Từ xa xưa, người dân quê sống dưới chân núi Ấn Lãnh, dọc hai triền sông Hưng Bình đều gọi làng Nam Phổ Cần (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) là làng Truồi. Từ cái làng Truồi “gốc” ấy mà không biết từ bao giờ đã “Truồi hóa” núi Ấn, sông Hưng thành núi Truồi, sông Truồi và cả một vùng đất rộng lớn thành địa danh xứ Truồi hiện nay. Qua bao năm tháng, nước vẫn còn đó những vườn chè trù phú và trở thành loại cây đặc sản của xứ Truồi vì hương vị độc đáo riêng biệt của nó.
|
Chè Truồi bên cạnh chè thành phố Huế được bán ở chợ An Cựu
|
Đối với người dân xứ Huế, những ai thích uống chè xanh, khi đến chợ, họ luôn tìm mua bằng được bó chè Truồi. Khi nâng bát nước chè xanh lên môi nhấp một ngụm, người sành điệu có thể phân biệt được đâu là chè xanh làng Truồi với các làng khác trong vùng.
Trong 36 thôn ở 3 xã Lộc Hòa, Lộc An và Lộc Điền (huyện Phú Lộc) chỉ có 10 thôn ở xã Lộc Hòa (xã vùng cao), 3 thôn ở xã Lộc An (Nam Phổ Cần, An Lại, Phước Trạch) và 2 thôn ở xã Lộc Điền (Đồng Xuân, Quê Chữ) mới trồng được những gốc chè Truồi cho những ngọn chè ngon nhất và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
|
Cách phân biệt chè Truồi với chè của các vùng miền khác trên đất Huế không hề khó. Nếu chè ở các vùng khác thường được để nguyên cành, lá và bó lại thành những bó dài thì chè Truồi được ngắt riêng thành từng lá và bó thành bó bởi những sợi lạt tre tự nhiên. Lá chè của các nơi khác thường to, màu xanh lá cây rất đậm, bao gồm cả lá già và lá non, còn lá chè Truồi là sự chắt lọc những ngọn lá ngon nhất trên cây chè, không phải là những lá non nằm ngoài đọt của cành chè, mà là những lá già và nằm gần với thân cây. Lá chè Truồi nhỏ nhắn, chỉ bằng một nửa hay hai phần ba lá chè của các nơi, có màu xanh mạ non, lá hơi ngả vàng, dày và nhỏ ngọn.
Điều đặc biệt, cũng là chè Truồi, vẫn cách ngắt lá và bó lại thành bó y hệt nhau, nhưng tìm được bó chè ngon, nấu ra bát nước trong xanh một màu xanh trong veo, vừa đắng chát, vừa nồng nàn cũng không phải là điều dễ dàng. Cây chè được trồng ở mạch đất khác nhau sẽ mang một dáng dấp và hương vị khác nhau. Chè Truồi trồng ở vùng đồng bằng, đất ven sông, ven đầm phá, nơi thiếu ánh sáng mặt trời thì cây chè sẽ tốt tươi, lá có màu xanh đậm hơn và to. Ngược lại, những cây chè trồng ở vùng núi, đồi cao, hay những gò đống, nơi ánh nắng mặt trời thoáng đãng, cây chè sẽ còi cọc hơn, lá có màu vàng nhạt, hay màu của mạ non, ngọn nhỏ, lá thường dày và rất giòn. Chính những ngọn chè đó là ngọn chè ngon nhất và chiết ra những bát nước ngọt ngào nhất, uống vào hơi chát mà ngọt mãi nơi cổ họng, không bao giờ bị đỏ quạch, đắng chát.
Khi nấu chè Truồi không nên thêm gừng vì mùi gừng sẽ khử mất mùi thơm tự nhiên của chè xanh. Hương của bát nước chè xanh xứ Truồi tỏa ra thơm thơm, uống vào thấy chát chát ngọt ngọt, khiến những ai quen dùng cứ nhớ, thành “nghiện, ăn xong mà không có bát nước chè xanh là không chịu được”.
Chè Truồi rất ít được bán ở chợ Truồi, không phải vì người dân nơi đây không ưa chuộng mà hầu như nhà nào cũng có ươm vài gốc chè trong vườn. Chè được bán chủ yếu ở các chợ đầu mối, các phiên chợ vào lúc sáng sớm ven đường Quốc lộ 1A, ngay trước mặt chợ Truồi và bên cạnh chân cầu.
Ở làng Truồi, cây chè như gặp đất lành, không nơi nào sánh được, để rồi hòa quyện vào đó mà xanh lên một hình hài. Mỗi ngày, vẫn có những chuyến xe chở chè Truồi ruổi rong bao phiên chợ. Người làng Truồi đi thăm bà con xa gần thường mang theo chục bó chè làm quà. Người các nơi khác đến chơi ở làng Truồi cũng thường được chủ nhà biếu “cây nhà lá vườn” đem về.