ClockThứ Tư, 31/12/2014 15:17

Châu bản triều Nguyễn, niềm tự hào di sản Huế

TTH - Tháng 5-2014, tin vui Châu bản triều Nguyễn chính thức được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được báo về. Đây là di sản văn hóa thứ 4 của triều Nguyễn được vinh danh.

Giá trị riêng có

Trong quá trình quản lý Nhà nước, bộ máy chính quyền nhà Nguyễn sản sinh ra hệ thống văn bản hành chính, gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều đình tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình, gọi chung là Châu bản triều Nguyễn.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An tham quan triển lãm Châu bản tại Đại Nội. Ảnh: Trọng Bình

Châu bản triều Nguyễn rất đặc sắc về hình thức. Ths. Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) khẳng định điều đó khi bàn đến giá trị của Châu bản triều Nguyễn. “Không thể phủ nhận ngự phê có nguồn gốc từ Trung Hoa và việc các Hoàng đế nhà Nguyễn phê duyệt lên văn bản bằng mực son là có sự mô phỏng Châu bản của nhà Thanh. Tuy nhiên, do lãnh thổ rộng lớn nên vua Trung Hoa chỉ giải quyết vấn đề lớn, còn lại đều phân cấp cho các cơ quan địa phương. Vì vậy, nếu so về số lượng thì khối tài liệu lưu trữ của nhà Thanh đồ sộ hơn, nhưng tỷ lệ văn bản được Hoàng đế phê duyệt trên tổng thể thì Châu bản triều Nguyễn lại chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều. Đây cũng là một trong những lý do để Hồ sơ châu bản triều Nguyễn nhận được sự đồng tình lớn ở Trung Quốc, trong hội nghị toàn thể tại Quảng Châu ngày 14-5.

Khẳng định Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng xác thực không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho rằng: Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu độc bản có giá trị pháp lý cao nhất của nhà Nguyễn về chủ quyền đất nước, không chỉ có hiệu lực về mặt hành chính trong cả nước mà còn mang tính pháp lý quốc tế. Giá trị của nó được ghi nhận tuyệt đối.

Hình ảnh về Châu bản triều Nguyễn được triển lãm

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, Ths. Phan Thuận An, người có vinh dự đang lưu giữ bản gốc một số tờ Châu bản triều Nguyễn, cho biết: Đây là nguồn tư liệu gốc mà các sử thần của triều đại đã căn cứ để biên soạn nhiều bộ sách đồ sộ chưa bao giờ có trong các triều đại trước đó. Ngày nay, các học giả đã và đang tiếp tục khai thác khối tư liệu này để thực hiện những đề tài nghiên cứu của mình. “Với tính xác thực và mức độ tin cậy rất cao, có thể nói Châu bản triều Nguyễn đã trở thành một di sản văn hóa mang đậm giá trị học thuật của nước nhà. Nếu định nghĩa văn hiến là sách vở và người hiền của một thời đã qua, thì Châu bản triều Nguyễn xứng đáng là một bộ phận tổ thành của nền văn hiến Việt Nam”, Ths. Phan Thuận An khẳng định.

Tìm đường đưa Châu bản về Huế

Châu bản của triều Nguyễn được lưu giữ gắn bó với kinh đô Huế suốt 143 năm tồn tại của nhà Nguyễn, nhưng sau đó được di chuyển qua nhiều nơi và cũng bị mất mát, hư hỏng không ít. Mặc dù Châu bản triều Nguyễn đang được bảo tồn bằng những phương pháp hiện đại, trong điều kiện tốt nhất có thể tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), nhưng “sẽ là vô cùng hữu ích và có ý nghĩa nếu được bảo tồn và phát huy giá trị tại Cố đô Huế”, theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế.

“Một trong những nguồn tư liệu quan trọng góp phần đánh giá lại khách quan và công bằng về triều Nguyễn chính là Châu bản. Châu bản triều Nguyễn ngày càng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá là nguồn tư liệu gốc quý hiếm, có tính chân xác cao”, Ths. Nguyễn Thu Hoài nhấn mạnh.

Cố đô Huế đang gìn giữ, bảo tồn quần thể di tích kiến trúc đồ sộ của triều Nguyễn, cùng những di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Huế là nơi cần nhất những thông tin quý giá chứa đựng trong Châu bản để khai thác cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di sản văn hóa này. TS Phan Thanh Hải nói: “Châu bản đề cập khá nhiều về việc xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả việc bài trí, sinh hoạt trong cung điện. Vì vậy, nhu cầu về tài liệu phục vụ cho công tác tham khảo, nghiên cứu ngày càng lớn”.

Việc khai thác giá trị của Châu bản triều Nguyễn cần có thời gian, nguồn lực và kế hoạch cụ thể. Đến thời điểm này, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức được hai triển lãm trưng bày hình ảnh của Châu bản và một cuộc tọa đàm khoa học về Châu bản triều Nguyễn tại Cố đô Huế. Ngay tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, người ta cũng đã có kế hoạch để thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy Châu bản triều Nguyễn, như: Quảng bá, tuyên truyền và biên soạn Châu bản theo từng chủ đề, nội dung thông tin; thiết kế không gian Châu bản triều Nguyễn phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu về Châu bản bằng nhiều thứ tiếng…

“Bằng cách nào đó, như bản số hóa chẳng hạn, đưa Châu bản triều Nguyễn về Huế để phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Đây cũng là cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra”, TS. Phan Thanh Hải nói thêm.

Bài, ảnh: Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Return to top