SAU CA PHẪU THUẬT GHÉP TIM VỚI Ê KÍP Y BÁC SĨ TẠI CHỖ, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ BẮT ĐẦU “CÓ DUYÊN” VỚI GHÉP TẠNG XUYÊN VIỆT. HIỆN, ĐƠN VỊ DẪN ĐẦU TRONG CẢ NƯỚC VỀ SỐ CA GHÉP XUYÊN VIỆT. MẶC DÙ Ở DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG, SONG THEO CÁC CHUYÊN GIA, KỸ THUẬT Ở LĨNH VỰC NÀY CỦA ĐỘI NGŨ KHÔNG HỀ THUA KÉM HAI ĐẦU ĐẤT NƯỚC VÀ KHU VỰC.
Tháng 3/2011, trong một bài viết nghiên cứu chuyên ngành tim mạch, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc của BVTW Huế lúc bấy giờ có nêu: “Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng, hoàn thiện trong chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện quy trình, hy vọng có thể thực hiện một cách thường quy ghép tim trong thời gian sớm nhất”. Vài năm sau, điều này đã trở thành hiện thực…
Nói về thời gian vàng trong quy trình ghép tim tại BV Trung ương Huế, trong thực tế, khi Hội đồng Ghép tạng tại đây kích hoạt ghép tim (xuyên Việt), 15-30 phút sau, tất cả các kíp đều có mặt bàn bạc, hội chẩn, triển khai công việc. Có được thành tựu như hôm nay là một quá trình tổ chức vận hành đồng bộ, nhịp nhàng, nâng lên tầm chuyên nghiệp.
“Khi đó chỉ có chạy văng dép, may ra mới kịp”, một bác sĩ trong kíp vận chuyển tạng ví von cuộc chạy đua thời gian bằng thuật ngữ dân gian rặt chất Huế. Tuy nhiên, ai nấy đều thừa nhận, nếu không có sự quyết liệt từ Chủ tịch Hội đồng ghép tạng, Giám đốc BVTW Huế - GS. TS. BS Phạm Như Hiệp, có lẽ họ đã không quen rèn giũa trong gian khó, thử thách, áp lực.
|
Tim lên máy bay được chăm sóc, theo dõi đặc biệt cho đến khi xuống sân bay
|
ThS.BSCK II. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế chia sẻ: “Lệnh từ Chủ tịch Hội đồng ghép tạng là ưu tiên số 1, buộc mọi người phải vào cuộc lập tức vì mục tiêu cứu sống sinh mạng bệnh nhân. Chúng tôi học cách làm việc tập thể. Ai cũng mang trong mình lòng nhiệt huyết, sự đồng thuận, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Qua quá trình như vậy mới xây dựng được đội ngũ “thiện chiến”, đưa ghép tim trở thành thường quy. Sau mỗi ca ghép, Hội đồng ghép tạng tổ chức họp rút kinh nghiệm, rà soát các vấn đề cũng như tình huống phát sinh nhằm nâng cấp, đưa quy trình vận hành ngày càng chuyên nghiệp hơn”.
BSCK II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức tim mạch dẫn chứng khâu vận hành “khớp lệnh” từ bộ phận của ông như sau: Khoa sẽ kích hoạt hệ thống phục vụ công tác phẫu thuật ghép tim trong trạng thái “Standby” sẵn sàng. Cùng với đó là phối hợp chọn, chuẩn bị bệnh nhân trước mổ. Khám-tư vấn trước mổ, xét nghiệm, máu truyền. Giải thích rõ ràng cho bệnh nhân và người nhà về cuộc gây mê cho phẫu thuật ghép tim.
Phối hợp với BS miễn dịch sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đúng thời gian. Cử người tham gia kíp chẩn đoán & hồi sức chết não. Cử người tham gia kíp lấy và bảo quản tim. Chuẩn bị phòng mổ, phòng hồi sức tích cực, máy móc, thiết bị, thuốc men. Huy động nhân lực, phân công các kíp chuyên môn. Giữ liên lạc thường xuyên với Chủ tịch hội đồng ghép tạng, các kíp khác nhằm nắm lịch trình của tim hiến, quyết định thời gian gây mê cho bệnh nhân nhận tim. Đặt vào thực tế, đây là khối công việc không hề nhỏ, song thời gian chuẩn bị đến hoàn thiện được tính bằng giờ.
|
Gây mê, theo dõi nhịp đập của tim trong quá trình ghép tim |
Bình quân mỗi năm, Trung tâm Tim mạch phẫu thuật khoảng 1.000 ca tim hở; 500 ca phổi, mạch máu; 200 ca ghép tạng (thận, tim, gan), ngoài ra có 4.000 ca chụp, thăm dò, can thiệp tim mạch/năm… Những con số ấn tượng này chính là nền tảng quan trọng cho việc thiết lập quy trình ghép tim thường quy tại BVTW Huế.
GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cảm phục: “Việc vận chuyển tạng bằng hàng không dân dụng cần có hiệp đồng chặt chẽ. Tôi đánh giá cao thành tựu ghép tim tại BVTW Huế vì lý do này”.
Rồi ông chậm rãi kể: “Hơn 30 năm trước, tại Huế, cố GS. TSKH Lê Thế Trung, Giám đốc Học viện Quân y lúc bấy giờ hỏi tôi với tư cách là một thủ trưởng hỏi trưởng phòng nghiên cứu khoa học của học viện rằng: Dưới góc nhìn một nhà khoa học trẻ, học viện ta muốn phát triển thì nên triển khai kỹ thuật gì’? Tôi không ngần ngại trả lời: Ghép thận! GS Trung chất vấn vì sao lại chọn ghép thận? Tôi đáp: Ghép thận là đích đến của khoa học, đỉnh cao y học của Việt Nam thời điểm ấy. Khi thực hiện đỉnh cao này, không chỉ chuyên ngành ngoại khoa phát triển mà còn kéo theo nhiều chuyên ngành khác, tạo nên sự đồng bộ về nghiên cứu khoa học mạnh trong đơn vị y tế”.
|
Một phiên hội chẩn ghép tim diễn ra khẩn cấp ngay khi nhận thông tin có tạng hiến từ TTĐPGTQG
|
Không chỉ ghép thận, BVTW Huế đã thực hiện ghép tim - một kỹ thuật đỉnh cao về ghép tạng dù đi sau thế giới. Song ở nước ta lúc ấy, thành quả ca ghép tim đầu tiên “do ê kíp Việt” thực hiện sớm và đúng lúc. Nó là đỉnh cao của khoa học kéo theo chuyên khoa ngoại khoa lồng ngực, ngoại khoa mạch máu, huyết học, nội khoa, sinh hóa… “Đến thời điểm này, các bạn đã gặt hái thành tựu đáng nể phục”, GS Trung ghi nhận.
Ghép tim/ghép tim xuyên Việt tại BVTW Huế kéo theo các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, đề tài nghiên cứu sau ĐH.
Các chuyên ngành hỗ trợ như miễn dịch, gây mê hồi sức liên quan ghép tim cũng phát triển song hành, phục vụ tốt cho ghép tim và các tạng khác. Hơn 12 năm qua, các kỹ thuật thường quy ghép tim dần ổn định và được củng cố trong hệ thống chuyên khoa tim mạch. Nhiều kỹ thuật điều trị suy tim giai đoạn cuối được triển khai, phổ biến, giúp kéo dài thời gian sống cho BN trong giai đoạn chờ ghép tim.
|
Cán bộ Trung tâm ghép tạng, BVTW Huế rà soát thông tin chuẩn bị cho đợt vận động hiến tạng
|
GS.TS Bùi Đức Phú, nguyên Giám đốc của BVTW Huế cho hay: “Từ khi thực hiện ca ghép tim thứ hai, PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Hữu nghị Việt Đức giúp chuyển quả tim hiến từ Hà Nội về Huế đã nhìn thấy sự vận hành chuẩn mực và trình độ năng lực của các kíp, tổ chuyên môn, nên PGS Ước đánh giá rất cao kỹ thuật ghép tim tại BVTW Huế”.
“Tuy làm việc ở xa Huế, tôi vẫn dõi theo và nắm thông tin về các ca ghép. Tôi nghĩ rằng, đây là món quà lớn cho sự nghiệp đào tạo chuyển giao thế hệ - mà với tư cách người thầy, đàn anh, nhà quản lý đi trước, tôi rất tự hào. Các em và BVTW Huế đã tiếp tục nuôi dưỡng, thực hiện kỹ thuật đỉnh cao này trong y học”, GS Phú nói thêm.
Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu bệnh tật. Với thực trạng đó, ghép tim trở thành cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Tuy nhiên, kỹ thuật cao này dù mang lại cơ hội sống cho BN suy tim song còn một số trở lực lớn như nguồn hiến tạng còn khá hiếm so với nhu cầu, BHYT chưa hỗ trợ nhiều cho chi phí ghép tim nên gói chi phí cho cuộc phẫu thuật này trên dưới 1 tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc điều trị cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống về sau…
|
Lấy tạng từ người cho chết não tại BVTW Huế
|
Làm thế nào để giảm chi phí ghép tim vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Một chuyên gia tim mạch ở miền Trung đề xuất, trước mắt cần dựa vào nguồn bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, sự tài trợ các đơn vị hảo tâm trong và ngoài nước, kinh phí khoa học, đặc biệt là sự đồng thuận phối hợp chi trả của gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên về lâu dài, nên chăng cần có sự “mở trần” của bảo hiểm y tế cũng như Quỹ Hỗ trợ quốc gia cho kỹ thuật đặc biệt có tính chiến lược này.
Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG), bình quân mỗi năm, cả nước vận động được khoảng 10 người chết não hiến tạng. Năm 2019, con số vận động được lên tới 20 trường hợp. Tại miền Trung, những trường hợp này khá hiếm hoi. Ca hiến tạng đầu tiên tại BVTW Huế chứng minh những cản ngại về truyền thống rằng việc hiến tim khó được chấp nhận tại Huế đã phá bỏ. Ấy vậy, 12 năm sau, chỉ có thêm một ca hiến tạng tại chính BV trên hành trình về quê nhà Nghệ An.
Trên trang truyền thông của đơn vị, PGS. TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc TTĐPGTQG đưa ra so sánh: BS Việt Nam ghép tạng không hề thua kém BS trên thế giới. Hàn Quốc (đất nước có văn hóa đời sống tương đồng Việt Nam) có 50 triệu dân, mỗi năm thực hiện được 5.000 ca ghép tạng. Dân số Việt Nam nhiều hơn Hàn Quốc song số ca ghép tạng lớn nhất trong 1 năm là 1.000 ca; còn lại khoảng vài trăm ca. “Một người hiến tạng cứu được rất nhiều người khác. Hiến tạng là sự đóng góp của cả cộng đồng giúp bệnh nhân thoát khỏi cửa tử”, ông kêu gọi.
|
Các bạn trẻ đăng ký hiến tạng tại Lễ phát động Hành trình Đỏ - Giọt hồng xứ Huế
|
Nếu có nguồn tạng hiến, số ca ghép tim tại BVTW Huế có thể tăng lên, nhiều bệnh nhân (BN) có thêm cơ hội sống. Trung tâm ghép tạng BVTW Huế nhiều lần vận động hiến tạng đối với nhiều gia đình các BN chết não song không nhận được sự đồng thuận vì lý do: “Điều này quá đột ngột”.
BS Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, BVTW Huế định hướng: “Để hiệu quả hơn trong truyền thông, chúng tôi kết hợp với hoạt động hiến máu nhân đạo bởi phong trào này đã có nền tảng và thành quả. Tại đợt ra quân phối hợp cùng đợt phát động hiến máu mới đây, một số người đến tìm hiểu hiến tạng và đã gọi điện đăng ký hiến tạng ngay sau đó”.
Dự kiến, Trung tâm Ghép tạng BVTW Huế sẽ thành lập Chi hội vận động ghép tạng phối hợp với các tổ chức tôn giáo, tác động kêu gọi hiến tạng, san sẻ sự sống, gieo mầm thiện tâm. Công tác hiến tạng phải triển khai sớm, mưa dầm thấm lâu, nhằm tạo sự thấu hiểu, lan tỏa trong người dân.
Cuối năm 2023, Trung tâm ĐPGTQG phối hợp cùng BVTW Huế sẽ tổ chức hội thảo trong xác định chết não. Đây là khâu quan trọng giúp các BV tuyến dưới xác định tình trạng chết não, hồi sức chết não. TTĐPGT quốc gia và BVTW Huế sẽ mở 2 lớp đào tạo chết não cho các BV tuyến dưới và lớp đào tạo vận động hiến mô tạng cho BVTW Huế cũng như các BV khu vực miền Trung.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, người rất quan tâm đến lĩnh vực ghép tạng nhấn mạnh: “Công tác vận động hiến tạng cần phải thay đổi tư duy người dân, thay đổi về cách truyền thông. Các ngành, hội, tổ chức tôn giáo cùng vào cuộc với ngành y để cộng đồng hiểu ý nghĩa ghép tạng và thay đổi quan niệm chưa đúng về hiến tạng. Có như vậy mới nâng được số lượng hiến tạng”.
Nguyên tắc ghép tạng thường là chọn nơi ghép gần nhất, an toàn nhất để phẫu thuật cho BN. Ở vị trí miền Trung như BVTW Huế thì ghép tạng xuyên Việt là giải pháp tìm cơ hội sống cho người bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc phụ thuộc tạng hiến điều phối từ Trung tâm ĐPTQG và khắc phục được khó khăn về mặt địa lý.
Tuy nhiên, Giám đốc BVTW Huế cho rằng: “Không phải xuất phát từ “miền Trung” mà đánh giá ghép tim/ghép tạng tại Huế nhỏ bé. So với mặt bằng chung, chúng tôi có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực - cơ sở vật chất. Sự thuận lợi trong xuất phát điểm, tinh thần chủ động đón đầu công nghệ, BVTW Huế tự tin triển khai thường quy kỹ thuật cao này. Bằng chứng đến nay, từ ghép thận, đơn vị tiến đến ghép tim, ghép gan…thực hiện tổng số hơn 1.500 ca”.
|
Đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn đầu thăm và trò chuyện với bệnh nhân tại BVTW Huế tháng 7/2023
|
Trò chuyện với một BS chuyên ngành tim mạch thâm niên, ông kể, từ năm 1989, khi được đưa về phân khoa mổ tim tại BVTW Huế, mỗi lần nhắc đến hai từ “ghép tim”, ai cũng cười bảo đó là chuyện xa vời. Ấy vậy mà từ một kỹ thuật đỉnh cao, nay trở thành thường quy. “Trong các ê kíp lấy tạng, đã có sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, nghĩa là đang có sự chuyển giao, tiếp nối thế hệ”, vị này nói.
“Giới chuyên môn thường dựa vào bộ ba ghép tim-gan-thận đưa ra đánh giá vị thế các trung tâm ghép tạng. Ghép tạng là mũi nhọn của BVTW Huế. Số ca ghép tim xuyên Việt tại BVTW Huế khá lớn và tỷ lệ sống sau ghép các ca này cao.
Để thực hiện ghép tim, các chuyên ngành khác phải có sự phát triển đồng bộ, từ đó mới hỗ trợ mạnh cho ghép tạng. Trong lộ trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của Thừa Thiên Huế và trở thành trung tâm y học cao cấp thì ghép tạng là lĩnh vực không thể thiếu của bệnh viện. Kỹ thuật đỉnh cao này được xem như một đầu tàu, kéo theo các chuyên ngành khác cùng phát triển”, GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BVTW Huế khẳng định.
|
Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Văn Phương trao thưởng cho các cá nhân trong ca ghép tim giữa thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
|
Tại lễ tuyên dương ê kíp thực hiện ca ghép tim xuyên Việt mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương biểu dương, đánh giá cao và ghi nhận thành tích xuất sắc của tập thể các y bác sĩ đơn vị. Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tháng 7/2023, ông Nguyễn Văn Phương thông tin: “Thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh đã ban hành chương trình hành động xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á. Thành công của BVTW Huế ở lĩnh vực ghép tim xuyên Việt khẳng định vị thế, uy tín của tỉnh trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”.
GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhận xét: “Chúng ta triển khai ghép tim tuy đi sau một số quốc gia trên thế giới nhưng khi đã thực hiện thì rất nhanh, đồng bộ. BVTW Huế có đội ngũ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có nhiều chuyên ngành cao cấp liên quan cùng nằm trong cùng một BV nên việc triển khai thuận lợi hơn. Sau cột mốc ca ghép tim năm 2011, nhiều BV lớn trong nước tổ chức ghép tim độc lập với số lượng nhiều hơn. Đặc biệt, ghép được cùng lúc 2 tạng tim-phổi trên một bệnh nhân nói lên việc chinh phục của kỹ thuật ghép tim của Việt Nam ngang tầm khu vực, thậm chí thế giới”.
|
BVTW Huế được Hội Tim mạch Mỹ công nhận đạt "tiêu chuẩn đồng" trong điều trị suy tim. Nếu nếu suy tim tiến triển xấu, có thể thực hiện ghép tim
|
Từ góc độ quản lý, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá: “BVTW Huế là 1 trong 3 trung tâm ghép tạng lớn của cả nước, là đơn vị tự chủ trong ca ghép tim đầu tiên. Chúng tôi đánh giá cao thành tựu này. Trong tương lai, Bộ Y tế đã định hướng phát triển BVTW Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại không chỉ trong cả nước mà cho cả khu vực Đông Nam Á theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chúng tôi tin tưởng trình độ năng lực đội ngũ y bác sĩ ở BVTW Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng ta hoàn toàn ngang bằng với thế giới”.
Hai năm trước, Tỉnh ủy đã ký ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó chỉ rõ: Phát triển mạnh lĩnh vực ghép tạng tại BVTW Huế, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về triển khai thực hiện bộ ba ghép tạng “tim, gan, thận”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tự hào: “Bàn tay vàng của đội ngũ bác sĩ BVTW Huế đã làm nên thành tựu y khoa đáng nể về ghép tim, góp phần nâng cao vị thế về y tế chuyên sâu của Thừa Thiên Huế”.
Còn nhớ trong một cuộc trò chuyện trực tuyến chuyên đề, trước câu hỏi “Ghép tim có phải là nghệ thuật trình diễn” hay không, GS.TS.BS Bùi Đức Phú trả lời: “Đó là một nghệ thuật trong y học - NGHỆ THUẬT CỨU CHỮA NGƯỜI. Không chỉ có đôi tay, khối óc mà người khoác áo blouse trắng còn có cả trái tim yêu thương đồng loại, vượt qua mọi thử thách, khó khăn cứu người bệnh”.
Vị giáo sư được mệnh danh là đôi tay vàng trong làng tim mạch này cũng từng dặn dò học trò, đồng nghiệp rằng: “Có những thứ hôm nay là tiên phong, ngày mai đã là cũ và nếu dừng lại, thỏa mãn với cái đã đạt được, chắc chắn sẽ tụt hậu”. Thành tựu ghép tim của BVTW Huế ngày nay đã chứng minh điều đó, thế hệ kế tiếp không hổ danh với những người từng dày công thiết lập nên nền móng ban đầu.
Nội dung: TUỆ NINH
Ảnh: TH. HIỂN, L. TUỆ, BVCC
Đồ họa: THƯỢNG HIỂN
Thiết kế: T.Q.L