ClockThứ Hai, 21/03/2011 13:53

Lăng chúa khó tìm (kỳ 2)

TTH - Hương Thọ với Hải Cát, Kim Ngọc, Định Môn lúc đầu chưa phải là nơi hội tụ của các lăng chúa Nguyễn. Theo Đại Nam nhất thống chí, nguyên trước lăng của chúa Nguyễn Hoàng nằm ở “núi Thạch Hàn, huyện Vũ Xương, tỉnh Quảng Trị”. Cũng không có chi khó hiểu, nơi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, thọ đến 89 tuổi, dựng dinh trại là ở xã Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị). Lăng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên gắn liền với phủ Phước Yên vốn trước kia ở Sơn Phận, Quảng Điền. Hay lăng của chúa Nguyễn Phúc Thuần chinh chiến và chết trận ở miền Nam trước kia ở “địa phận huyện Bình Dương, đất Gia Định, năm Gia Long thứ 8, rước về để ở đấy”.

>> Lăng chúa khó tìm

Chọn vùng đất phía tây Huế với trung tâm là Hương Thọ làm nơi an giấc vĩnh hằng cho mình và cho các bậc tiền nhân của mình, vua Gia Long đã có công đầu trong việc biến nơi đây trở thành một địa chỉ đặc biệt, là “ngôi nhà ở thế giới bên kia” của dòng họ Nguyễn. Công việc quy tập lăng mộ các chúa Nguyễn được các vua Nguyễn thực hiện quá tốt đã giúp cho con cháu và cả những khách thập phương hôm nay thật dễ dàng khi tiếp cận và chiêm ngưỡng.  

Khó có thể tìm thấy ở lăng của các chúa Nguyễn tại Hương Thọ về những đặc sắc trong kiến trúc khi mà tất cả đều được tái xây dựng và tu bổ trong thời gian sau này. Các lăng chúa còn lại đều được xem là những phiên bản của lăng Trường Hưng mà tôi đã có dịp giới thiệu. Vậy nhưng, sự hấp dẫn kỳ thú và bí ẩn của các lăng chúa Nguyễn ở Hương Thọ chính là ở vị trí lý tưởng và sự hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc về phong thuỷ địa lý. Chẳng hạn các lăng mộ chúa đều toạ lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hay đồng ruộng làm “tụ thuỷ”.
 
Đáng buồn ở đây là cảnh quang hoang tàng và vắng lặng đến nao lòng. Lăng chúa Nguyễn Hoàng ở La Khê, phía bên tả ngạn dòng Tả Trạch là một ví dụ. Từ bến đò Kim Ngọc, chúng tôi đi qua con đường quanh co chừng 300m mới được đổ bê tông và những đám ruộng bỏ hoang, mùa này xâm xấp nước là đến lăng Trường Cơ, nằm cạnh Trường THCS Hương Thọ, nơi mười năm về trước nổi tiếng là ốc đảo trong cơn đại hồng thuỷ 1999. Vậy nhưng, sự vắng lặng và bên ngoài quá âm u khiến cho tôi vốn say mê với lịch sử dân tộc gắn liền với hành trình mở cõi về phương Nam không khỏi chạnh lòng khi lần đầu tiên được diện kiến. Không có lối đi vào chúng tôi phải men theo con đường mòn nhỏ, vượt qua hàng rào là lùm cây um tùm như lũ trẻ con ở quê đột nhập vào vườn nhà hàng xóm để cuối cùng đến được trước cửa lăng mới được làm mới. Nghe đâu là do trâu bò chăn thả phá phách quá trời nên họ tộc phải đóng góp làm ngay chiếc cổng “tân cổ giao duyên” này. Phải một hồi loay hoay, chúng tôi mới mượn được chiếc chìa khoá ở người giữ lăng để vào được bên trong thắp cho Ngài một nén nhang chứng giám cho tấm lòng thành kính của mình.
 
Chợt nhớ nhà văn hoàng tộc Vĩnh Quyền. Trong bút ký khá hay“Qua miền phủ đệ”, Vĩnh Quyền kể, từ Festival năm 2000, một số phủ đệ ở Huế trở thành điểm hấp dẫn của các tour du lịch. Nhà văn Vĩnh Quyền cũng dẫn lại ý kiến của nữ nhà báo Pháp Catherine Valabrègue, rằng “một khi quần thể phủ đệ với giá trị lịch sử văn hoá Huế thì Huế như tăng tiềm năng du lịch và hoàn chỉnh bức tranh cố đô của mình”. Vậy nhưng, khi Vĩnh Quyền đặt vấn đề, đã đến lúc quần thể này cần phải được cứu vãn thì chính ông Tôn Thất Hanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Tộc lại tâm sự: “Dạ kính anh! Các lăng chúa đang xuống cấp nghiêm trọng còn chưa được quan tâm thì nói chi tới các phủ đệ”. Nghe chuyện mà cảm thấy lòng mình xót xa. Tiếc cho một di sản quý chưa được nhìn nhận đúng mức! Cũng phải thấy rằng, tất cả những lăng chúa mà tôi có dịp ghé thăm đều được chăm sóc nhưng hình như chỉ mới dừng lại ở mức độ gia đình và dòng họ và với những công việc rất nhỏ.
 
Tôi được biết, dịp Tiết thanh minh, dòng tộc Nguyễn Phước đều tổ chức cho con cháu đi chạp mộ, chạp lăng. Cuộc sống mưu sinh khó khăn, lăng mộ thì nhiều, con cháu lại ở xa, lăng mộ các chúa Nguyễn đều ở tại những đất tốt, ẩm ướt thích hợp cho cỏ dại phát triển, vậy nên chu kỳ một năm chưa có thể đem lại sự phong thoáng. Cỏ dại um tùm mà tôi tận mắt chứng kiến tại nhiều khu lăng mộ là điều không có gì khó hiểu. Cũng tại hầu hết các lăng chúa Nguyễn mà chúng tôi tham quan đều có dấu vết sửa chữa của họ tộc, đặc biệt như lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 2004, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cho dựng bia ở tất cả các lăng ghi rõ tên lăng, tên Đức, tên Huý, năm sinh và năm mất cùng thời gian trị vì của mỗi vị chúa Nguyễn. Một việc làm nhỏ nhưng kịp thời và hết sức hữu dụng. Nó như nhắc nhở chúng ta nhớ lại bậc tiền nhân và chớ vội lãng quên, chớ vội “bắn súng lục vào quá khứ”.
 
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn dành cho các nhà nghiên cứu, quản lý di tích cũng như chính quyền địa phương. Các ý kiến đều nhìn nhận công lao và xem các lăng chúa Nguyễn như một nhân tố góp phần định hình những giá trị văn hoá- lịch sử của vùng đất Cố đô. Người ta cũng nói nhiều đến trách nhiệm bảo vệ hay những kế hoạch được tính đến nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các lăng chúa Nguyễn. Sự tàn phá của thời tiết khí hậu khắc nghiệt cũng như sự xâm hại của người dân địa phương trong vùng biến các khu lăng mộ thành nương rẫy gia đình được nhắc đến và nhấn mạnh như những tác nhân gây nên tình trạng xuống cấp và hư hỏng đáng buồn của lăng chúa Nguyễn ở Hương Thọ. Vậy nhưng, họ như quên đi một thực tế về sự lãng quên của hậu thế hôm nay và một tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của chính chúng ta. Vấn đề là bao giờ và bằng cách nào để đánh tan sự quên lãng, để có ngay những hành động kịp thời và thiết thực.
 
Buổi sáng nay, tôi như có chung một tâm trạng với nhà văn Sơn Nam khi đứng trước lăng Trường Cơ tức lăng Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng (1525-1623). Một cảm giác như được về với cội nguồn, về với hành trình mở cõi. Tâm thế của con người nằm dưới lòng đất kia lớn lắm, là bậc tiền nhân có công đầu của vùng đất phương Nam, từng một thời phên giậu này. Lịch sử có những bước ngoặt gắn liền với phận số của những con người. Vậy nhưng, ít ai ngờ rằng, sự nghiệp trung hưng nhà Lê đang trên đà khởi sự thì Nguyễn Kim bất ngờ bị đầu độc chết. Quyền hành rơi vào tay con rể Trịnh Kiểm. Và rồi, con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông bị loại bỏ không thương tiếc bởi bàn tay người anh rể tham vọng. Nguyễn Hoàng biết mình gặp nguy hiểm, mưu cách giữ thân để tính kế lâu dài đã đem lễ vật đến hỏi quan nhà Mạc đã hưu trí là Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” là 8 chữ vàng lưu truyền hậu thế mà Trạng Trình chỉ giáo. Hiểu được ý nghĩa, Nguyễn Hoàng cầu cứu với chị là Ngọc Bảo, xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hoá. Đất đó thuở ấy xa xôi, hiểm trở, khí hậu lại khắc nghiệt, lại là mặt Nam quân Mạc có thể dùng thuyền vượt biển đánh sau lưng, Trịnh Kiểm đồng ý, dâng biểu tâu vua trao quyền cho Nguyễn Hoàng toàn quyền xử lý. Năm Mậu Ngọ (1558), đời vua Anh Tông, Nguyễn Hoàng vừa tròn 34 tuổi. Khoảng thời gian hơn 200 năm, từ năm 1558 đến 1777 (năm mất của chúa Nguyễn Phúc Thuần), lịch sử nước Việt nói chung, xứ Đàng Trong nói riêng gắn liền với 9 chúa Nguyễn là thời kỳ Nam- Bắc phân tranh và cũng là thời gian mở cõi, định hình vóc dáng giang sơn đất Việt hình chữ S về phía nam. Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn tiếp theo đã vượt qua khuôn khổ họ tộc để trở thành những danh nhân của đất nước. Một trang sử có máu và mồ hôi, có nỗi đau và cả sự oai hùng. Dấu vết còn lại là ở đây, ngay chính trên mảnh đất một thời là thủ phủ xứ Đàng Trong.
 
Tôi lại nghĩ và tưởng tượng về một hành trình thăm lại lăng chúa Nguyễn xưa sẽ là một hành trình thú vị với nhiều khám phá bất ngờ. Có thể là một chuyến đò ngược dòng Hương Giang huyền thoại, dừng lại thăm lăng Trường Hưng và Trường Mậu bên này Hải Cát, rồi qua bến đò Kim Ngọc để tới những lăng chúa còn lại bên La Khê, Định Môn hay Kim Ngọc. Cũng có thể là một chuyến đi bằng đường bộ như tôi và Đính cùng vi vu vào một buổi sáng đẹp trời. Cái thiếu của chúng tôi trong hành trình hôm đó là chưa dừng lại gò Long Thọ, nơi mà vào thời các chúa Nguyễn, khi các chúa Nguyễn Phúc Trăn (Thái), Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Chú, Nguyễn Phúc Khoát băng hà, quan tài đều đem lên quàng tại gò Khương Thượng Khố (tên gọi khác của gò Long Thọ) trước khi đưa đi táng ở vùng núi phía tây nam Huế là địa phận xã Hương Thọ.
 
Hành trình thăm lại lăng chúa Nguyễn mang dấu ấn lịch sử gợi mở trong mỗi người nhu cầu khám phá, xác minh bằng thực tế những gì được học, được đọc, được xem từ trên ghế nhà trường, trong sách báo và cả phim ảnh tài liệu. Hành trình đó cũng dành cho những nhà lữ hành du lịch để hình thành nên những tour, những tuyến hấp dẫn bao người. Và nữa, tiềm năng du lịch Huế sẽ tăng lên bắt đầu từ đây, mà sao ta cứ mãi loay hoay đi tìm cái lạ của xứ người, mà sức ta, trình độ ta sao có thể bì kịp. Xin một lần nữa thắp một nén nhang để tưởng nhớ công lao của các vị chúa Nguyễn đã đem lại cho Thuận Hoá và Phú Xuân xưa, Thừa Thiên Huế một vị thế chẳng nơi nào có được; để hy vọng về một sự đổi thay cả trong nhận thức và hành động của hậu thế hôm nay về một di sản đang bị bỏ quên!

Đình Nam

Thông tin liên quan:

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top