ClockChủ Nhật, 20/08/2017 11:53

E-marketing & khoảng trống của du lịch

TTH - Những thông tin mà chúng ta thường hay tìm kiếm, lịch sử các trang web thường truy cập, thậm chí những thông tin về bạn, như ở đâu, làm gì, có thói quen như thế nào... luôn được các trang trực tuyến xác định thông qua địa chỉ IP, qua Cookie, siêu Cookie (những tập tin nhỏ của các trang thông tin có thể lưu trữ trong máy thông qua trình duyệt web) và các tiện ích bổ sung.

Thậm chí, “người ta” còn có thể xác định được thành phố nơi bạn đang sống, khu vực, con đường, ngôi nhà của bạn. Cũng vì thế cho nên, không có gì là ngạc nhiên khi những gì mà ta quan tâm luôn hiện ra trên bất cứ một trình duyệt nào khi chúng ta hoạt động trực tuyến. Những “dấu vân tay” này đã trở thành những dữ kiện của người dùng được thu thập, đồng thời tương tác trở lại với “thân chủ” của nó. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho E-marketing. Nhiều doanh nghiệp đã biến điều này thành lợi thế trong chiến lược phát triển của mình, tất nhiên là phải cùng với một hạ tầng kỹ thuật được đầu tư...

Thương mại điện tử, hay nói một cách khác là kinh doanh trực tuyến đang mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, kể cả những người buôn bán nhỏ lẻ khác. Mặt khác, với những giao diện tùy biến trên những thiết bị di động cầm tay, kinh doanh trực tuyến đang có một lượng khách trẻ đông đảo – thế hệ được xem là lực lượng chủ chốt trong tiêu dùng kết nối. Một nghiên cứu về hành vi tiêu dùng kết nối của Nielsen dự báo, số lượng người tiêu dùng dạng này ở Việt Nam sẽ tăng từ 23 triệu người của năm 2017 lên 46 triệu người vào năm 2025, với mức chi tiêu hàng năm vào khoảng gần 100 tỷ USD, gấp đôi mức hiện thời.

Người Việt Nam xem điện thoại 150 lần mỗi ngày, tương ứng với 177 phút là con số mà The Consumer Barometer Survey đo lường được. Cần lưu ý là 48% trong số này dành để tìm kiếm thông tin khách sạn, 42% tìm kiếm du lịch trải nghiệm và 37% tìm thông tin chuyến bay. Đó cũng là tiềm năng mở của kinh doanh du lịch - dịch vụ trực tuyến. Tuy nhiên, đây vẫn khoảng trống của các doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực này khi 80% thị phần đặt phòng du lịch trực tuyến ở Việt Nam được khai khác bởi các doanh nghiệp nước ngoài. 20% còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt và đang gặp những cản trở khác về công nghệ, dẫn đến độ chậm trong tương tác với người dùng. Bên cạnh đó là những khó khăn khác về quản lý cộng với những khác biệt về ưu đãi, chính sách thuế...

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho hay, sau 3 năm quảng bá trên kênh Youtube và Facebook, fanpage Vietnam Timeless-charm mới chỉ có 340.000 lượt view và 19.000 lượt người theo dõi thường xuyên. Trong khi đó, các “dư địa” của một số cá nhân hoặc nhóm thích du lịch cũng đã lượt theo dõi cao hơn hẳn, ví dụ số người theo dõi của phuot.vn là 174.156; của Thích du lịch là 327.536; thichdulich.net là  42.779... Nhanh, thiết thực với những chỉ dẫn cụ thể, hóm hỉnh và hợp với từng nhóm đối tượng, lại không tốn chi phí là điểm cộng của các trang này khi tương tác với người tiêu dùng kết nối.

Có thể là hơi quá, song có lẽ Huế - một điểm đến 5 di sản và rất nhiều tiềm năng cảnh quan thiên nhiên khác lại đang nằm trong vùng lõm của khoảng trống này. Ngoài các trang web của hệ thống khách sạn còn thiếu sự kết nối, trang web của Sở Du lịch được cấp giấy phép hoạt động từ 30/12/2016 đến nay mới có gần 240.000 lượt truy cập, lại đang hoạt động khá độc lập, chưa có sự kết nối với các hãng lữ hành, khách sạn và ngoại trừ một trang tiếng Nhật được kế thừa của Tổ chức JICA để quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực Huế đến với người Nhật, trang tiếng Anh hiện vẫn đang được xây dựng.

Dù chậm vì những lý do nào, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với độ trễ và những cơ hội bị lấy mất do thiếu kết nối E-marketing vốn đang được xem là rất lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà du lịch là một trong những ngành được tác động trực tiếp.

LÊ NGUYỄN HÀ CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Return to top