ClockThứ Sáu, 28/10/2016 05:51
DU LỊCH HUẾ:

Không thể tự “kết trái” - kỳ 1: Chưa thấy chuyển biến

TTH - Huế có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy vậy, nếu không có những giải pháp đột phá, quyết liệt từ việc nhỏ nhất, tiềm năng ấy khó “kết trái”.

Du khách trải nghiệm tour “Chiều trên phá Tam Giang” của Công ty du lịch Huetourist

Tam Giang - Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á là tiềm năng du lịch độc đáo của Huế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng nói: “Từ trên cao nhìn xuống mới thấy phá Tam Giang đẹp như thế mà ta không khai thác được thì thật lãng phí”.

Với khoảng 22 nghìn ha, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Sơn thủy hữu tình, non xanh, nước biếc, giàu tài nguyên văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tôn giáo, vùng đất này có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, văn hóa; khám phá, tìm hiểu các loài thủy hải sản, các loài chim phục vụ nghiên cứu, học tập; tìm hiểu đời sống của dân cư và hoạt động làng nghề; nghỉ dưỡng biển và thể thao nước; tham quan di tích lịch sử...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (theo Quyết định số 1955/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020”), UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế tổng hợp vùng kinh tế đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đến năm 2020”. Trong đó, xác định vị trí và vai trò chủ lực của ngành du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng, cũng như đề ra định hướng và nhiệm vụ cụ thể riêng cho ngành du lịch. Mấy năm đã trôi qua, hoạt động du lịch ở đây đang diễn ra chậm chạp.

Không ngoa khi ai đó ví, tiềm năng du lịch của Tam Giang – Cầu Hai là “kho vàng” chưa mở. Nguồn tài nguyên ở đây chưa được khai thác và sử dụng đúng mức cho phát triển du lịch - dịch vụ. Hoạt động tham quan du lịch còn đơn lẻ, chưa thường xuyên. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng còn thấp.

Thiếu nhịp nhàng

Năm 2010, một đợt khảo sát tour, tuyến trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được tiến hành, sau đó một số sản phẩm du lịch được các công ty lữ hành tiếp cận và chào bán. Sau thời gian vận hành thử, số khách đi tour không nhiều, các sản phẩm này lay lắt, khó phát triển.

Bốn năm nay, Công ty du lịch Huetourist là một trong những doanh nghiệp ít ỏi có sản phẩm “đứng” được khi khai thác du lịch trên phá Tam Giang. Tour “Chiều trên phá Tam Giang” đón khoảng 14 khách mỗi ngày, trong đó 60% là khách quốc tế. Quá trình xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm này gặp không ít khó khăn. Môi trường xung quanh đầm Chuồn nhếch nhác, bến thuyền du lịch chưa có, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ... Doanh nghiệp chủ yếu tự xoay do thiếu sự hỗ trợ.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist trăn trở: “Để phát triển sản phẩm, đơn vị đặt vấn đề với chính quyền địa phương đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng tôi được trả lời là chưa có quy hoạch, chỉ đồng ý cho nâng cấp hạ tầng cơ bản, không cho phục vụ ẩm thực trên đầm phá... Nếu khai thác theo quy mô nhỏ như bây giờ thì sản phẩm chạy tốt nhưng sẽ gặp nhiều vướng mắc nếu phát triển lớn hơn”.

Ông Hào đề xuất, để du lịch ở đầm phá Tam Giang phát triển, cần đầu tư xây dựng các bến thuyền, quan tâm làm sạch môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng người dân tồn tại mô hình du lịch dựa vào cộng đồng thông qua cơ chế cụ thể. Thời gian tới, chính quyền cần đồng hành cùng doanh nghiệp bàn giải pháp để vẫn có thể tổ chức ẩm thực trên phá, đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn đảm bảo tốt nhất vấn đề bảo vệ môi trường.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch chia sẻ: “Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp, người dân mở dịch vụ. Nếu không đầu tư hạ tầng thiết yếu, như nhà hàng đạt chuẩn, điều kiện vệ sinh môi trường, giao thông tới điểm đến thì làm sao du lịch có thể phát triển. Chính quyền địa phương phải mạnh dạn đầu tư những gì cần thiết phục vụ phát triển du lịch. Doanh nghiệp đưa khách về thì phải có cầu cảng, luồng lạch trên phá phải được khơi thông”.

Không chỉ Tam Giang – Cầu Hai, trong buổi đối thoại trực tuyến “Du lịch Thừa Thiên Huế - cơ hội và thách thức” được tổ chức cuối năm ngoái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà du lịch Thừa Thiên Huế đang gặp phải: Dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú; các điểm vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm chưa được đầu tư nhiều; thời gian lưu trú của du khách đạt thấp; sự gắn kết giữa văn hóa, di sản với phát triển du lịch chưa cao, hiệu quả chưa như mong muốn; tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách vẫn còn tồn tại; cơ sở hạ tầng đầu tư cho du lịch chưa tương xứng...

Những điểm yếu khác như: Thiếu dịch vụ chuyên nghiệp, thiếu cơ sở hạ tầng giao thông; sự nổi lên của du lịch các địa phương ở miền Trung và sự xuống cấp của các di sản văn hóa ở Huế... đặt du lịch Thừa Thiên Huế vào thế: Nếu không có sự chuyển biến thì khó cạnh tranh.

Minh Hiền

Kỳ 2: Chờ giải pháp đồng bộ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Return to top