ClockThứ Năm, 03/05/2012 14:02

Đôi nét về điệu Nam Bình

TTH - Công chúa Huyền Trân là một nhân vật lịch sử. Người con gái tài sắc, đức độ, giữa tuổi đôi mươi đã gạt lệ, kết duyên cùng vua Chế Mân nước Chiêm Thành vào năm 1306 theo sự sắp đặt của vua cha Trần Nhân Tông và triều đình Đại Việt. Cuộc hôn nhân Việt – Chàm nổi tiếng này đã đưa lại đất "hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm" cho quốc gia Đại Việt.

Biết bao nhà nghiên cứu, sưu tầm, văn nghệ sỹ đã lấy sự kiện lịch sử mối tình Huyền Trân – Chế Mân làm đề tài sáng tạo của mình. Điệu Nam Bình – một bài bản ca Huế, là một bài bản “lớn” – như giới trong nghề vẫn gọi, đã có một lời ca nổi tiếng, viết về sự kiện nổi tiếng này. Bài ca ấy có đầu đề “Tình phân ly” và theo nhà nghiên cứu, nhà báo Dương Phước Thu, thì tác giả của bài Nam Bình “Tình phân ly” chính là của ông Võ Chuẩn. Ông là người con của Thừa Thiên Huế, quê Hương Thủy, từng giữ chức Tổng đốc Nghệ An. Tác giả sáng tác lời ca này vào khoảng những năm 30, 40 của thế kỷ XX. Sau đây là lời của bài ca Nam Bình này:

Tình phân ly
 
Nước non nghìn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô – Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì.
Độ xuân thì
Cái lương duyên hay là nợ duyên gì
Má hồng da tuyết
Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ…
Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện đà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần…!
 
Có thể nói, nhiều cái “nổi tiếng” gặp nhau đã làm cho bài ca Nam Bình “Tình phân ly” trở thành bất tử. Chúng tôi nghĩ, lời bài ca trên cần được khắc trên một tấm bia dựng ở Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Bài ca này được dựng để phát thanh ở đền. Người dân và khách thập phương khi đến viếng đền, tâm hồn càng được lắng đọng trong âm điệu và lời ca của điệu Nam Bình khiến không khí tưởng niệm càng được tôn thêm. Chúng tôi còn thấy một bản khác của lời ca này. Ba chữ “Cái lương duyên” thay bằng “Số lao đao”. Thiết nghĩ “Số lao đao” làm hạ thấp ý nghĩa lớn lao của hành động công chúa Đại Việt kết duyên cùng vua Chiêm Thành đầu thế kỷ XIV.
 
Nhân đây, xin nói vài điều về điệu Nam Bình. Như chúng ta đã biết, trong kho tàng ca nhạc Huế được bảo tồn đến nay có điệu Nam Bình. Không có cơ sở nào để cho rằng, điệu Nam Bình như ta biết hiện nay có từ đầu thế kỷ XIV. Đó là một sự ngộ nhận của một vài ý kiến, vì chỉ căn cứ vào nội dung của bài Nam Bình “Tình phân ly” trên kia. Vốn thuộc ca nhạc Huế, điệu Nam Bình bắt nguồn từ dòng âm nhạc bình dân và bác học, và cũng nằm trong quy luật là chịu sự giao thoa, thu nạp các nền âm nhạc khác. Ca nhạc Huế có từ lâu, nhưng các bài bản ca Huế phát triển từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Có người cho rằng, điệu Nam Bình là điệu Bình định phương Nam có từ đời Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỷ XV) khi triều đình phong kiến Việt Nam đánh Chiêm Thành. Rất tiếc là ngày nay chúng ta không còn biết bài bản của điệu Bình định phương nam ra sao. Nhưng phải chăng, điệu Nam Bình đã lấy âm hưởng của nhạc Chiêm Thành nói chung hay điệu Bình định phương Nam nào đó để phát triển và định hình, cho ta một bài bản ca Huế nổi tiếng?
 
Điệu Nam Bình thật đặc sắc, âm nhạc du dương, buồn man mác mà không bi lụy, thâm trầm da diết mà vẫn bay bổng lâng lâng. Lời ca Huế nói chung và điệu Nam Bình nói riêng được sáng tác trau chuốt, hàm súc, lời ít ý nhiều. Điệu Nam Bình còn có các tên gọi mà ngày nay không ai còn gọi, đó là Vọng Giang Nam hay Hạ Giang Nam.
 
Gần đây có bác Minh Cầm, người bạn đời của nghệ sỹ ca Huế Minh Tâm, hiện đang sống ở Thành phố Huế cho chúng tôi biết điệu Nam Bình còn có phần đầu nữa, tức là Thủ Nam Bình. Phần ta đang ca và tấu nhạc hiện nay là phần mình và đuôi Nam Bình. Rất mong có ngày có cả ba phần điệu Nam Bình trọn vẹn.
Minh Khiêm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top