ClockThứ Sáu, 03/03/2017 14:09

Khai thác du lịch tâm linh

TTH - Huế đã thành thương hiệu du lịch nổi tiếng. Đó là thế mạnh để trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn thu hút khách đến với Huế. Nhưng muốn hấp dẫn du khách hơn nữa thì một trong những yếu tố tạo nên nội lực đầy tiềm năng đó là du lịch tâm linh.

Hiện nay, tâm linh được xem như là nhu cầu của một bộ phận xã hội, nó không đồng nghĩa với khái niệm mê tín dị đoan. Du lịch tâm linh cũng là một trong những xu hướng nhằm thu hút khách du lịch nội địa. Vì lẽ đó, nhiều địa phương trong nước đã khuyến khích các nhà đầu tư trùng tu cơ sở vốn có, xây dựng các khu du lịch gắn với tâm linh để thu hút khách đến. Nhìn ra các địa phương vào những dịp lễ hội hay đầu năm mới, các địa danh nổi tiếng thường bị quá tải do lượng lớn du khách theo dạng tâm linh đến chiêm bái, trẩy hội.

Huế là đất Cố đô, thủ phủ của các chúa Nguyễn và triều đại nhà Nguyễn kéo dài trên 400 năm. Đó là khoảng thời gian dài tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam, gắn liền với thể chế xã hội là những tập tục tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo. Trên mảnh đất này có hàng trăm di tích và các địa danh mang đậm màu sắc tâm linh. Huế cũng là cái nôi của các tôn giáo lớn với hàng trăm ngôi chùa, nhà thờ nổi tiếng. Hàng loạt địa chỉ được nhiều người biết đến, như: Nhà thờ Phủ Cam, Dòng Chúa cứu thế, Dòng Thiên An (Công giáo); các chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, Thiên Mụ, Túy Vân (Phật giáo); điện Hòn chén, đền Thánh mẫu (đạo Mẫu). Các lăng vua, chúa thời Nguyễn và những nơi thờ tự ở Triệu miếu, Thế miếu... (Đại Nội). Những địa danh gắn với tâm linh, như: Đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, núi Bân, Ba Đồn, miếu Âm hồn... Một số địa danh mới hình thành và trùng tu gần đây, như: Đền thờ Huyền Trân công chúa, Trúc Lâm thiền viện...

Đi từ Bắc chí Nam, ở tỉnh nào cũng chúng ta dễ nhận thấy sự hình thành các địa chỉ gắn kết giữa du lịch và tâm linh. Những năm gần đây, những địa danh tâm linh nổi tiếng như chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử, đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích, đền Ông Mười... thu hút lượng khách cực kỳ đông vào mỗi kỳ lễ hội và kéo dài quanh năm. Không chỉ những nơi đó nổi tiếng mà một trong những yếu tố tạo nên sức hút đó là sự quảng bá mạnh mẽ của các địa phương. Những câu chuyện huyền thoại mang màu sắc tâm linh tự nó đã quảng bá hiệu quả cho loại hình du lịch này.

Với Huế, những câu chuyện huyền thoại tương tự như vậy không thiếu. Thế nhưng, cảm giác như chúng ta chưa mạnh dạn tuyên truyền và đưa vào chương trình quảng bá du lịch của địa phương. Các hãng lữ hành không thấy quảng bá đầy đủ, có bài bản về loại hình du lịch này. Không hiểu lý do tại sao? Nhưng một vấn đề khác, đó là chủ nhân các cơ sở tâm linh cũng không mặn mà đón du khách đi theo các tour loại này vì theo họ chỉ mất thì giờ. Phải chăng đó là cơ chế chưa được tháo gỡ trong quảng bá và phân chia lợi nhuận trong kinh doanh loại hình này. Được biết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có kế hoạch chuẩn bị mở cửa di tích vào ban đêm, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên mở rộng cửa để thu hút thêm nhiều du khách đến Huế theo dạng du lịch tâm linh, vừa đem lại lợi nhuận cho kinh doanh du lịch, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân xung quanh di tích.

Vấn đề nữa cần đặt ra là phải chủ động tạo thông thoáng cho du khách được tổ chức cúng tế theo phong tục tâm linh. Nói như vậy không có nghĩa là tạo nên nơi thờ cúng chuyên nghiệp mà phải có quy định cụ thể, đảm bảo hài hòa giữa tham quan và tế lễ. Tất nhiên du khách phải đóng góp kinh phí, góp phần cho bảo quản, trùng tu. Làm được điều này không những góp phần thu hút khách mà còn giúp mọi người hiểu thêm về cội nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử và tôn vinh những giá trị đạo đức, nhân văn của tổ tiên.

Phát triển và thu hút khách du lịch đến Huế không nên chỉ trông chờ ở lượng khách mua vé vào các điểm di tích mà phải tổ chức quảng bá, tôn vinh những huyền thoại tâm linh vốn rất nhân văn của Huế. Mở rộng cửa, tạo điều kiện hàng ngày cho du khách đến tham quan cúng tế ở đàn Nam Giao, điện Hòn Chén... cũng là một trong những cách làm. Nhiều nơi họ đã làm có hiệu quả, chẳng lẽ chúng ta lại không làm được...

NGUYỄN PHƯỚC TÙNG  AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Return to top