗi thước đất ở Lộc Vĩnh đều thấm máu xương và mồ hôi nên chuyện con người chịu thương, chịu khó trên xã anh hùng vẫn còn dài. Nếu ai đã từng sống, hoạt động, làm việc ở huyện Phú Lộc đều cảm nhận con người Lộc Vĩnh trong mọi hoàn cảnh đều biết cách vượt qua.

"Xã Lộc Vĩnh có hơn 450 gia đình chính sách; trong đó có 241 liệt sĩ. Năm 1978, xã Lộc Vĩnh vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Kinh tế xã Lộc Vĩnh tiếp tục dịch chuyển theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp; trong đó, dịch vụ, du lịch chiếm 65%, công nghiệp 20% và nông nghiệp 15%. Thu nhập bình quân đầu người 34 triệu đồng/năm" - ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù

Chiều 3/4, Toà án Nhân dân tỉnh tuyên phạt 17 năm 6 tháng tù với hai bị cáo Huỳnh Hạnh (SN 1993) và Hoàng Như Nghĩa (SN 2000, cả hai đều trú tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”.

Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù
Phú Lộc: Tập trung nguồn lực giảm nghèo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Chiều 1/4, Huyện ủy Phú Lộc tổ chức hội nghị lần thứ 16, khóa XV (mở rộng), nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 05 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phú Lộc Tập trung nguồn lực giảm nghèo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Return to top