SAU CA PHẪU THUẬT GHÉP TIM VỚI Ê KÍP Y BÁC SĨ TẠI CHỖ, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ BẮT ĐẦU “CÓ DUYÊN” VỚI GHÉP TẠNG XUYÊN VIỆT. HIỆN, ĐƠN VỊ DẪN ĐẦU TRONG CẢ NƯỚC VỀ SỐ CA GHÉP XUYÊN VIỆT. MẶC DÙ Ở DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG, SONG THEO CÁC CHUYÊN GIA, KỸ THUẬT Ở LĨNH VỰC NÀY CỦA ĐỘI NGŨ KHÔNG HỀ THUA KÉM HAI ĐẦU ĐẤT NƯỚC VÀ KHU VỰC.
1/3/2011 được xem là bước ngoặt của Bệnh viện Trung ương Huế với ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do ê kíp đơn vị thực hiện. Việt Nam từ đó vinh dự được đưa vào bản đồ các quốc gia ghép tim trên thế giới. GS .TS Đỗ Kim Sơn, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam khi ấy đánh giá đây là mốc son lịch sử của y học và ngành ngoại khoa trong nước. Từ nền tảng này, các ca ghép tiếp theo đã lập nên những kỷ lục mới, “Việt hóa” quy trình phù hợp với thực tiễn…
Xem lại bức ảnh báo chí về ê kíp tham gia ca ghép tim cách đây hơn 12 năm về trước, GS.TS.BS Bùi Đức Phú, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế vẫn còn xúc động khi kể về thời khắc khó quên trong cuộc đời của một bác sĩ (BS) ngoại khoa.
Sau khi nhận thông tin có tạng hiến tại đơn vị, quyết định ghép tim được đưa ra cho bệnh nhân (BN) Trần Mậu Đức, 26 tuổi, ở TP Huế. Đây là trường hợp suy tim nặng, có thông số đọ chéo phù hợp.
Lúc ấy, BV phải thực hiện trên 30 xét nghiệm cận lâm sàng trung và cao cấp tại hệ thống labo của đơn vị.
|
GS.TS.BS Bùi Đức Phú kiểm tra dụng cụ trước một ca mổ tim |
100 cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên tham gia vào ca phẫu thuật lịch sử ấy được chia thành 8 tổ, kíp trực tiếp ghép có 15 người. “Mọi thứ chuẩn bị rất kỹ càng vì tính chất đặc thù của cuộc phẫu thuật. Tạng hiến lúc này cực kỳ khan hiếm, phẫu thuật ghép tim lại mang tính sống còn nên chúng tôi phải đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất”, GS Phú nhớ lại.
Trong khi ca ghép tim đầu tiên tại BV Quân y 103 - Học viện Quân y (dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Đài Loan) chọn kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ thì GS Phú lại chọn kỹ thuật ghép 2 tĩnh mạch chủ. Kỹ thuật này tuy phức tạp nhưng giảm nguy cơ rối loạn nhịp, tăng hiệu quả điều trị về sau cho bệnh nhân (BN), phù hợp xu hướng phát triển kỹ thuật mổ ghép tim thế giới. Hiện nay, các BV ghép tim tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật này rất thành công.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 5 giờ đồng hồ, kết thúc lúc 3 giờ sáng 2/3/2011. Lúc 5 giờ sáng, khi rà soát lại mọi thứ, GS. Phú mới thở phào. “Cứu được một người trẻ tuổi với kỹ thuật mới hoàn toàn khiến tôi như trút được gánh nặng, áp lực trách nhiệm của người thầy thuốc. Tôi chợt nghĩ về các đồng nghiệp trẻ tham gia kíp phẫu thuật hôm đó và dấy lên hy vọng về tương lai. Có thể đây là cột mốc tạo niềm tin, thúc đẩy họ vượt qua thử thách, vươn tới đỉnh cao khoa học khi cùng nhau hiệp sức làm nên điều ý nghĩa, nhân văn trong y khoa”, ông cho hay.
|
Quy trình thực hiện ca ghép tim đầu tiên và chăm sóc sau ghép cho BN Trần Mậu Đức |
Thành công ca ghép tim tạo ra bước ngoặt lớn, Việt Nam từ đó vinh dự được đưa vào bản đồ các quốc gia ghép tim trên thế giới. Đảng Nhà nước đánh giá cao thành tựu có ý nghĩa này và tập thể ghép tim BVTW Huế đứng đầu danh sách vinh danh “Nhân tài đất Việt” 2011. Điều quan trọng hơn, thành tựu ghép tim này đã động viên đội ngũ tim mạch cả nước tiến hành việc ghép tim bằng chính khả năng của nền y học Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lẵng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. GS.TS Đỗ Kim Sơn, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam thời điểm ấy đã nhắn tin chúc mừng và đánh giá đây là mốc son lịch sử của y học và ngành ngoại khoa nước ta.
|
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (thứ hai từ phải qua) cùng đoàn công tác thăm hỏi sức khỏe anh Trần Mậu Đức sau khi ca ghép thành công
|
Để có được kết quả mỹ mãn trên là một hành trình dài chuẩn bị. Tháng 12/2008, BVTW Huế triển khai đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não” với Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tháng 8/2010, Bộ Y Tế cho phép lấy tim ghép từ người bị chết não. Ngày 20/7/2010 Bộ Y tế cấp Quyết định công nhận BVTW Huế đủ điều kiện để tiến hành ghép tim trên người lấy từ người cho chết não. Quy trình kỹ thuật ghép tim cụ thể, chi tiết đã được các trung tâm ghép tạng quốc tế, đặc biệt là NTUH - Đài Loan thừa nhận, đánh giá cao. Trước ca ghép tim cho BN Mậu Đức, cuốn sách “Quy trình kỹ thuật và hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não” vào năm 2009 do GS.Bùi Đức Phú chủ biên đã được xuất bản miêu tả chi tiết thao tác, cách thức phẫu thuật.
Trong mọi khâu, nhân lực đóng vai trò chủ chốt, thế nên từ năm 1997, BV gửi cán bộ đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, Đức và Viện tim TP.Hồ Chí Minh ở nhiều chuyên khoa như nội tim mạch, gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, chạy máy tim phổi... Cơ sở vật chất tận dụng trang thiết bị sẵn có và tranh thủ từ các chương trình hợp tác quốc tế.
|
GS.TS.BS Bùi Đức Phú kiểm tra sức khỏe, dặn dò bệnh nhân được ghép tim đầu tiên
|
Một chương trình “tập dượt” không kém phần quan trọng chính là phẫu thuật tim hở. Tính đến năm 2011, BVTW đã mổ hơn 8.000 ca tim hở từ trẻ sơ sinh cho đến người trên 80 tuổi. Mô hình tổ chức hoạt động phẫu thuật tim trong một bệnh viện đa khoa là một mô hình đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, BVTW Huế là cơ sở đầu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên môn cũng thực hiện 32 ca ghép thận thành công, tỷ lệ sống cao.
Nếu tính dấu mốc từ năm 1997 nghĩa là Đảng ủy, Ban Giám đốc BVTW Huế đã xây dựng chủ trương, dồn sức chuẩn bị tất cả trong 14 năm cho ca cấy ghép tim được xem là kỹ thuật đỉnh cao trong y học.
Công tác tổ chức được vận hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng ghép tim BV (khoảng 60 người). Sau tháng 7/2010, Hội đồng Ghép tim BVTW Huế họp mỗi tháng một lần, mỗi tổ chuyên môn họp hàng tuần. Tập trung tập huấn trao đổi công tác quản lý bệnh nhân chờ ghép tim, thành lập danh sách bệnh nhân chờ ghép tim, quản lý điều phối nguồn tạng; thực hành thao tác lấy tim và ghép tim thực nghiệm, quản lý kiểm tra chất lượng vật tư trang thiết bị phục vụ ghép tim. Xây dựng kịch bản tổng diễn tập ghép tim theo hiệu lệnh của chủ tịch hội đồng. Đã có hai lần huy động toàn bộ đội ngũ để triển khai ghép tim nhưng sau đó không thực hiện được vì sự thay đổi ý kiến cuối cùng của gia đình người cho chết não.
|
Gia đình BN Trần Mậu Đức tặng hoa cảm ơn bác sĩ ngày xuất viện
|
Lần theo dòng hồi tưởng, GS.Phú kể, nét mặt còn nguyên sự cương nghị: “Nhất định không để xảy ra bất cứ sơ sót nào, phải đảm bảo thành công. Nắm chắc cơ hội sống còn cho bệnh nhân là mệnh lệnh khiến ê kíp chúng tôi tự tin thực hiện ca ghép tim lịch sử ấy”.
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam và cũng là thành viên của ê kip ghép tim bấy giờ, rất phấn khởi. Ông hào hứng: “Với điều kiện và hoàn cảnh còn nhiều hạn chế, ca ghép tim ấy khiến chúng tôi tự hào về trình độ tay nghề của các bác sĩ tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Khi mọi người hỏi về cảm xúc ca ghép đầu tiên ấy, tôi nghĩ cụm từ ‘Made in Viet Nam’ đã nói lên tất cả”.
Ghép tim là kỹ thuật cao đòi hỏi đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị tiềm lực, chuyên ngành tim mạch có truyền thống.
Tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tim tiệm cận với sự phát triển của thế giới, đảm bảo cơ bản các cấu thành liên quan như: Có Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (TTĐPGTQG), lấy - ghép đa tạng, vận chuyển xuyên Việt, đào tạo nhân lực kế cận…
Kết quả ca ghép cho BN Mậu Đức bước đầu đã thiết lập một nền tảng cơ bản cho việc triển khai các ca ghép tim/ghép tạng về sau. Việc tiếp tục triển khai ghép tim tại BVTW Huế góp phần tạo nên bề dày thành tựu ở lĩnh vực này.
|
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp (đầu tiên bên trái) xin nghỉ họp Quốc hội mang tim ghép về Huế năm 2018
|
Lý giải cơ sở thực hiện kỹ thuật y học đỉnh cao, GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế khẳng định: “Trung tâm Tim mạch đã chuyên sâu về phẫu thuật tim. Hàng năm thực hiện xấp xỉ 1.000 ca phẫu thuật tim hở, tuần hoàn ngoài cơ thể và hồi sức tim; trong đó có những ca phức tạp. Trong môi trường ấy, đội ngũ nhân lực được rèn luyện, làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, quy trình ghép tim đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa: Ngoại khoa, nội khoa, chạy máy tim phổi nhân tạo, gây mê hồi sức, miễn dịch, phục hồi chức năng sau mổ. Thiết lập các tổ chuyên môn, xây dựng quy trình chuẩn mực, huấn luyện kỹ càng…Tất cả là điều kiện cần và đủ cho thực hiện ghép tim thuần thục”.
Trong một cuộc hội thảo chuyên ngành, nhiều chuyên gia tim mạch đồng quan điểm rằng ghép tim có muôn vàn khó khăn: Phải tổ chức đồng bộ cả ê kíp, làm xong tổng kết ra quy trình trong điều kiện Việt Nam.
|
Thực hiện, theo dõi gây mê và ECMO trong ghép tim
|
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức đánh giá: “Từ đề tài của Bộ Y tế năm 2011 về ghép tim từ người cho chết não, sau một thời gian, BVTW Huế đã “Việt hóa” quy trình ghép tim dựa vào đặc thù thực tiễn của đơn vị. Trên cơ sở quy trình chuẩn, đã có sự “thích nghi” với điều kiện Việt Nam, thuốc men, thiết bị hỗ trợ, phương tiện vận chuyển... Cũng từ đó mới có những ca vận chuyển, ghép tạng xuyên Việt mà BVTW Huế là một điển hình.
Trong khi ở các nước phát triển dùng trực thăng vận chuyển phục vụ ghép tạng thì Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng máy bay dân dụng. Thách thức của ghép tim là người hiến tặng không nhiều so với nhu cầu nhận tạng, do vậy sáng kiến “Ghép tim xuyên Việt” là một giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu ghép và duy trì hoạt động của kỹ thuật này tại nước ta. Các nhà quản lý ngành y ví von, đây là sáng tạo độc đáo, tựa như "trong cái khó ló cái khôn" ở điều kiện nước ta hiện nay.
|
Ê kíp lấy tim trong một lần đưa tạng hiến từ sân bay về BVTW Huế |
Một khó khăn của việc vận chuyển là các chuyến bay có giờ cố định. Do đặc thù vị trí địa lý, các chuyến bay Huế -Hà Nội, Huế-TP. Hồ Chí Minh và ngược lại mỗi ngày chỉ vài chuyến. Khó khăn đặt ra là phải tính toán để việc lấy tim sát giờ máy bay cất cánh, đồng thời quả tim đáp tại Huế trong thời gian ngắn nhất.
Dưới sự tham gia và chỉ đạo sâu sát của GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, đã có 9 ca ghép tim xuyên Việt thành công tiếp nối ca ghép tim đầu tiên.
Theo dõi sát sao diễn biến các ca ghép tim, GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhận định: “Đây là một thành công xuất sắc trong điều kiện khu vực miền Trung khan hiếm tạng hiến, chưa có phương tiện vận chuyển đặc thù. Thành tích ấn tượng khác của đợt ghép tim xuyên Việt đó là thời gian lấy tạng, ghép tạng và hồi phục tạng sau ghép của ê kip ghép tim BVTW Huế ngày càng cải thiện, rút ngắn, thể hiện trình độ và đẳng cấp của đội ngũ ghép tim trẻ”.
|
ThS. BSCKII. Trần Hoài Ân (bên phải), người "cải tiến" kỹ thuật cho tim ghép đập lại sớm hơn
|
TS.BS Hồ Văn Linh, Trưởng khoa Phẫu thuật - Ung bướu, Trung tâm Ung bướu BVTW Huế - người nhiều lần tháp tùng ê kíp lấy tim hiến cho rằng, thực trạng giao thông ở các thành phố lớn là một áp lực đối với việc di chuyển. “Để cứu sinh mạng một con người, cả hệ thống phải vào cuộc bao gồm Trung tâm Điều phối tạng quốc gia (TTĐPTQG), cảnh sát giao thông dẫn đường, hãng hàng không lập lối đi và an ninh riêng, thậm chí cả chuyến bay chấp nhận trễ giờ cất cánh để chờ tim. Đây là sự ưu ái của hệ thống chính quyền, tổ chức đối với ngành y. Tất cả đều vì mục tiêu nhanh nhất có thể nhằm đưa tim hiến về kịp ghép”, BS.Linh nói thêm.
Không chỉ ghép “xuyên Việt”, thực tiễn khiến đội ngũ y bác sĩ BVTW Huế lập ra “bí kíp” khi nguồn tim hiến còn hạn chế nhằm tìm sự tương thích giữa người cho – người nhận về chỉ số khối cơ thể, độ tuổi, cân nặng…
ThS. BSCKII. Trần Hoài Ân - Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVTW Huế - người có mặt ở tất cả các ca ghép tim bật mí: “Chúng tôi có một vài ‘cải tiến’ như kỹ thuật cho tim ghép đập lại sớm hơn, những mạch máu không cần thiết sẽ thực hiện nối lại sau”.
Trong khi BN suy tim giai đoạn cuối có tình trạng huyết động rất mong manh. Nguy cơ ngưng tim, suy hô hấp tuần hoàn luôn thường trực. Ở khâu gây mê, BS phải cẩn thận, tinh tế. “Chúng tôi đã áp dụng phối hợp nhiều kỹ thuật gây mê hồi sức trong phẫu thuật ghép tim: Gây mê cân bằng với từng liều nhỏ cho đến khi đạt đến độ mê sâu theo yêu cầu mê nhanh, tỉnh nhanh. Kỹ thuật theo dõi độ mê sâu, độ đau bằng máy theo dõi độ đau, độ mê sâu số hóa. Kỹ thuật theo dõi huyết động với catheter động mạch phổi. Kỹ thuật gây mê hồi sức theo chiến lược hồi phục sớm sau phẫu thuật tim… Chính nhờ sự phối hợp các kỹ thuật gây mê hồi sức tiên tiến này mà tất cả các bệnh nhân ghép tim tại BV đều thành công, thời gian rút nội khí quản, thời gian hồi phục sau mổ, thời gian ra viện sớm”, BSCK II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức tim mạch chia sẻ.
|
|
Trong số 10 ca ghép tim, năm 2019 và năm 2022, BVTW Huế ghép 6 ca xuyên Việt. Ngoài vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc, ghép tim còn thể hiện mục đích nhân đạo cao cả. Ấy là khi GS.TS.BS Phạm Như Hiệp đang trong kỳ họp Quốc hội năm 2018 xin phép nghỉ một ngày tham gia vào ca phẫu thuật lấy tim từ Bệnh viện Việt Đức đưa vào Huế ghép cho bệnh nhân. Ca ghép thành công, GS. Hiệp tức tốc quay trở lại Hà Nội tham gia vào nghị trường Quốc hội.
|
Sử dụng máy bay dân dụng, một "sáng tạo" trong khâu vận chuyển của ghép tim xuyên Việt
|
Vì sinh mạng con người, khoảng cách về địa lý không còn là trở ngại. Buổi sáng chuyển giao ghép thận ở TP. Hồ Chí Minh; buổi chiều ghép tim tại Huế là điều không ai nghĩ tới nhưng thực tế đã xảy ra. Khoảng cách di chuyển giữa hai địa điểm nói trên cách nhau 1.000km. Sáng 6/5/2022, trong lúc chuẩn bị ghép thận cho ca thứ 2 tại BV Nguyễn Tri Phương, nhận thông tin có tim hiến từ TTĐPTQG, đoàn tách người đi lấy tim mang về Huế ghép. Buổi trưa, khi trái tim hiến lên máy bay thì chiều cùng ngày, tim đập trở lại trong lồng ngực bệnh nhân M.S.H (37 tuổi). Ca ghép này cũng lập kỷ lục thời gian từ khi lấy tim đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian mổ cũng ngắn nhất.
Việc thực hiện hai ca ghép cùng một lúc vô hình trung tạo áp lực cho ê kíp mổ. Nhưng vì cứu người bệnh, “những thiên thần áo trắng” đã vượt qua trở lực đó một cách ngoạn mục. Ngoài sự phối hợp nhịp nhàng, chuyên môn nghiệp vụ tốt, người làm ngành y cần cả sức khỏe và tinh thần thép trong mọi hoàn cảnh.
Không đơn thuần là dùng y thuật cứu người, có lúc hành trình ghép tim xuyên Việt trở thành một “cuộc chiến cân não” giành lại sự sống cho BN. Chủ tịch Hội đồng ghép tạng, GS Phạm Như Hiệp đã ví von như vậy khi kể về ca ghép tim xuyên tâm dịch COVID-19 khiến ông nhớ mãi. Đầu năm 2022, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các phương tiện ngưng trệ nên kế hoạch điều phối tạng liên tục thay đổi.
Không còn chuyến bay, gần 12h đêm, xe BVTW Huế mang theo mẫu máu của BN đi Hà Nội. Chuyến bay ngày 3/1/2022 Hà Nội về Đà Nẵng khởi hành muộn hơn dự kiến khi cả phi hành đoàn lẫn hành khách cùng chờ đón một cơ hội sống cho Huế. Máy bay hạ cánh, xe cấp cứu chở đoàn từ Đà Nẵng về BVTW Huế thực hiện cuộc mổ. 19h02 tối cùng ngày, ca phẫu thuật thành công, những dồn nén lo lắng như tan biến, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm.
“Quãng đường cả đi lẫn về hơn 1.000 km với đủ phương thức di chuyển trong điều kiện hạn chế tiếp xúc vì COVID-19. Thời gian lúc ấy quý báu vô cùng bởi chúng tôi phải đảm bảo thời gian thiếu máu tim dưới 4 giờ đồng hồ. Nghĩ lại thấy thương anh em lúc đó, ăn ngủ nghỉ trên xe, di chuyển liên tục, chạy đua từng thời khắc. Đúng là hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt và đầy thử thách khiến mọi người phải đoàn kết, thống nhất từ hậu phương cho đến tiền tuyến” GS.Hiệp trải lòng.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo tỉnh tác thăm ca ghép tim thứ 10 trong chuyến công tác tại BVTW Huế tháng 7/2023
|
ThS.BSCKII Trần Hoài Ân – Chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVTW Huế là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật ghép tim 2 tĩnh mạch chủ cho hầu hết các ca bệnh.
Hỏi ông về điều ấn tượng nhất và những ký ức khó quên, ông cười: “Mỗi ca mỗi vẻ, thật khó để lựa chọn. So với tạng khác, ghép tim luôn trong tình huống căng thẳng, áp lực và không cho phép xảy ra sai sót. Những đường khâu 5 miệng nối cần sự chính xác, bác sĩ phẫu thuật không có cơ hội để sửa bất cứ mũi khâu nào”.
|
Clip bộ trưởng thăm ghép tim và tặng Bằng khen cho kíp ghép
|
Với phẫu thuật viên ghép tim như BS.Ân, ca ghép tim năm 2018 cho một BN trẻ tuổi khiến ông hài lòng nhất. Do không đủ thời gian mang máu BN đi Hà Nội đọ chéo, Giám đốc BV Việt Đức khi ấy để đội ngũ đơn vị lấy trái tim gửi đi Huế. Đối với TTĐPGTQG, đây là ca điều phối tim khá hy hữu bởi quãng đường đi vừa phức tạp, vừa phải sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển. Nhằm tiết kiệm thời gian, các bác sĩ thực hiện luôn thao tác ban đầu liên quan đến kỹ thuật ghép tim ngay trên xe. “Cha cậu ấy mất vì bệnh, anh trai mất vì bệnh tim, gia đình chỉ còn cậu ấy là niềm hy vọng. Những nỗ lực của đội ngũ ghép tạng đã được đền đáp, cuộc đời một thanh niên suy tim bước sang trang mới”.
Nội dung: TUỆ NINH
Ảnh: TH. HIỂN, Đ.TOÀN, C.ĐẠT, BVCC
Đồ họa: THƯỢNG HIỂN
Thiết kế: T.Q.L