ClockThứ Hai, 25/04/2016 14:14

Đổi thay từng ngày

TTH - Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Hồ Xuân Phong (54 tuổi, người dân tộc Ka Tu, ở Làng Giồng, xã Hương Nguyên) vui vẻ cho biết: “Ngôi nhà mới xây là từ tiền khai thác rừng trồng và bán bò. Nếu không có Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, bày cho cách làm ăn thì không được như bây giờ.

Hiệu quả từ chính sách

Trước đây, không chỉ riêng gia đình ông Phong mà cả bản nhà nào cũng thiếu cái ăn, giờ thì no đủ nhờ bà con biết nuôi con heo, con bò, trồng trọt… cải thiện kinh tế”. Năm 2005, ông vay 30 triệu từ dự án BCC đầu tư trồng 5 ha rừng keo lai và mua thêm heo, bò để chăn nuôi. Nhờ được tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn gia súc của ông Phong phát triển khỏe mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Rừng keo lai cũng phát triển tốt, sau khi trừ chi phí thu lãi từ khai thác rừng trên 300 triệu đồng. “Giờ không phải “chạy cơm từng bữa” như trước, nhà có của ăn của để rồi. Con cái đứa nào cũng được đi học, đứa thứ hai đang học đại học ở Huế”, ông Phong phấn khởi khoe.

Đồng bào sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hiệu quả

Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào DTTS, bà Căn Di (60 tuổi, ở Làng Pa Ring, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới) đã đầu tư mua phân bón trồng sắn. Nhờ được đầu tư chăm sóc, 1 ha sắn của gia đình bà năng suất tăng rõ rệt. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ đất rừng, bà bàn với chồng vay thêm vốn ưu đãi dành cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế để mua cây trồng rừng. Đến nay, diện tích rừng keo lai của bà đã lên đến 15 ha. “Tổng cộng tui vay của nhà nước 90 triệu đồng, mỗi lần khai thác rừng là tui trả dần, giờ chỉ còn nợ 17 triệu nữa thôi. Tháng sau, khai thác thêm 3 ha rừng keo nữa là trả hết nợ cho Nhà nước”, bà Căn Di cho biết.

Hồng Hạ trước đây là xã khó khăn của huyện A Lưới. Những năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135 và các chính sách dành cho đồng bào DTTS, đời sống bà con có nhiều thay đổi. Ông Trần Minh Xuông, Bí thư xã Hồng Hạ cho biết, hiện trên địa bàn có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa hi và dân tộc Kinh) với hơn 1.000 nhân khẩu. Nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, mấy năm nay, đời sống của bà con trong xã được nâng lên đáng kể, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm, nhiều hộ xây được nhà kiên cố, khang trang. Kinh tế tăng trưởng bình quân 10-15% năm.

Được chăm lo mọi mặt

Bà Lê Thị Thảo, Phó Phòng Dân tộc, huyện A Lưới cho biết, trong 5 năm qua (từ 2011-2015), nhiều chính sách vay vốn để đồng bào DTTS phát triển kinh tế như: Chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, chính sách cho vay vốn và phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS… trong đó, chương trình 135 hỗ trợ đồng bào các DTTS đã giúp cho vùng núi A Lưới có diện mạo mới, khang trang hơn. Đến nay, đã có 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; xây dựng đường bê tông và lát nhựa đến tận thôn, bản; 100% xã có điện lưới quốc gia, các công trình thủy lợi được đầu tư và phát huy hiệu quả… Với việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn, chương trình 135 góp phần quan trọng nâng cao đời sống đồng bào.

Song song với việc phát triển kinh tế, huyện cũng chú trọng đến việc tạo điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào.  Văn hóa truyền thống của các dân tộc được chú trọng khôi phục và phát huy; trong đó, đã khôi phục nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, nhà Gươl truyền thống của dân tộc Ka Tu và nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô… Các lễ hội truyền thống tiêu biểu được khôi phục và duy trì theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như Ariêu Aza, Ariêu Piing, Ariêu Car và các lễ hội khác…

Nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục con em đồng bào đầy đủ hơn; mạng lưới y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con, với 21/21 trạm y tế đạt chuẩn, có đội ngũ y bác sỹ đủ trình độ, trang thiết bị y tế được trang cấp ngày một đầy đủ, hiện đại… Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày trên các bản làng, rẻo cao của huyện A Lưới.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Tạo chuyển biến từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

Sau 5 năm triển khai, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã nhận được sự hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Tạo chuyển biến từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”
Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thông qua việc thực hiện các dự án (DA) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi “giảm sâu”, nhiều mô hình kinh tế mở ra hướng đến sản xuất bền vững.

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia
Return to top