Kiểm tra chất lượng lưu trú ở một khách sạn trên địa bàn TP. Huế
Không lễ cũng hết công suất
Đến cuối năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 578 cơ sở lưu trú, tổng số phòng đạt 10.663 phòng, với khoảng 17.000 giường; trong đó có 201 khách sạn với 7.518 phòng. Riêng khách sạn từ 3 - 5 sao có 27 cơ sở với 3.227 phòng, 5.439 giường.
Nếu so sánh số phòng lưu trú vào thời điểm cuối năm 2016 là 10.731 phòng với 17.485 giường thì số phòng lưu trú ở Huế không tăng mà lại giảm. Nếu làm một phép tính so sánh đơn giản là trong 2 năm qua, số lượng khách lưu trú ở Huế tăng khoảng 20% (khoảng 300 ngàn lượt) còn số phòng vẫn giữ nguyên thì đã thấy sự bất cập, dẫn đến hiện tượng cung không đủ cầu như hiện nay.
Vì sao phòng lưu trú ở Huế giảm? Phòng Quản lý Lưu trú, Sở Du lịch cho hay, nhiều cơ sở lưu trú ở Huế đã hình thành từ lâu, đến nay đã không còn đảm bảo chất lượng phục vụ khách. Nhiều doanh nghiệp quyết định ngưng hoạt động để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, nên dẫn đến số phòng giảm, điển hình như Khách sạn Xanh. Trong khi đó, những cơ sở lưu trú chất lượng chưa hình thành mới. Hơn 10 năm qua, Huế chỉ mới có thêm một khách sạn 5 sao hình thành và bổ sung được 200 phòng chất lượng.
Trên thực tế, Huế thiếu dịch vụ lưu trú cũng không hẳn, vì các khách sạn thấp sao, nhà nghỉ vẫn còn phòng. Tuy nhiên, theo xu hướng, đa số du khách và cả doanh nghiệp lữ hành đều chọn lưu trú từ 3 sao trở lên. Do đó, cái Huế đang thiếu là dịch vụ lưu trú chất lượng theo xu hướng phát triển. Điều này càng minh chứng ở kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 kết hợp với Festival Nghề truyền thống Huế vừa qua, công suất trung bình các khách sạn tại Huế đạt trên 75%, riêng các khách sạn từ 3 - 5 sao đạt 100%. Một giám đốc khách sạn 4 sao thông tin, nhu cầu của khách còn nhiều hơn, nhưng hết phòng nên không thể đón thêm khách.
Phía Hội Lưu trú tỉnh thông tin, Huế trong tình trạng thiếu phòng từ 3 - 5 sao kể từ khi khách Hàn Quốc đến Huế tăng mạnh (từ đầu năm 2017 đến nay) và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Không chỉ trong những ngày lễ, những ngày thường, trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 4, các khách sạn luôn đạt công suất 90 - 100%, còn từ tháng 4 trở đi có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.
Lãnh đạo ngành du lịch thừa nhận, nhiều địa phương trong khu vực phải tìm mọi cách để thu hút khách để đến sử dụng phòng, còn với Huế lại ngược lại, cố gắng tăng phòng để đáp ứng nhu cầu của khách. Điều này ít nhiều đang khiến ngành du lịch bị động trong việc thu hút khách.
Sớm có giải pháp
Cũng cần nhìn nhận rằng, việc “cháy” phòng như thời gian qua tạo tiền đề cho Huế tăng được giá dịch vụ lưu trú. Như trước đây, khách sạn 4 sao có giá chỉ từ mỗi phòng khoảng 500 – 600 nghìn đồng, thì nay các khách sạn đã tăng lên mức trên 1 triệu đồng. Công suất tăng, giá phòng tăng nên doanh thu các khách sạn cũng tăng cao và thu nhập của nhân viên cũng tăng theo. Như Khách sạn Hương Giang, ông Nguyễn Đăng Nhẫn, Giám đốc điều hành khách sạn cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, khách sạn đạt mốc doanh thu trên 6 tỷ đồng/tháng.
Đó là mặt tích cực, nhưng đã đến lúc Huế cần có sự đánh giá, có nghiên cứu và cần sớm thu hút đầu tư, sớm hình thành thêm những cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao để đáp ứng nhu cầu của khách. Theo các chuyên gia, điều cần làm của Huế là phải đưa tốc độ tăng trưởng về số phòng lưu trú phù hợp với số lượng tăng trưởng khách đến Huế. Có như thế, Huế mới có quỹ phòng để giữ chân du khách ở lại lâu hơn.
Năm 2020, Huế sẽ có thêm khoảng 4.000 phòng lưu trú cao cấp ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, giúp tăng quỹ phòng cho Huế và có thể đáp ứng được sự tăng trưởng khách. Tuy nhiên, ngoài Chân Mây – Lăng Cô, ngay tại TP. Huế cũng đang rất cần có sự tăng trưởng về số phòng đạt chuẩn chất lượng, vì theo các doanh nghiệp lữ hành, TP. Huế vẫn là nơi được lựa chọn lưu trú đầu tiên của khách.
Theo kế hoạch phát triển dịch vụ lưu trú của Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 ở Huế sẽ có 22.600 phòng, năm 2025 có 38.100 phòng và năm 2030 lên đến 61.400 phòng.
|
Theo ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch, khó khăn nhất chính là quỹ đất để hình thành được những khách sạn cao sao ở TP. Huế. Khu vực có quỹ đất nằm xa trung tâm thành phố, còn ở trung tâm thành phố, những khu đất trống lại có diện tích nhỏ. Những quỹ đất lớn thì được quy hoạch hình thành những trung tâm du lịch lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, đòi hỏi các doanh nghiệp có số vốn lớn.
Theo lãnh đạo ngành du lịch, tín hiệu khả quan là “thị trường” du lịch Huế đang có những chuyển biến tích cực hơn. Điều này kéo theo thị trường, môi trường đầu tư cũng sôi động, đặc biệt là cơ hội thu hồi vốn và sinh lợi ở Huế được rút ngắn thời gian. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư mạnh dạn để đầu tư xây dựng các khách sạn cao sao ở Huế nhiều hơn.
Một giải pháp được cho là phù hợp với Huế hiện tại là khuyến khích các khách sạn thấp sao, hoặc lâu năm hiện đã không còn đảm bảo chất lượng sửa chữa, nâng cấp để nâng cao chất lượng. Mục tiêu hướng đến là có thể số lượng phòng lưu trú ít, nhưng chất lượng đảm bảo vẫn được du khách lựa chọn.
Bài, ảnh: Đức Quang