Sắc phong thời vua Lê Hiển Tông xác nhận phu nhân Trần Thị Đạo là người làng Thanh Toàn. Phu quân của bà Trần Thị Đạo là một vị đại quan tước hầu, “nhất trụ” triều đình, thuộc cung đình Lê - Trịnh. Phu nhân Trần Thị Đạo có công trong đoàn sứ giả của nhà vua và đã bỏ tiền của cho làng Thanh Toàn dựng cầu ngói… nên được vua Lê sắc phong, làng Thanh Toàn (Thanh Thủy chánh) được miễn sưu dịch. Một vị phu nhân nổi tiếng thời ấy, phải theo lệ thường là “xuất giá tòng phu”, khi mất được táng ở quê chồng!
|
Đình Chiết Bi
|
Tuy nhiên, chúng tôi chú ý truyền ức của cụ Nguyễn Thị Thí, người tôn tạo “Mộ Bà”, có liên quan đến lịch sử cầu ngói Thanh Toàn, phu nhân Trần Thị Đạo, do tác giả Nhật Hạ ghi: “Tôi nghe những bậc cao niên trong họ kể lại, trước khi mất, Ngài chỉ muốn được về chính nơi đã sinh ra mình. Nên dân làng đã tổ chức tang lễ cho ngài theo nghi lễ “lệ làng” là gánh quan tài đi quanh làng một vòng mới hạ huyệt chôn cất. Và hàng năm cứ vào dịp rằm tháng tám âm lịch là ngày kỵ ngài. Ở dưới cầu ngói Thanh Toàn lại tổ chức tế lễ linh đình để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài”.
Với tình hình tư liệu nêu trên, muốn trả lời câu hỏi chủ nhân “Mộ Bà” ở làng Chiết Bi, cần kiểm chứng những khả năng: Phu nhân Trần Thị Đạo chánh quán làng Chiết Bi, lấy chồng là người làng Thanh Toàn, bà nhập tịch làng Thanh Toàn, khi qua đời được táng ở quê hương Chiết Bi và phu nhân là chủ nhân “Mộ Bà” ở Chiết Bi? Phu nhân Trần Thị Đạo gốc làng Thanh Toàn nhưng quê chồng là làng Chiết Bi. Phu nhân Trần Thị Đạo theo chồng về làng Chiết Bi và khi qua đời được táng ở quê chồng là Chiết Bi và là chủ nhân “Mộ Bà”? Chủ nhân “Mộ Bà” không phải là phu nhân Trần Thị Đạo nhưng là một người có quan hệ rất gần với phu nhân Trần Thị Đạo?
Đối chứng thông tin
Chúng tôi đã về xóm Xoài làng Chiết Bi tìm hỏi một số vị cao niên của làng, sống gần ngôi “Mộ Bà”, với niềm mong tìm trong truyền ức những thông tin về chủ nhân ngôi mộ. Cụ Ngô Văn Châu (tuổi Hợi, 80 tuổi) thuộc dòng họ Ngô, đang sống sát phần đất hương hỏa họ Lê, có “Mộ Bà”, kể: “Mộ Bà xưa nay năm trên phần đất họ Lê. Hồi Mậu Thân (1968), xóm Xoài tản cư hết, tui ở lại và thường xuyên trồng trọt quanh “Mộ Bà”. Tui làm cỏ và thắp hương “Mộ Bà”. Bà linh thiêng lắm. Trước mộ có một bình phong, dưới chân bình phong có đặt nhiều tượng “ông mọi” đen thui…làng Chiết Bi và họ Lê phụng tự “Mộ Bà”. Cụ Châu cho biết, gần nhà cụ có nhà cha mẹ ông Lê Văn Lai, nhà anh Lê Văn Hiền, con trai bác Lê Văn Lai. Bác Lai kể: “Cha ông tui kể, Bà (chủ nhân ngôi mộ) họ Trần, là chị em với bà họ Trần làng Thanh Toàn. Bà giàu lắm, không có con. Ông tổ họ Lê bầy tui, chồng của bà, ly hương. Bà tìm quê chồng để về, từng cúng vàng bạc để làng Chiết Bi tôn tạo đình làng, chùa làng, mua đất để làm sinh phần. Bà cũng góp tiền của dựng cầu ngói Thanh Toàn. Khi bà mất, làng “cấm lửa ba ngày”, làm trâu làm bò nhiều lắm, trước cúng sau cấp ê hề… Họ Lê tui cùng với làng lo hương khói “Mộ Bà”…, làng kỵ bà ngày 12 tháng 8 âm lịch…Trong gia phả họ Lê tui có chép tên húy của bà họ Trần ni”. chúng tôi theo lời hẹn, được tiếp cận phổ ý của họ Lê (Chiết Bi), được tôn trí ở nhà thờ, rất cẩn thận. Sau khi anh Lê Văn Hiền (36 tuổi, con trai trưởng của bác Lê Văn Lai ) theo lệnh bác Lai, thỉnh ống đựng phổ ý lên nhà bác ở thôn 9, Lại Thế. Gia phả họ Lê làng Chiết Bi gồm 26 trang giấy bổi, do ông Lê Văn Khai, thân phụ của ông Lê Văn Lai phụng sao từ phổ cũ, được soạn từ thời Cảnh Thịnh. Chúng tôi xin trích phần phiên âm chữ Hán 6 đời đầu tiên: “Đệ nhất thế: Cao cao cao thượng tổ Lê Văn Mạnh… Đệ nhị thế: Cao cao tổ Lê Văn Sơn… Đệ tam thế:…Cao tổ Lê Văn Trí… Đệ tứ thế:…Cao tổ Lê Văn Nguyên… Đệ ngũ thế:… Lê Văn Phước: Cao tổ Lê Văn Phước. Cao tổ tỉ Thị Phước. Thứ thê Trần Thị Nhâm, vô tự. Sanh hạ nhất nam: Văn Lẫm do ly hương tại… Phú Môn xã”
Dựa thêm truyền ức của bác Lê Văn Lai, đời thứ 11, có thể biết ngay ngài Lê Văn Phước, đời thứ 5, chỉ có con trai độc nhất là Lê Văn Lẫm, đã về sống ở làng Phú Môn (Truồi). Vợ chánh, thân mẫu của Lê Văn Lẫm, mất sớm, ngài Lê Văn Phước đã tục huyền với bà thứ Trần Thị Nhâm. Bà thứ không con, nhưng gia đình ông Lê Văn Phước rất giàu có. Khi ông Phước qua đời, bà Trần Thị Nhâm đã về lại quê chồng là làng Chiết Bi, đóng góp tiền của để tôn tạo đình, chùa, điện mẫu làng Chiết Bi, cúng đất hương hỏa cho họ Lê, mua đất làm sanh phần cho bà ở xóm Xoài Chiết Bi.
Vậy giữa truyền ức và gia phả là khá khớp nhau. Bà Nguyễn Thị Thí là cháu ngoại xa đời, nghe người xưa kể trước khi mất, Ngài chỉ muốn được về chính nơi đã sinh ra mình là một thông tin đã bị tam sao thất bản, đúng ra là về nơi sinh ra chồng mình. Bằng chứng bà nhập vào họ Lê chứ không phải họ Trần. Như thế chủ nhân “Mộ Bà” ở Chiết Bi là bà Trần Thị Nhâm, vợ thứ của ông Lê Văn Phước (đời thứ 5), ly hương và từng lập nghiệp ở làng Phú Môn (Truồi).
Tuy nhiên, vì rất nhiều người làng Chiết Bi đều nghe truyền ức rằng chủ nhân “Mộ Bà” họ Trần có công trong việc dựng cầu ngói Thanh Toàn. Vậy phải chăng bà Trần Thị Nhâm và bà Trần Thị Đạo là hai chị em?
Chúng tôi về làng Thanh Thủy Chánh, nhờ bác Trần Duy Chiến, bác Trần Duy Thức tiếp cận nghi tiết tế lễ, gia phả họ Trần làng Thanh Thủy để tìm tông tích của bà Trần Thị Đạo. Qua gia phả họ Trần làng Thanh Thủy, được biết phu nhân Trần Thị Đạo có thân phụ là ông Trần Văn Phó (tổ ông, mộ táng tại Vĩnh Mộc và đã cải táng), Tổ bà Thị Canh (mộ bên mộ chồng), anh trai là Trần Văn Truyền (mộ táng tại Vĩnh Mộc), chị dâu là Ngô Thị Mẹo (mộ táng cạnh mộ ông bà Phó) và bà chị Trần Thị (muội húy). Riêng phu nhân Trần Thị Đạo là vợ của ngài Cần chánh (điện đại học sĩ), tước hầu. Hai con gái của ông Trần Văn Phó không có mộ ở làng Thanh Thủy chánh hay phần mộ họ Trần ở Vĩnh Mộ (Thủy Dương) phụng tự, chứng tỏ hai bà đã theo chồng và mộ phần của quí ngài ở quê chồng.
Chúng tôi về Truồi, tìm họ Lê ở làng Phú Môn. Ở Truồi có nhiều phái họ Lê, sau cùng tìm được họ Lê Phú Môn nhờ bác Lê Văn Chỉ (gốc làng Vinh Thái) hướng dẫn đến gặp bác Lê Vĩ. Bác Lê Vĩ vắng nhà, bác gái nhớ lại: Hai anh em Lê… và Lê… từng tìm họ Lê ở Chiết Bi và quả bà cao cao tổ của họ Lê Phú Môn có bà họ Trần, không con, có tìm về Chiết Bi.
Thay lời kết
Như vậy trước mắt có thể kết luận, phu nhân Trần Thị Đạo có chánh quán làng Thanh Toàn (Thanh Thủy), không phải làng Chiết Bi. Ở làng Thanh Thủy có thờ phụng tế lễ phu nhân Trần Thị Đạo nhưng không có mộ phần, chứng tỏ bà đã theo chồng và mộ phần ở quê chồng.
Chủ nhân "Mộ Bà" ở Chiết Bi là bà Trần Thị Nhâm, vợ thứ của ông Lê Văn Phước, kế mẫu của ông Lê Văn Lẫm, làng Phú Môn (Truồi). Cuối đời bà Trần Thị Nhâm đã tìm về quê chồng là Chiết Bi cúng tiền của cho làng Chiết Bi tôn tạo đình chùa miếu vũ, cúng đất phụng tự cho họ Lê làng Chiết Bi, mua đất lập sanh phần và khi mất làng đã làm đám long trọng. Nếu truyền ức của các vị cao niên làng Chiết Bi là đúng thì chủ nhân “Mộ Bà” là chị ruột của phu nhân Trần Thị Đạo, thuộc đời thứ V của họ Trần làng Thanh Toàn. Do mối quan hệ thân thuộc này, ký ức người làng Chiết Bi bị nhầm bà là phu nhân Trần Thị Đạo.