ClockThứ Năm, 01/10/2015 16:38

Dzèng A Lưới tỏa sáng trên đất Nhật

TTH - Giải thưởng Fukuoka (Nhật Bản) hình thành đến nay 26 năm, đã vinh danh trên 100 người trên thế giới. Năm 2015 này, có 251 cá nhân thuộc 31 quốc gia được đề cử. Chung cuộc, ba khuôn mặt xuất sắc nhất được chọn: Nhà sử học Thant Myint-U (người Myanmar, sinh năm 1966), được vinh danh ở mục Giải thưởng lớn; Nhà sử học – xã hội học Ramachandra Guha (người Ấn Độ, sinh năm 1958), mục Giải Hàn lâm; Nhà thiết kế thời trang Đặng Thị Minh Hạnh (người Việt Nam, sinh năm 1961), mục Giải Nghệ thuật và Văn hóa.

Trước Minh Hạnh, người Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng Fukuoka là Giáo sư sử học Phan Huy Lê – Giải Hàn lâm, 1996. Một số gương mặt nổi tiếng của thế giới nhận giải Fukuoka là đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc)…

Những người dự lễ trao giải Fukuoka thích thú với những tấm vải dzèng

Lễ trao giải thưởng Fukuoka 2015 được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Fukuoka vào ngày 17/9/2015. Đến dự có Thái tử và Công nương Akishino, Thị trưởng TP Fukuoka Takashima Soichiro, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Úc, cùng nhiều giáo sư và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa. Trong bài phát biểu của mình, ông Thị trưởng nhấn mạnh: Tôi bày tỏ lòng trân trọng những người đạt giải. Giá trị của giải thưởng là rất sâu sắc. Nó bồi đắp cho văn hóa châu Á thêm một giá trị mới. Những đóng góp sử học, của văn hóa và nghệ thuật thời trang không chỉ cho châu Á mà cả thế giới biết đến, nó mang sứ mệnh trao truyền lại cho thế hệ tương lai trong sự phát triển hướng đến một châu Á của thời đại mới.

Nhân sự kiện đến Nhật Bản nhận Giải thưởng Fukuoka lần thứ 2015, Nhà thiết kế thời trang (NTK) Minh Hạnh đã tổ chức 3 show diễn thời trang Việt Nam, Nhật Bản tại 3 địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế Fukuoka, đền Kego – nơi có bia dành thờ những cây Kim May – Thêu và trong buổi giao lưu cùng Giáo sư Fujiwara Keiyo, các chuyên gia văn hóa Kawachi Hiroko, Nitta Eiji.

Trình diễn trang phục vải dzèng tại Đền Kego

Điều quan trọng nhân sự kiện này, NTK Minh Hạnh đã đưa thời trang Việt Nam lên một đỉnh cao mới với gần 100 bộ trang phục gồm: áo dài và áo, váy bằng chất liệu vải truyền thống Việt, như: thổ cẩm Hà Giang và dzèng A Lưới – Thừa Thiên Huế. Chính hai loại vải này đã chinh phục được thị hiếu của quan chức và người dân Nhật Bản trong xu hướng giữ gìn, bảo tồn trang phục Kimono truyền thống.

Chị Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX Dệt dzèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới đã được biết đến như một nhân vật nổi tiếng vì đó là một người thật việc thật đã có công tập hợp những người thợ dệt ở Tà Ôi, giữ gìn nghề dệt dzèng truyền thống của miền núi Thừa Thiên Huế. NTK Minh Hạnh cùng chị trải những tấm dzèng của những người thợ dệt Tà Ôi ra trước sàn catwalk. Chị Hợp với chiếc khung gỗ mộc mạc cùng những thao tác dệt thủ công đã thao diễn một màn đặc sắc chinh phục những người tham dự. Những cố gắng bền bỉ của những thợ dệt A Lưới đã được NTK Minh Hạnh đánh thức, làm cho dzèng trở nên sống động, quyến rũ, chen chân được vào thị trường may mặc, tiêu dùng hiện nay, được hoan nghênh ở nhiều nước Âu, Á, đặc biệt là Nhật Bản. Tất nhiên, bên cạnh kỹ thuật may mặc của thợ may A Lưới, dzèng đã được khối óc, bàn tay, một niềm đam mê đến nồng nàn của NTK Minh Hạnh cùng đội ngũ các NTK kế cận của chị dày công sáng tạo nên. Tại buổi trình diễn ở đền Kego, nhiều sinh viên Việt Nam ở Khoa Luật Trường đại học Kyushu và trường Thiết kế thời trang Koran đã hỏi mua vải dzèng và được chị Hợp vui vẻ trả lời: “Hôm nay mình đến Nhật Bản để giao lưu văn hóa. Nếu các em muốn mua dzèng, xin hãy liên hệ qua địa chỉ của mình, mình sẽ đáp ứng yêu cầu của các em”. Chị Hợp còn cho biết, khi trở về A Lưới, chị sẽ đem niềm vui hôm nay kể cho chị em trong HTX Dệt dzèng nghe. Từ đó, cùng nhau dệt dzèng đẹp hơn, tìm thêm hoa văn mới, tìm màu sợi tươi tắn hơn để nâng cao chất lượng dzèng bán cho khách.

Thổ cẩm – dzèng A Lưới đã tỏa sáng tại Nhật Bản. Niềm vui hôm nay sẽ là động lực giúp những người phụ nữ Tà Ôi thêm hăng say giữ lấy nghề truyền thống dệt dzèng. Rồi cuộc sống của chị em sẽ ngày thêm ổn định. 

Hoàng Thị Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top