ClockThứ Sáu, 23/03/2012 04:39

Dòng tiền chưa dịch chuyển

TTH - Từ giữa tháng 3-2012, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt giảm 1%/năm. Hiện dòng tiền gửi tiết kiệm tại các "nhà băng" vẫn ổn định, chưa có sự dịch chuyển như trước đây.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 13%/năm, các NHTM đồng loạt công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng. Dạo một vòng trên địa bàn TP Huế, các NHTM lớn, như: Đầu tư & phát triển (BIDV), Nông nghiệp & phát triển nông thôn (Agribank), Công thương (VietinBank), Ngoại thương (Vietcombank)... đều áp dụng mức suất huy động 13%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Ông Võ Văn Tuấn, Giám đốc NHTM cổ phần Nam Việt (Navibank) tại Thừa Thiên Huế cho biết, khác với các lần giảm lãi suất trước đây, lần này chưa thấy tình trạng khách hàng đi rút tiền; một số trường hợp rút tiền do có việc cần chứ không phải vì thông tin hạ lãi suất.

Chị Trần Kim H bật mí: Khoản tiền vài trăm triệu đồng được gửi tiết kiệm trước đây có lãi suất 14%/năm, nay giảm 1%/năm, có người khuyên tôi nên đến ngân hàng “đổi sổ” hoặc chuyển sang các kênh đầu tư khác. Nhưng sau khi tính toán, hiện vàng đang hạ, chứng khoán lình xình, bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc và lãi suất giảm chẳng đáng là bao nên tôi chưa có quyết định cuối cùng. Khác với chị H, sổ tiết kiệm của anh D tuy chưa đến hạn, nhưng do có thông báo hạ lãi suất nên anh đã đến đổi sổ chuyển sang kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất 14%/năm. Trước đó, có khách hàng đã đi đáo hạn sổ tiết kiệm từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất 14%/năm. Đó là chưa kể có “nhà băng” còn “nhiệt tình” gọi điện tư vấn cho khách hàng nên chuyển sang kỳ hạn dài hơn để khỏi thiệt thòi khi lãi suất huy động còn 13%/năm. Việc này vừa có lợi cho “nhà băng” khi giữ được “thượng đế” vừa giúp người gửi tiền vẫn hưởng được lãi suất cao.
 

Gửi tiết kiệm, một trong những kênh đầu tư an toàn

 
Điều này cũng dễ hiểu bởi trước đó, NHNN đã bật “đèn xanh” phát đi tín hiệu để điều chỉnh ứng xử tích cực của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng.
 
Nếu như trước đây, các điều chỉnh về lãi suất thường diễn ra đột ngột và bất ngờ, lần này, tín hiệu được đưa ra một cách chính thức trước “vài ngày”. “Vài ngày” là một khoảng thời gian đủ để người cầm tiền tính toán, quyết định gửi vào “nhà băng” tranh thủ lãi suất đang cao. Chừng đó cũng đủ để đánh động nguồn tiền gửi: một phần là tăng thêm, một phản ứng khác là cơ cấu lại các kỳ hạn.
 
Xung quanh chuyện hạ lãi suất được giới “nhà băng” trên địa bàn “phán đoán” rằng, việc hạ lãi suất có thể là áp lực đối với các ngân hàng nhỏ và yếu thanh khoản; nhất là trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt, không những để tồn tại mà còn để tránh khỏi vòng phân nhóm và sáp nhập. Câu chuyện khách hàng có tiền tỷ vẫn được các ngân hàng ưu ái cho hưởng lãi suất cao hơn lãi suất trần đã âm thầm diễn ra từ rất lâu và đó là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay chưa thể “hạ nhiệt”.
 
Đến thời điểm này, khi trần lãi suất huy động bị áp ở mức thấp hơn, những ngân hàng yếu thanh khoản sẽ phải chật vật xoay xở và những chuyện vượt trần lãi suất có khả năng sẽ tái diễn nếu NHNN không kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm minh. Thực tế câu chuyện mặc cả lãi suất tiền gửi vẫn còn tái diễn, dù không nhiều và có phần thận trọng hơn cho cả đôi bên (“nhà băng” và “thượng đế”). Những khách hàng cá nhân nếu không phải là khách hàng quen biết sẽ khó mặc cả để gửi với lãi suất cao vượt trần.
 
Trong khi đó, hiện lợi thế đang rơi về phía nhóm khách hàng VIP có những khoản tiền tỷ, họ quá sành sỏi trong việc mặc cả với ngân hàng. Điều này đang khiến các ngân hàng đang yếu thanh khoản đành chấp nhận cho nhóm khách hàng VIP hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn. Tuy nhiên, do lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang hạ dần nên lãi suất tiền gửi dù vượt trần song cũng không thể cao được như trước đây. Một khách hàng lâu nay có khoản tiền gửi “đáng kể” tại một số NHTM trên địa bàn tỏ vẻ am tường: Trong hệ thống ngân hàng đều ngầm biết rõ “nhà băng” nào yếu kém, do đó các tổ chức có nguồn tiền lớn thường “gửi gắm” ở những ngân hàng mạnh hơn. Giờ đem tiền tỷ đến ngân hàng yếu, mặc cả hồi lâu sẽ có ngay mức lãi suất cao hơn mức áp trần (!).
 
Khi lãi suất huy động bị áp trần chặt chẽ, một bộ phận dân cư có thể dịch chuyển tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ và chứng khoán hay bất động sản. Sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác để tìm kiếm hiệu quả hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn có thể sẽ không lo ngại về điều này vì nói như ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc NHTM cổ phần Kỹ thương (Techcombank)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, tiền đi đâu cũng chỉ loanh quanh không ở ngân hàng này thì ngân hàng khác. Nhưng đối với các ngân hàng nhỏ, đây thực sự là nỗi lo vì rất có thể “có đi mà không có lại”...

Bài và ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top