ClockChủ Nhật, 29/01/2023 10:30

“Kinh đô xưa - Trải nghiệm mới”

TTH - “Đến Huế anh sẽ làm vua/Em làm ái thiếp cho vừa một đôi/Thuyền rồng hai đứa dạo chơi/Sông Hương xanh biếc núi ngồi thông reo”. Trên dòng sông Hương - Doãn Kim Oanh. Đến Huế để tìm lại những điều đã xưa cũ, để ghi dấu ấn hạnh phúc ước hẹn của trăm năm.

“Giữ hồn” áo dài cổ điển

Nét cổ điển càng tô thắm cho tình yêu lứa đôi

“Xuyên không” về quá khứ

Còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày cưới. Mọi thứ cho ngày lễ trọng đại nhất cuộc đời của Bảo Dung (TP. Hồ Chí Minh) đã hoàn tất. Trong một buổi chiều thứ 7 cuối tuần, thấy người bạn đăng lên facebook bộ ảnh cưới bằng cổ phục được thực hiện khi đi du lịch Huế, Bảo Dung nũng nịu với chồng, muốn có một bộ ảnh cưới ấn tượng tương tự. Dù đã có một album ảnh cưới chụp ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng như có điều gì đó thôi thúc, chồng của Bảo Dung đã gật đầu đồng ý ngay với vợ. Sau một vài cuộc điện thoại, chuyến đi Huế diễn ra ngay trong tối hôm đó.

Vượt gần 1.000km bằng đường không trong đêm từ TP. Hồ Chí Minh ra TP. Huế cổ kính, yên bình, Bảo Dung chọn một bộ áo dài Nhật bình (trang phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn), còn chồng chọn một bộ Mãng bào (áo đại triều của hoàng tử, hoàng thân và quan lại triều Nguyễn từ tam phẩm trở lên). Trời dịu mát, không gian cổ kính như tô điểm thêm tình yêu cho đôi uyên ương trong bộ cổ phục đặc trưng. Thời gian như dừng trôi đối với đôi tình nhân.

Bảo Dung chia sẻ, đến Huế mặc cổ phục chụp ảnh trong những công trình kiến trúc có lịch sử hàng trăm năm như đưa vợ chồng “xuyên không” về với quá khứ, với những giá trị xưa cũ.

“Sống trong thời hiện đại, nhưng khi đến với Huế luôn có những khoảnh khắc có thể nhìn, cầm nắm và để hy vọng. Hai vợ chồng mình ra Huế chụp ảnh cưới không chỉ dừng lại có album ảnh độc đáo, theo “trend”, mà hy vọng với chiều sâu của lịch sử, với những giá trị truyền thống đó như là minh chứng tình cảm vợ chồng được lưu giữ và trường tồn như hệ thống di sản vậy”, Bảo Dung bộc bạch.

Đôi vợ chồng đã có tuổi đến Huế chụp ảnh với cổ phục

Không chỉ các đôi uyên ương chuẩn bị cho ngày trọng đại muốn ghi dấu ấn trăm năm trong bộ cổ phục và hình nền là di sản Cố đô, mà không khó để bắt gặp cả những cụ ông, cụ bà - những đôi vợ chồng đã sống với nhau vài thập kỷ. Thay vì tổ chức lễ cưới bạc, vàng, kim cương, thì họ đến Huế chụp một bộ ảnh bằng cổ phục, thể hiện mối tình “già”, nghĩa vợ chồng sắt son không phai mờ theo năm tháng.

Anh Phạm Nguyễn Trung Tiến, chủ Like Studio, tiệm chụp ảnh cưới chuyên về cổ phục thông tin, đến Huế chụp ảnh cưới bằng cổ phục đang là xu hướng của du khách hiện nay. Phong cách chụp ảnh cưới Vintage (cổ điển) trở thành concept (mô hình, bố cục, phong cách, hay nội dung của một buổi chụp ảnh) đậm chất nghệ thuật đối với mỗi bức ảnh. Những mảng màu trầm ấm như phủ lên một sự hoài cổ muốn nhắc các cặp đôi về những ký ức tươi đẹp của tuổi thanh xuân và những giá trị đang nắm giữ. Sự hoài cổ chính là chiếc chìa khóa giúp cho mỗi bức ảnh trở thành công cụ lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng quý của tình yêu.

Nơi tìm kiếm hạnh phúc

Theo những người chuyên chụp ảnh cổ phục nói chung và chụp ảnh cưới bằng cổ phục nói riêng, khi đến Huế, việc chụp cổ phục không mang hàm nghĩa là được “làm vua, làm thiếp” mà sau cùng là tôn vinh tình yêu, giá trị truyền thống trường tồn. Thật may mắn khi Huế là điểm đến thể hiện được sự “đậm đà” về truyền thống, có sức hút với những dòng khách chuyên biệt.

Huế không chỉ là nơi chứng nhân cho hạnh phúc bằng những album cưới truyền thống, mà còn là nơi để tìm kiếm hạnh phúc thật sự. Một điểm đến mà tự nội tại đã biết nâng niu, trân trọng các giá trị truyền thống, yêu thích môi trường, tôn trọng không gian sống, có ý thức chung để giữ gìn và phát triển... Những gì mà Huế đang thay đổi sẽ giúp trở thành thành phố đáng sống mới. Một “kinh đô xưa” với những “trải nghiệm mới”, hướng về chiều sâu của tâm hồn, giá trị truyền thống tốt đẹp.

Tiết trời cuối đông, những tia nắng mới đã báo hiệu mùa xuân đã sắp đến, mùa của sinh sôi, của tình yêu đôi lứa. Những cành mai vàng ở Thế Miếu (Đại Nội) cũng vươn mình chớm nở, như chứng nhân cho hạnh phúc tình yêu của Bảo Dung và chồng mình. Và có lẽ như thầm chúc một tương lai tươi đẹp, trường tồn như ý nghĩa của Cửu Đỉnh ở phía trước Thế Miếu.

Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế: Sự yên tĩnh khoáng đạt của tự nhiên, tính trang nghiêm của môi trường xã hội làm nên tính cách cẩn trọng, sâu lắng của Huế. Đó là tiền đề để xây dựng thành phố thượng tôn bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa truyền thống, trong thế mạnh về cảnh quan hài hòa xanh, sạch, đẹp, du lịch di sản văn hóa, nghỉ dưỡng và yoga - thiền... để tìm về chính mình. Tính triết lý hài hòa của tiền nhân ở xứ sở hạnh phúc là tinh thần chủ đạo để định hình nên đô thị di sản đặc trưng.

“Huế - một quê hương của hạnh phúc” (Hue - A Homeland of Happiness) đã được gợi mở từ lâu. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Huế đang thay đổi từng ngày và sẽ tiếp tục được thay đổi trong thời gian đến. Ngành du lịch đã và sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển những dòng sản phẩm để thể hiện được “Kinh đô xưa – Trải nghiệm mới”. Các sản phẩm sẽ hướng đến chiều sâu, chăm sóc “tâm - thân - trí” để khi đến Huế là cảm nhận, là tìm kiếm và để tận hưởng hạnh phúc.

Thay những lời muốn nói, xin trích lại lời chia sẻ của ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khi đến Huế gần đây: Tôi thấy Huế có luồng gió rất mới. Đó là sự giản dị, mộc mạc mà đáng sống.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Khoác áo mới” cho city tour

Trước thềm năm mới Giáp Thìn, Huế lại có thêm sản phẩm, dịch vụ cho city tour. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, nhiều ý tưởng, sản phẩm mới trong năm 2024 sẽ làm cho city tour đa dạng hơn.

“Khoác áo mới” cho city tour
Kết nối, khảo sát, tìm sản phẩm thúc đẩy du lịch Cố đô

Trong ba ngày từ 15 - 17/9, khoảng 90 doanh nghiệp lữ hành, hội lữ hành trong cả nước về Huế để tham gia chương trình famtrip Huế “Kinh đô xưa - trải nghiệm mới” nhằm tham quan, khảo sát, đánh giá các tour tuyến, điểm du lịch ở Huế.

Kết nối, khảo sát, tìm sản phẩm thúc đẩy du lịch Cố đô
“Check - in” Hoàng cung với cổ phục

Gần đây, phong trào “phục hưng” trang phục truyền thống phát triển mạnh mẽ. Các loại cổ phục có nguồn gốc từ Huế, như áo ngũ thân, áo tấc, Nhật bình được nhiều người yêu thích.

“Check - in” Hoàng cung với cổ phục

TIN MỚI

Return to top