ClockThứ Tư, 09/01/2013 06:11

Được làm nông dân không dễ

TTH - Đến Phước Long (tỉnh Bình Phước) tìm hiểu về cộng đồng người Huế sống ở đây, chúng tôi mới biết điều này – được làm nông dân ở vùng đất này không dễ.

Một ha cao su ở vùng ven thị xã có thể chuyển nhượng trên dưới 800 triệu đồng. Ở sâu chừng mươi mười lăm cây số, một ha điều giá cũng 350 đến 400 triệu đồng.

 

Cứ thế nhân lên. Những gia đình có 5 – 10 ha, thậm chí vài chục ha không hiếm. Vì thế cách sinh hoạt và phong cách giao tiếp của người nông dân Phước Long cũng nhuốm màu thành thị, nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc của người dân quê cũng là điều đáng trân trọng.

 

Chiếm khoảng 20% dân số của thị xã Phước Long, nên việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về cộng đồng người Huế ở đây là điều không dễ. Được sự giới thiệu của bác Hồ Cường, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Huế ở Phước Long, chúng tôi tìm đến Phước Tín, một xã vùng ven của thị xã Phước Long, nơi có đông cộng đồng người Huế sinh sống.

 

Quang cảnh của trung tâm xã Phước Tín cũng na ná như bất kỳ một trung tâm xã nào đó ở Thừa Thiên Huế. Cái khác là lâu lâu người ta lại bắt gặp những ngôi nhà xây hết sức bề thế. Và không khí nhộn nhịp của các xưởng chế biến hạt điều. Bước ra khỏi con đường chính của xóm là bạt ngàn cao su, điều, hồ tiêu. Ở đây có 130 hộ gia đình là người Huế sinh sống, nghĩa là có khoảng hơn 4.000 người.

 

Người Huế ở Phước Tín sinh sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, trồng cây cao su và điều. Cũng có một số cơ sở chuyên chế biến hạt điều – một cây trồng thế mạnh của vùng đất này.

 

Sáng hôm ấy, chúng tôi dậy sớm theo chân anh Nguyễn Văn Trong đi thu hoạch mủ cao su. Gia đình anh Trong di cư vào vùng đất này từ năm 1957. Anh sinh ra và lớn lên ở đây. Nhưng rất lạ một điều là anh vẫn nói giọng Huế. Anh Trong có 2 ha cao su và chục ha điều. Sở hữu một diện tích đất như vậy được xem là hộ giàu. Một nông dân có tài sản năm bảy tỷ giá trị đất là điều chúng tôi khó hình dung được. Nhưng đó là sự thật đối với nhiều người Huế ở Phước Tín. Với nghề phóng viên tôi đã đi đến nhiều vùng nông thôn ở Huế, rồi đến Phước Tín nghe bà con nói thu nhập mỗi năm vài trăm triệu cứ nhẹ như lông hồng.

 

Năm nay giá cao su rớt đến hơn một nửa. Giá hạt điều cũng vậy, chứ những năm trước, mỗi ngày một nông dân thu vài triệu bạc là chuyện thường.

 

Có một câu chuyện hết sức thú vị. Đã là chủ các điền trang thì không bao giờ phải đi cạo mủ cao su, phải đi thu hoạch hạt điều. Tất cả những công việc này đều có nhân công làm. Hàng ngàn ha cao su và điều ở vùng này đã tạo ra công ăn việc làm cho một lực lượng lao động khủng khiếp. Ai không có vườn thì đi làm công. Giá công ở đây cũng rất cao. Hai vợ chồng cạo mủ cao su cho vườn của anh Trong có thu nhập bốn năm trăm ngàn đồng một ngày. Vùng đất này thật sự ưu ái với con người.

 

Khi đời sống kinh tế của người dân khá lên, cái gì phục vụ cho đời sống xem ra cũng có vẻ tinh tươm. Ngôi nhà trẻ của xã đủ sức nuôi dạy gần 400 cháu. Có đến 3 cơ sở đủ điều kiện cho các cháu bán trú.

 

Từ các vườn điều đã sản sinh ra một nghề rất phổ biến ở Phước Tín là chế biến hạt điều. Cơ sở chế biến điều của anh Trợ với hàng tấn điều vỏ một ngày không được đánh giá là một cơ sở lớn.

 

Anh Đoàn Thanh Hóa, Chi hội trưởng Hội Đồng hương Huế ở Phước Tín cho tôi biết, vui nhất ở Phước Tín chính là thời điểm thu hoạch hạt điều. Nếu mủ cao su cho sản phẩm rải rác quanh năm thì thu hoạch hạt điều chỉ tập trung vào một thời điểm. Mùa thu hoạch điều không khí ở các rẫy vui như trẩy hội. Từ mủ cao su và điều kéo theo nhiều điều tốt đẹp cho đời sống của người dân ở vùng đất này.

 

Đêm nay tại nhà anh Hóa, bà con người Huế tụ tập rất đông. Cũng là muốn để gặp gỡ chúng tôi, cũng là mời chúng tôi dùng bữa tối.

 

Men nồng của rượu cần làm ngây ngất lòng người. Giọng Huế vẫn cứ trầm nhẹ ở một miền quê xa lắc.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top